Tin tức

Chõ xôi trong gia đình người Thái Tây Bắc

Từ xa xưa, chõ xôi là một trong những vật dụng quen thuộc, gắn liền với đời sống của đồng bào Thái Tây Bắc, thường được bà con dùng để xôi cơm và nhiều món ăn dân tộc. Dù cuộc sống có nhiều đổi thay, nhưng trong căn bếp của các gia đình người Thái bây giờ, hầu như nhà nào cũng có ít nhất một chiếc chõ xôi và được bà con duy trì sử dụng trong cuộc sống hàng ngày.

07/10/2021 10:44

Theo phong tục tập quán, người Thái Tây Bắc thường ở nhà sàn, ăn cơm nếp, kèm với rau măng, củ quả được đồ chín trong chõ. Vì thế, trong các gia đình người Thái, nhà ai cũng có chõ xôi, đi kèm cùng chiếc Ninh đồng (có hình trụ, dạng phễu, thắt nhỏ ở giữa, loe ở phần đáy và phần miệng) có tác dụng như là một nồi hơi cung cấp hơi nước nóng để làm chín gạo nếp hoặc thức ăn ở trong chõ.

Không những vậy, chõ xôi, ninh đồng còn tượng trưng cho một món quà rất quý không thể thiếu mà các bậc cha mẹ người Thái chuẩn bị cho con trai khi trưởng thành, xây dựng gia đình riêng.

Chõ xôi trong gia đình người Thái Tây Bắc - Ảnh 1.

Chõ đan bằng tre được bán ở các quầy hàng

“Với người Thái, làm nhà là phải có cái ninh, cái chõ. Khi con trai lấy vợ, ra ở riêng bố mẹ nào cũng phải sắm cho con cái ninh, cái chõ như của hồi môn. Và mẻ xôi đầu tiên sẽ được nấu ngay tại ngôi nhà mới của người con trai, con dâu, mong muốn bếp lửa bên nếp nhà sàn sẽ luôn đỏ lửa, ấm cúng, no đủ, hạnh phúc.

Cái chõ không chỉ dùng để xôi cơm, mà còn rất tiện ích, bất cứ rau, măng, củ, quả nào phù hợp với món xôi, hấp đều dùng đến chõ xôi cách thuỷ. Nên mỗi gia đình người Thái đều không thể thiếu được cái ninh, chõ xôi ”, ông Tòng Văn Hịa, ở bản Mòng, xã Hua La, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La, người am hiểu về phong tục tập quán của người Thái cho biết.

Chõ xôi trong gia đình người Thái Tây Bắc - Ảnh 2.

Chõ gỗ thường để xôi hoặc thức ăn

Trước đây, chõ xôi được đục bằng gỗ to nguyên khối, loại gỗ dẻo, không nứt nẻ, vênh cong (người Thái gọi là mạy tin pết), đục khoét thủng bên trong, thành chõ mỏng, mịn cả bên trong và bên ngoài. Chõ hình tròn, đáy nhỏ hơn miệng.

Chõ xôi trong gia đình người Thái Tây Bắc - Ảnh 3.

Đây là vật dụng không thể thiếu trong mỗi căn bếp của bà con người Thái Tây Bắc

Tuy nhiên, do khan hiếm gỗ và mất rất nhiều thời gian để hoàn thiện một cái chõ gỗ, trong khi không phải ai cũng biết đục loại chõ này, bà con đã sáng tạo đan chõ xôi bằng tre nứa thay thế chõ gỗ, vừa đơn giản, tiện dụng, thân thiện với môi trường, giá lại rẻ hơn so với chõ gỗ. Không phải ai cũng biết đan chõ, vì cần sự khéo tay, kỳ công từ việc chọn tre nứa, chẻ lạt, phơi lạt, đến việc đan, hoàn thiện cái chõ.

Chõ xôi trong gia đình người Thái Tây Bắc - Ảnh 4.

Chõ xôi được đan từ tre

Ông Tòng Văn Hịa, cũng là người chuyên đan chõ tre cho biết, để đan chõ tre thì phải chọn cây tre nứa (Mạy Mây) gióng dài, thẳng, cây tre già, không bị mối mọt, không bị cụt ngọn. Tre được mang về chẻ thành lạt, vót, đan thành 2 lớp: lớp ngoài chẻ tre sợi bé, phải đan rất công phu, đảm bảo về hình thức, bền, đẹp; lớp trong chẻ lạt sợi to, cứng hơn lớp ngoài nhưng cũng phải vót thật mịn, để cơm khi đã xôi chín, dẻo không bị dính chõ. Riêng lớp giữa được lót bởi một lớp bao dứa sạch, hoặc lớp vải để giữ nhiệt. Cho nên, để đan hoàn thành một cái chõ bình quân cũng phải mất từ 2 đến 3 ngày.

Chõ xôi trong gia đình người Thái Tây Bắc - Ảnh 5.

Chõ xôi làm bằng gỗ

Đi kèm với cái chõ xôi, phải có vỉ lót chõ được đan bằng tre mềm mỏng, có hình tròn, được đặt vào bên trong, dưới đáy chõ để khi đổ gạo vào xôi, hạt gạo không lọt xuống ninh được, mà hơi nước vẫn có thể bốc lên từ miệng ninh, làm chín gạo đã được ngâm sẵn trước khi xôi. Khi xôi cơm hoặc thức ăn, chỉ cần đổ lượng nước vừa đủ ngập khoảng 7-10cm  trong ninh và phần miệng loe của ninh cũng đổ nước gần đầy. Khi đó chỉ việc đặt chõ xôi lên trên chiếc ninh, đặt ninh lên bếp để đun.

Chõ xôi trong gia đình người Thái Tây Bắc - Ảnh 6.

Đáy chõ gỗ có 2 thanh gỗ chữ thập ở giữa

“Tôi làm dịch vụ nhà hàng các món ăn dân tộc, chính vì thế riêng cái ninh, cái chõ xôi cơm thì không thể thiếu được để nấu xôi cho khách, cũng như phục vụ bữa ăn hàng ngày của gia đình. Khách đến nhà hàng, ai cũng hỏi ăn xôi, có người thì ăn xôi nóng, xôi nướng, người thì ăn xôi rán tuỳ thích. Gạo để xôi phải là loại nếp tan dẻo, thơm”, bà Tòng Thị Biên, chủ nhà hàng kinh doanh các món ăn dân tộc Thái ở bản Mòng, xã Hua La, thành phố Sơn La đã chia sẻ.

Hiện nay, chõ xôi đan bằng tre đã được đồng bào đem bán tại các chợ vùng cao hoặc bày bán tại các quầy hàng mây tre đan, thổ cẩm dân tộc. Giá thành của mỗi chõ xôi đan bằng tre chỉ dao động từ 150.000 - 200.000 đồng, trong khi giá chõ xôi bằng gỗ từ 300.000 - 500.000 đồng tuỳ theo kích cỡ to, nhỏ. Và những chiếc chõ xôi dù được đục từ gỗ, hay đan bằng tre, đã góp phần tạo nên những hình ảnh rất riêng chỉ có ở vùng cao.

Ý kiến của bạn