Lăng kính

Cho vay ngang hàng – Cần sớm có quy định về pháp lý

(VOVTV) - Tuy Ngân hàng Nhà nước đã hai lần lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo nghị định quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng, song tới nay, chưa có cơ chế chính thức nào được ban hành.

Tác giả Như Nguyên - Anh Dũng
27/12/2022 15:53

Năm 2005, hình thức cho vay ngang hàng xuất hiện lần đầu ở Anh, sau đó nở rộ ở một số quốc gia châu Á trước khi du nhập vào Việt Nam năm 2016. Theo thống kê sơ bộ của Ngân hàng nhà nước, hiện ở nước ta có khoảng hơn 100 đơn vị hoạt động cho vay dưới hình thức P2P (peer to peer lending.)

Về lý thuyết, toàn bộ các công ty hoạt động dưới hình thức cho vay ngang hàng không phải tổ chức tín dụng, nên họ không chịu sự điều chỉnh của luật Tổ chức tín dụng. Trong khi, hoạt động vay vốn trong các giao dịch kiểu này căn cứ vào Bộ Luật dân sự năm 2015, các điều 463, 466. Chính vì thế, việc xác định các công ty cho vay ngang hàng thuộc lĩnh vực gì, Bộ ban ngành nào chịu trách nhiệm chính rất quan trọng

Trên thế giới, nhiều quốc gia cấm hình thức cho vay ngang hàng, ví dụ như ở Mỹ, do không xác định được cụ thể vai trò, trách nhiệm của bên trung gian.

Khi luật pháp không cấm, tức là các công ty cho vay ngang hàng được phép hoạt động, nhưng hoạt động không theo bất kì quy định pháp luật nào lại là chuyện khác. Chính vì thế, các cơ quan chức năng cần sớm có giải pháp triệt để, hạn chế tối đa rủi ro.

Cho vay ngang hàng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các bên tham gia, có thể gây ra mất ổn định kinh tế xã hội do các bên có liên quan không trả được nợ; để lại những hệ lụy kéo dài, hết sức nặng nề. Gần đây nhất, Công ty cổ phần Công nghệ tài chính VO247, có website vayonline247.vn với 6.000 nhà đầu tư và gần 70.000 người vay, lãi suất lên đến 18%/năm, đã thông báo ngừng cho phép nhà đầu tư rút tiền do mất thanh khoản. Đây chính là lời cảnh báo cho các nhà đầu tư khi tham gia vào mô hình này, đồng thời càng cho thấy sự cần thiết phải sớm ban hành khung khổ pháp lý về hoạt động cho vay ngang hàng để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hạn chế cạnh tranh không lành mạnh, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ lợi ích của người sử dụng dịch vụ.

Ý kiến của bạn