Chính phủ Mỹ kiện Facebook, buộc bán lại Instagram và WhatsApp
Hai đơn kiện riêng biệt do giới chức liên bang và các tiểu bang của Mỹ đệ trình yêu cầu Facebook phải bán lại các dịch vụ có hàng tỷ người dùng mà họ từng mua lại.
Giới chức chống độc quyền của liên bang và tiểu bang tại Mỹ đã đệ đơn kiện Facebook hôm 9/12, tuyên bố rằng "gã khổng lồ" mạng xã hội đã lạm dụng vị trí thống trị của mình với việc mua lại các ứng dụng Instagram và WhatsApp, AFP cho hay.
Hai đơn kiện riêng biệt do Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) và liên minh quan chức các bang đệ trình kêu gọi Facebook bán lại Instagram và WhatsApp. Đây là những dịch vụ có hàng tỷ người dùng và là một phần của "gia đình" ứng dụng Facebook.
Với diễn biến này, Facebook trở thành công ty "Big Tech" thứ hai tại Mỹ phải đối mặt với thách thức pháp lý lớn trong năm nay. Hồi tháng 10, Bộ Tư pháp Mỹ đã kiện Google, cáo buộc công ty trị giá 1.000 tỷ USD sử dụng sức mạnh thị trường của mình để đè bẹp đối thủ.
Đây cũng là vụ kiện chống độc quyền lớn nhất kể từ vụ kiện chống lại Microsoft vào năm 1998. Chính phủ Mỹ cuối cùng đã dàn xếp vụ kiện đó, nhưng cuộc chiến kéo dài nhiều năm ở tòa án và sự giám sát ngày càng tăng đã khiến Microsoft không thể ngáng chân đối thủ và mở ra thời kỳ phát triển bùng nổ của Internet, theo Reuters.
"Các hành động của Facebook nhằm mở rộng và duy trì thế độc quyền đã khiến khách hàng không được hưởng những lợi ích của sự cạnh tranh", Ian Conner, Giám đốc Cục Cạnh tranh thuộc FTC, cho biết. "Mục đích của chúng tôi là đẩy lùi hành vi phản cạnh tranh của Facebook và khôi phục sự cạnh tranh để sự đổi mới và cạnh tranh tự do có thể phát triển".
Một đơn kiện khác được đệ trình bởi giới chức chống độc quyền ở 48 tiểu bang và vùng lãnh thổ của Mỹ.
"Trong gần một thập kỷ, Facebook đã lợi dụng vị thế thống trị và sức mạnh độc quyền của mình để đè bẹp các đối thủ nhỏ hơn và loại bỏ sự cạnh tranh, gây tổn hại cho người dùng hàng ngày", Tổng chưởng lý bang New York Letitia James, người đứng đầu liên minh, nói. "Facebook lợi dụng sức mạnh của mình nhằm ngăn chặn cạnh tranh để họ có thể tận dụng lợi thế về người dùng và kiếm hàng tỷ USD bằng cách chuyển đổi dữ liệu cá nhân thành một con gà đẻ trứng vàng".
Các đơn kiện cáo buộc Facebook tìm cách kìm hãm sự cạnh tranh bằng cách mua lại các ứng dụng có đông người dùng - Instagram vào năm 2012 và WhatsApp vào năm 2014.
Đầu năm nay, FTC tuyên bố sẽ xem xét các thương vụ mua lại của 5 công ty Big Tech trong thập kỷ qua, mở đầu cho làn sóng điều tra chống độc quyền.
Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng này cho biết họ sẽ xem xét các giao dịch do Amazon, Apple, Facebook, Microsoft và Alphabet - công ty mẹ của Google - thực hiện kể từ năm 2010 trong bối cảnh ngày càng có nhiều lời phàn nàn về các nền tảng công nghệ đã thống trị các lĩnh vực kinh tế chủ chốt.
Hồi tháng 10, Bộ Tư pháp Mỹ, cơ quan chia sẻ nghĩa vụ thực thi pháp luật chống độc quyền với FTC, đã kiện Alphabet, cáo buộc gã khổng lồ Thung lũng Silicon duy trì "thế độc quyền bất hợp pháp" trong lĩnh vực tìm kiếm và quảng cáo trực tuyến. 11 tiểu bang của Mỹ đã tham gia vụ kiện đó.