Chính quyền Biden liên tiếp 'nắn gân' Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông
Trong những tuần đầu tiên của nhiệm kỳ, chính quyền Tổng thống Mỹ Biden đã tăng cường các hoạt động hàng hải ở Biển Đông.
Chính quyền mới của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đảo ngược một loạt chính sách của chính quyền Donald Trump về các vấn đề như năng lượng, nhập cư, y tế, nhưng khi đối đầu với các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông, họ vẫn giữ nguyên lập trường kiên quyết và cứng rắn.
Mỹ liên tiếp thực hiện các hoạt động hàng hải
Trong những tuần đầu tiên nắm quyền, Tổng thống Biden đã phát đi tín hiệu rằng ông sẽ tiếp nối chính sách cứng rắn của người tiền nhiệm đối với Trung Quốc, trong đó phải kể đến việc tăng cường các hoạt động hàng hải tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Ngày 4/2, Mỹ đã điều tàu khu trục John S. McCain đi qua eo biển Đài Loan. Ngày 5/2, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS John S. McCain của Mỹ đi vào vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ngày 9/2, Hải quân Mỹ thông báo hai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz đã tiến hành các hoạt động diễn tập nhằm "tăng khả năng tương tác giữa các khí tài cũng như năng lực chỉ huy và kiểm soát" ở Biển Đông.
Chưa đầy 1 tháng sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Biden đã theo đuổi chính sách về Trung Quốc không mấy khác biệt so với chính sách của chính quyền ông Trump. Điều này khiến nhiều nhà quan sát Trung Quốc tin rằng, chính sách cạnh tranh chiến lược của Wahington với Bắc Kinh – trong lĩnh vực hàng hải và hơn thế nữa, sẽ là dài hạn.
Ông Eric Sayers, cựu cố vấn của chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ nhận định: “Những gì chúng ta đang thấy là chính quyền mới sẽ không loại bỏ lập trường đã được khẳng định suốt 4 năm qua. Họ chấp nhận logic của việc đưa Trung Quốc và sự cạnh tranh với Bắc Kinh trở thành mối quan tâm hàng đầu. Họ đang muốn nói rằng: Chúng tôi có cách thức của riêng mình. Chúng tôi sẽ thực hiện mọi thứ khác đi một chút và đặt ưu tiên trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhưng đồng thời họ sẽ không lùi bước ở một số lĩnh vực”.
Chuyên gia Eric Sayers nói thêm: “Có một sự tiếp nối ở Biển Đông, nhưng đó là sự tiếp nối cách tiếp cận của chính quyền Trump chứ không phải là quay trở về chính sách thời Obama”.
Tuy vậy, cách tiếp cận của Tổng thống Biden dường như quyết đoán hơn. Sau khi tàu khu trục USS John S. McCain tiến hành hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông, Hạm đội 7 của Mỹ, hiện đồn trú tại Nhật Bản, đã đưa ra tuyên bố lên án yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc.
“Những yêu sách hàng hải trái pháp luật ở Biển Đông đã gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với các quyền tự do trên biển, trong đó có quyền tự do hàng hải và hàng không, tự do thương mại và tự do về cơ hội kinh tế cho các quốc gia ven biển ở Biển Đông”, tuyên bố của Hạm đội 7 nêu rõ.
Đáp lại tuyên bố nêu trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, Trung Quốc đang theo dõi các hoạt động của Mỹ trên Biển Đông, đồng thời kêu gọi Washington “đóng một vai trò xây dựng hơn trong khu vực thay vì hành động ngược lại”.
Nhiều học giả nước ngoài đã chỉ trích các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông, đặc biệt là đối với quân đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ông Bryan Clark, chuyên viên nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Hudson của Mỹ cho rằng, việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa đã vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
“Trung Quốc đang cố gắng biện minh rằng quần đảo Hoàng Sa là một phần mở rộng của họ và do vậy, họ có thể vẽ ra các đường thẳng xung quanh đối tượng địa lý này. Hoàng Sa nằm ở phía Nam đảo Hải Nam. Bắc Kinh muốn mở rộng chủ quyền ở Biển Đông bằng việc vẽ một đường thẳng kéo dài từ Hoàng Sa đến đảo Hải Nam và tới Trung Quốc lục địa. Nhưng hành động đó trái với luật pháp quốc tế và xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam”.
Sự cạnh tranh sẽ còn tiếp diễn
Mặc dù theo đuổi lập trường khác nhau về một loạt vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia, nhưng khi nhắc đến quan hệ với Trung Quốc, cả ông Biden và ông Trump đều vạch ra những lộ trình tương tự.
