Chồng đi cứu người trong mưa lũ, vợ ở nhà tiếp tế lương thực
Người dân ngư biển xã Ngư Thủy Bắc tình nguyện cứu hộ được hàng ngàn người và hàng ngàn suất cơm cho nhân dân vùng lũ.
Ngày 27/10, PV Báo Giao thông đến gia đình anh Võ Xuân Tuần (44 tuổi) và vợ Trần Thị Duyên (44 tuổi) thôn Tân Hải, xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) là một trong 59 hộ gia đình đã dùng thuyền bơ nan đi biển cứu người trong khi vợ ở nhà tiếp tế gạo, nhu yếu phẩm, nấu cơm để cứu trợ những người dân đang gặp nạn trong vùng lũ dữ.
Tại nhà anh Tuần có cả anh Ngô Công Tân (45 tuổi) và anh Võ Dân Cần (45 tuổi), cũng là những người tham gia cứu trợ, họ đều trú tại thôn Tân Hải, ngồi kể lại câu chuyện cứu trợ trong mưa lũ vào ngày 18 đến ngày 20/10 tại xã Hồng Thủy, Thanh Thủy, An Thủy, Hưng Thủy và thị trấn Kiến Giang thuộc huyện Lệ Thủy.
“Vào lúc 19h ngày 18/10 sau khi nghe thông tin có nhiều người dân ở trong mưa lũ kêu cứu, ngay lập tức chúng tôi gọi tất cả người dân trong xã đưa thuyền bơ nan lên xe vận chuyển hàng chục cây số lên vùng lũ cứu người.
Tại đây, mọi người đều khẩn trương cho thuyền tiếp cận các thôn làng đang bị nước lũ chảy xiết nhấn chìm nhà cửa của người dân. Thuyền chúng tôi dùng để đi biển nhưng nay lên cứu người ở vùng lũ gặp rất nhiều khó khăn như vướng vào dây điện, hàng rào, cây cối và gỗ rác trôi đầy trên mặt nước.
Trời tối mịt, không thấy đường đi chỉ xác định phương hướng bằng những ánh đèn pin le lói hoặc tiếng kêu cứu của những người dân đang trú ẩn trong nóc nhà bị ngập nước, để đến đó cứu họ lên thuyền đưa đến các nhà cao tầng, như: nhà 2 tầng, trụ sở UBND xã...
Đêm ngày, chúng tôi chạy rất nhiều chuyến cứu hộ, không rõ là bao nhiêu chuyến nhưng mỗi chuyến chở được khoảng trên 20 người. Mỗi đêm, ngày thuyền cứu được trên 100 người đến nơi an toàn. Có những người nhà ở sâu trong lối nhỏ, thuyền không vào được nên đành bơi vào dùng phao cõng người dân trên lưng rồi bơi ra thuyền.
Sau lũ đưa thuyền về nhà rất nhiều chiếc bị hư hỏng nhẹ đến nặng, thế nhưng được những người thợ trong làng sửa chữa mà không hề lấy một đồng tiền công nào”.
Anh Võ Xuân Tuần chia sẻ, đêm hôm đó (18/10) mặc dù ao cá của nhà sắp được thu hoạch trị giá hơn 200 triệu đồng bị nước lũ ngập gần đến bờ, nguy cơ bị vỡ bờ, thế nhưng khi nghe bà con của mình kêu cứu, lúc đó tôi không ngần ngại gì mà lên đi ngay.
“Thuyền chúng tôi dùng đi biển rất kiêng cữ chở phụ nữ có thai, sau sinh, đến ngày… Nhưng khi đó tôi chẳng nghĩ ngợi gì mà cứ thế là tập trung cứu được càng nhiều người càng tốt không hề so đo, tính toán gì”, ông Tuần chia sẻ thêm.
Chị Trần Thị Duyên (vợ anh Tuần) cho biết, chồng tôi theo mọi người đi cứu hộ, còn tôi và 2 con nhỏ ở nhà. Nhà thì bao nhiêu việc phải lo tránh mưa lũ, thế nhưng nghe nói người dân vùng lũ đang cần cứu giúp nên tôi đành cố gắng hết sức để lo cho gia đình.
“Mấy ngày mưa lũ lớn, được chị em trong xã vận động quên góp gạo và nhu yếu phẩm để tập trung nấu cơm đóng hộp gửi lên cho các gia đình nằm trong vùng lũ. Nhiều nhà quyên góp hết nên không còn gạo để mà ăn nữa. Mỗi ngày xã chúng tôi làm được hơn cả ngàn suất cơm”, chị Duyên cho biết thêm.
Ông Trần Quang Cả, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam xã Ngư Thủy Bắc cho biết, những ngày lũ đến các xã vùng trũng bị ngập trong biển nước, xã Ngư Thủy Bắc đã tổ chức vận động được 59 thuyền bơ nan đưa lên cứu hộ cứu nạn và hơn 1.500 suất cơm mỗi ngày để cứu trợ cho bà con ở vùng lũ đang đói rét.
“Mọi chi phí về vận chuyển, vật tư và hư hỏng thuyền, các hộ dân trong xã đều tình nguyện bỏ ra chi phí mà không đòi hỏi gì”, ông Cả cho biết thêm.
Tin nổi bật
Tin Video