Chính phủ đốc thúc các đô thị lớn hạn chế xe cá nhân
Chính phủ yêu cầu các đô thị lớn ưu tiên đầu tư phát triển vận tải công cộng, chuyển đổi sang các phương tiện giao thông xanh gắn với lộ trình hạn chế xe cá nhân.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 149 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới.
Chính phủ yêu cầu các địa phương tăng cường quản lý hoạt động vận tải, ưu tiên đầu tư phát triển vận tải hành khách công cộng, chuyển đổi sang các phương tiện giao thông xanh gắn với lộ trình hạn chế dần phương tiện cá nhân tại các đô thị lớn.
Việc tổ chức giao thông hợp lý, khoa học, phù hợp với điều kiện kết cấu hạ tầng, thực hiện nghiêm quy định về quản lý hành lang an toàn giao thông, thường xuyên rà soát, phát hiện, khắc phục kịp thời hạn chế, bất cập trong tổ chức giao thông và "điểm đen" trên các tuyến giao thông… cũng được Chính phủ đề cập.
Chính phủ cũng đưa ra yêu cầu về đổi mới, nâng cao chất lượng đăng ký, đăng kiểm phương tiện giao thông, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép điều khiển phương tiện giao thông, bảo đảm phương tiện tham gia giao thông phải đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn kỹ thuật, người điều khiển phương tiện phải hiểu biết đầy đủ pháp luật, có đủ kỹ năng tham gia giao thông.
Chính phủ giao các bộ ngành, địa phương siết chặt trật tự, kỷ cương, xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật về giao thông. Các cơ quan, đơn vị kịp thời khởi tố các vụ tai nạn giao thông có dấu hiệu tội phạm, điều tra, xử lý nghiêm minh; đồng thời xác định rõ nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông để có giải pháp phòng ngừa hiệu quả.
Nghiêm cấm mọi hành vi can thiệp, tác động vào quá trình xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng.
Các đơn vị được yêu cầu thay đổi tư duy, nhận thức, phương pháp, cách làm mới, quyết liệt hơn trong lãnh đạo, quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Tháng 4/2022, Chính phủ giao 5 thành phố trực thuộc Trung ương gồm Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, TP.HCM nghiên cứu xây dựng đề án phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới lộ trình hạn chế hoặc dừng hoạt động của xe máy trên một số địa bàn các quận sau năm 2030.
Các thành phố này cũng được giao nghiên cứu xây dựng, triển khai đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào.
Tại Hà Nội, tháng 6/2023, UBND TGhành phố có quyết định phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế đô thị thành phố Hà Nội”.
Để thực hiện phát triển kinh tế đô thị, TP Hà Nội nêu 33 nhiệm vụ, dự án, đề án, chương trình ưu tiên thực hiện.
Trong đó, đề án "Phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030" được giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp Công an thành phố; UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện trong giai đoạn 2023 – 2025.
Đề án "Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào" cũng được giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan hoàn thiện trong giai đoạn 2023 – 2025.