Lăng kính

Cho thuê vỉa hè: Liệu người dân còn chỗ đi bộ?

(VOVTV) - UBND TP. Hà Nội vừa chấp thuận cho quận Hoàn Kiếm sử dụng vỉa hè để kinh doanh, phục vụ du khách. Điều khiến dư luận quan tâm là tới đây, việc triển khai kinh doanh trên vỉa hè tổ chức thế nào? Người đi bộ liệu có bị đẩy xuống lòng đường?

Tác giả Thu Hương - Chí Phương / VOVTV
16/01/2022 14:07

Hè phố sát tường (khách sạn) 11 Lê Phụng Hiểu với chiều rộng 1,5m được cho thuê để bán cà phê, giải khát. Diện tích còn lại của vỉa hè dành cho người đi bộ không nhiều. Nếu tính từ gốc cây vào đến vị trí cho thuê thì người đi bộ chỉ có chưa tới 1m vỉa hè để đi lại. Tương tự, tại 30A Lý Thường Kiệt, 94 Lý Thường Kiệt cũng đang cho kinh doanh vỉa hè. Ba địa điểm trên đều nằm ở vị trí đắc địa, có lưu lượng phương tiện giao thông qua lại đông đúc.

Công ty TNHH Bất động sản Mặt trời Thủ Đô, Công ty CP Prodigy Việt Nam, Công ty CP Tư vấn đầu tư tài chính Toàn Cầu là 3 đơn vị được được phép sử dụng tạm thời hè phố để kinh doanh cà phê, giải khát, đồ ăn nhanh. 

Vị trí sử dụng hè phố sát tường nhà và nằm trong phạm vi mặt tiền của toà nhà kết nối với không gian tầng 1. Thời gian cấp phép 6 tháng/ lần, sử dụng tạm thời hè phố với mức phí 45.000 đồng/m2/tháng. Với mức phí ở “vùng lõi” đô thị như thế này, nhiều chuyên gia cho rằng nên đưa ra đấu giá thay vì áp giá.

Theo các chuyên gia giao thông, việc cho thuê vỉa hè để kinh doanh chưa phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành, đặc biệt là quy định về việc sử dụng hè phố không vào mục đích giao thông.

Theo thiết kế trên một tuyến đường, trung tâm đường sẽ dành cho các phương tiện xe cơ giới, hai bên đường vỉa hè là phần đường đi bộ đóng vai trò quan trọng khi là “lối đi riêng” cho mọi người đi bộ được an toàn, tách biệt với các phương tiện cơ giới khác. Nếu xác định việc cho thuê vỉa hè mang lại lợi ích, góp phần chỉnh trang đô thị thì TP. Hà Nội cần có một nghị quyết chuyên đề để triển khai đồng bộ, thống nhất trên địa bàn các quận mới đem lại hiệu quả thiết thực.

Ý kiến của bạn