Dù nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường hợp tác với Bắc Kinh, đặc biệt là về vấn đề biến đổi khí hậu, song chính quyền Biden đã giữ nguyên quyết định của cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đưa ra năm 2020 - chính thức bác bỏ các yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Philippines, tân Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nêu rõ, Mỹ sẽ không lùi bước khi bác bỏ các yêu sách hàng hải của Trung Quốc và Washington cam kết duy trì một trật tự dựa trên luật lệ ở Biển Đông. Ông Antony Blinken cũng thông báo sẽ sát cánh với các nước Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông chống lại sức ép từ phía Trung Quốc.
Chuyên gia Bonnie Glaser, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nhận định, những tuyên bố trực tiếp và hành động của chính quyền Tổng thống Biden ở giai đoạn đầu nhiệm kỳ cho thấy sẽ không có sự thay đổi đáng kể trong chính sách đối với Trung Quốc tại Nhà Trắng.
“Về cơ bản, đó là sự tái hiện lại chính sách của chính quyền Trump, được cựu Ngoại trưởng Pompeo nêu rõ vào giữa năm 2018 và giữa năm 2020, tái khẳng định Hiệp ước phòng Thủ chung giữa Mỹ với đồng minh sẽ được áp dụng ở Biển Đông và việc Mỹ phản đối các yêu sách hàng hải của Trung Quốc vốn đi ngược lại với UNCLOS”.
“Trên thực tế, chính sách của Mỹ đã được thể hiện rõ ràng trong những tuần đầu tiên của nhiệm kỳ ông Biden, đó là khẳng định cam kết đối với các đồng minh và quyết tâm đẩy lùi các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông mà Washington cho là làm phương hại đến lợi ích của họ cũng như của các đồng minh và đối tác”, chuyên gia Bonnie Glaser nhấn mạnh.
Sắp xếp lại thứ tự các ưu tiên?
Tuy vậy, vẫn có một khía cạnh chưa được làm rõ là chính sách mới của ông Biden với Trung Quốc sẽ tác động ra sao đến các ưu tiên của Bộ Quốc phòng Mỹ trong tương lai.
Ngày 4/2, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã tiến hành một cuộc đánh giá tổng thể lực lượng để xem xét liệu quân đội có khả năng hiện diện ở những khu vực quan trọng nhằm chống lại các mối đe dọa mà nước Mỹ đang phải đối mặt hay không. Trong thông báo ngày 10/2, Tổng thống Biden cho biết, ông Austin đã đề xuất thành lập lực lượng đặc trách thuộc Lầu Năm Góc chuyên về xem xét chính sách với Trung Quốc.
“Lực lượng này sẽ vạch ra một lộ trình mang tính toàn diện, phối hợp với các đồng minh, đối tác và có sự tham gia của tất cả các cơ quan trong chính phủ để đối phó với thách thức của Trung Quốc”, ông Biden nói.
Trả lời câu hỏi liên quan đến việc đánh giá cơ cấu lực lượng, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Kathleen Hicks cho biết: “Có một số chủ đề mà tôi thực sự quan tâm đó là việc tăng cường quyền tự chủ, phân tán lực lượng và gia tăng lực lượng tác chiến mặt nước”.
Khi nói đến cụm từ phân tán lực lượng, bà Kathleen Hicks dường như ám chỉ kế hoạch của Hải quân Mỹ sẽ chiến đấu theo cách thức dàn trải hơn, sử dụng các cảm biến, phương tiện không người lái và có người lái để tăng cường khả năng hiện diện tại nhiều khu vực hơn. Bà Kathleen Hicks cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư vào các tàu chiến mặt nước nhỏ.
Trước đó vào tháng 4/2020, Bộ Quốc phòng Mỹ đã trao hợp đồng đóng tàu khu trục lớp Constellation thế hệ mới cho Công ty đóng tàu Fincantieri và nhà máy của công ty này là Marinette Marine.
Vẫn chưa rõ tên lửa siêu thanh – một ưu tiên quan trọng từ thời chính quyền Trump nhằm giúp quân đội có khả năng tấn công các mục tiêu tầm xa, có trở thành ưu tiên của chính quyền Biden hay không.
Hiện tại, nhiều nhân vật bảo thủ đã hoan nghênh việc chính quyền Biden tiếp nối quan điểm cứng rắn với Trung Quốc của chính quyền Donald Trump.
Ông Seth Cropsey, từng là quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ dưới thời Tổng thống George H.W. Bush đánh giá, các chính sách của ông Biden đến thời điểm hiện tại rất đáng khích lệ. “Chúng cứng rắn hơn những gì tôi dự đoán”, chuyên gia này cho biết, việc chính quyền mới của Mỹ tạm dừng các cuộc tiếp xúc cấp cao với Trung Quốc cho đến khi tham khảo xong ý kiến của các đồng minh trong khu vực là một bước đi sáng suốt.
Tin nổi bật
Tin Video