Chính phủ ban hành 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm khắc phục hậu quả bão số 3, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh
(VOVTV) - Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.
Bão số 3 gây thiệt hại nghiêm trọng, nặng nề
Bão số 3 (Yagi) là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua trên Biển Đông và trong 70 năm qua trên đất liền, với nhiều đặc điểm chưa từng có tiền lệ, là siêu bão với cường độ rất mạnh (gió giật cấp 17); sức tàn phá rất lớn; thời gian tàn phá trên đất liền và duy trì cường độ bão dài; phạm vi ảnh hưởng rất rộng, bao phủ toàn bộ 26 địa phương khu vực miền Bắc và Thanh Hóa; đối tượng chịu tác động nhiều; gây ra mưa lớn dài ngày, dẫn đến thảm họa thiên tai về lũ, sạt lở nghiêm trọng tại nhiều địa phương.
Bão số 3 đã gây thiệt hại nghiêm trọng, nặng nề về người, tài sản, cây trồng, vật nuôi, các hạ tầng kinh tế - xã hội; ảnh hưởng rất lớn đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất nông nghiệp, dịch vụ, du lịch. Thống kê sơ bộ đến ngày 17/9/2024, đã có 329 người chết, mất tích, khoảng 1.929 người bị thương; khoảng 234,7 nghìn căn nhà, 1.500 trường học và nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hại; 726 sự cố đê điều; trên 307,4 nghìn ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại; 3.722 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; gần 03 triệu gia súc, gia cầm bị chết và gần 310 nghìn cây xanh đô thị bị gẫy đổ…
Tổng thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra ước tính sơ bộ trên 50 nghìn tỷ đồng, dự báo có thể làm tốc độ tăng trưởng GDP cả năm giảm khoảng 0,15% so với kịch bản tăng trưởng đạt 6,8-7%.
Các vấn đề xã hội, nhất là y tế, giáo dục, môi trường, nước sạch nông thôn, nước sạch đô thị, lao động việc làm, đời sống người dân… cần đặc biệt quan tâm, ưu tiên nguồn lực và triển khai nhanh sau bão, lũ để ổn định đời sống người dân.
Ngay từ khi bão số 3 hình thành và đi vào biển Đông, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tập trung theo sát tình hình, dự báo sát, chính xác diễn biến cường độ và đường đi của bão, cảnh báo nguy cơ mưa lũ, sạt lở đất và triển khai các giải pháp ứng phó khẩn cấp trước, trong và sau bão.
Cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, địa phương đã khẩn trương, quyết liệt vào cuộc, thông tin và chỉ đạo kịp thời hỗ trợ người dân ứng phó, hạn chế tác động và khắc phục hậu quả bão số 3… Nhờ đó, chúng ta đã hạn chế tối đa mức độ thiệt hại, nguy cơ có thể xảy ra và khẩn trương khắc phục hậu quả do bão số 3.
Để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát, tiếp tục phấn đấu tăng trưởng kinh tế cả năm 2024 khoảng 6,8-7%, Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan khác ở trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân 26 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bị ảnh hưởng bởi bão số 3 (sau đây gọi tắt là các bộ, cơ quan, địa phương), căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, thực hiện khẩn trương, quyết liệt, kịp thời, hiệu quả Kết luận của Bộ Chính trị, các Nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Chính sách, giải pháp hỗ trợ phải nhanh, hiệu quả, trực tiếp vào các đối tượng bị ảnh hưởng
Quan điểm của Chính phủ là chính sách, giải pháp hỗ trợ phải nhanh, khả thi, kịp thời, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, trực tiếp vào các đối tượng bị ảnh hưởng; trình tự, thủ tục, điều kiện thụ hưởng đơn giản, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát, đánh giá.
Đồng thời, huy động mọi nguồn lực, quản lý và phân bổ hợp lý, hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm, trục lợi chính sách, bảo đảm công khai, minh bạch.
Mục tiêu là bảo vệ tính mạng, an toàn, sức khỏe của nhân dân là trên hết, trước hết; bảo đảm an sinh xã hội, sớm khôi phục các hoạt động đời sống, xã hội để ổn định cuộc sống nhân dân, nhất là tại các địa bàn bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi bão lũ, ngập lụt, sạt lở đất; khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, giữ vững đà tăng trưởng, phục hồi của các địa phương, nền kinh tế trong năm 2024.
Nghị quyết nêu rõ phạm vi, đối tượng hỗ trợ là người dân, người lao động, người yếu thế, hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp tại các địa bàn bị ảnh hưởng bởi bão số 3, ngập lụt, lũ, sạt lở đất.
Thời gian hỗ trợ chủ yếu trong tháng 9 và tháng 10 năm 2024; một số chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh, doanh nghiệp có thể kéo dài, bổ sung nguồn lực thực hiện đến hết năm 2025 để phù hợp với sự phục hồi của doanh nghiệp, hộ kinh doanh và yếu tố mùa vụ trong sản xuất kinh doanh.
Chính phủ đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.
Nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về bảo vệ tính mạng, an toàn, sức khỏe của nhân dân
Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, các cấp chính quyền địa phương, huy động tối đa các lực lượng tìm kiếm người mất tích; tăng cường bố trí lực lượng, phương tiện tuần tra, di dời, sơ tán người dân khỏi các khu vực có nguy cơ cao và vận chuyển hàng hóa viện trợ, tiếp tế cho người dân.
Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành, địa phương huy động, bố trí đầy đủ lực lượng y tế, bảo đảm thuốc men, vật tư y tế cứu chữa người bị thương, bị bệnh; làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, xử lý, vệ sinh môi trường, vệ sinh nguồn nước, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tuyệt đối không để bùng phát dịch bệnh sau lũ, nhất là tại các địa phương xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.
Bộ Tài chính, các địa phương bảo đảm nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện các chính sách hỗ trợ trực tiếp việc mai táng cho người thiệt mạng, các hộ gia đình có người chết, mất tích hoặc bị thương nằm viện do ảnh hưởng từ bão số 3; giải quyết, chi trả đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách cho nhân thân người thiệt mạng; sử dụng nguồn dự phòng ngân sách nhà nước và các nguồn hợp pháp khác để di dời khẩn cấp các hộ dân, điểm dân cư tại khu vực có nguy cơ sạt lở cao, hoàn thành trước ngày 30/9/2024.
Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương xuất cấp lương thực, trang thiết bị, vật tư, hóa chất, làm sạch môi trường, hóa chất khử khuẩn, khử trùng, xử lý nguồn nước sinh hoạt, thuốc phòng chống dịch bệnh từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ các địa phương.
Các địa phương phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an rà soát, kiểm tra, bằng mọi cách tiếp cận bằng được những nơi còn bị chia cắt để cứu trợ, cứu nạn; tập trung sắp xếp chỗ ở tạm thời cho người dân bị mất nhà, cung cấp lương thực, thực phẩm, nước sạch cho người dân.
Nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về hỗ trợ khôi phục các hoạt động đời sống, xã hội để ổn định cuộc sống nhân dân
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì xác định mức độ thiệt hại và nhu cầu hỗ trợ của các địa phương, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ bố trí dự phòng ngân sách trung ương năm 2024 để hỗ trợ các địa phương theo quy định pháp luật.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan và địa phương theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ được giao:
Nâng mức hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn có nhà ở bị sập, hư hỏng hoàn toàn cần xây mới, hư hỏng nặng phải sửa chữa và di dời chỗ ở từ nguồn ngân sách nhà nước, Quỹ cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát, Quỹ Vì người nghèo, các nguồn hỗ trợ qua Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các nguồn xã hội hóa.
Thực hiện nhanh, hiệu quả các chính sách hỗ trợ khẩn cấp hiện hành đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn để sửa chữa nhà ở bị hư hỏng nặng, di dời nhà ở…, theo phương châm "xác định thiệt hại đến đâu, hỗ trợ kịp thời đến đó".
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, cơ quan và địa phương vận động các đối tác, nhà tài trợ để huy động các nguồn tài chính, hàng hóa viện trợ của các nước, các tổ chức quốc tế và thực hiện hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời cho người dân, địa phương bị ảnh hưởng.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp dồn toàn lực để khôi phục hạ tầng thiết yếu (điện, nước, viễn thông…) trong thời gian sớm nhất, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu sinh hoạt, thông tin liên lạc của người dân; không để mất điện, mất sóng viễn thông và các dịch vụ thiết yếu khác bị đứt gãy do bão lũ gây ra.
Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương sử dụng dự phòng ngân sách nhà nước để khẩn trương sửa chữa, sớm đưa vào sử dụng trở lại các công trình dân sinh, trường học, bệnh viện, cơ sở y tế, trạm y tế, thủy lợi…; huy động tối đa các nguồn vốn hợp pháp để gia cố ngay các đoạn đê, kè xung yếu, bị hư hại nghiêm trọng; sửa chữa, khôi phục kết cấu hạ tầng giao thông trên các tuyến huyết mạch; cầu, cống xung yếu; đặc biệt khôi phục kết nối giao thông các khu vực dân cư bị chia cắt, cô lập sau bão lũ; lập kế hoạch xây dựng lại những công trình hư hỏng nghiêm trọng không thể khắc phục…
Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương theo dõi sát tình hình, diễn biến nguồn cung, giá cả hàng hóa trên địa bàn, nhất là tại các khu vực vừa xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất nặng nề, kịp thời bảo đảm nguồn cung, kiểm soát giá cả, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, đẩy giá, lợi dụng thiên tai, bão lũ để trục lợi.
Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương thực hiện miễn, giảm học phí cho học sinh, sinh viên bị ảnh hưởng bởi bão số 3 trong năm học 2024-2025.
Bộ Công an tăng cường công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, nhất là tại các địa bàn chịu ảnh hưởng bởi bão, mưa lũ; chỉ đạo lực lượng công an cơ sở chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường phối hợp, tham gia bảo đảm an sinh xã hội, an dân…
Nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về hỗ trợ các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp để khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, phục hồi và thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng kinh tế
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung chỉ đạo, có kế hoạch sản xuất linh hoạt, hiệu quả và các biện pháp khắc phục hậu quả để khôi phục sản xuất nông nghiệp ngay sau bão, mưa lũ; tổng hợp nhu cầu, kịp thời báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định hỗ trợ giống, thức ăn, hóa chất và các vật tư cần thiết cho các địa phương để khôi phục sản xuất nông nghiệp; chỉ đạo kiểm tra, rà soát, tổng hợp các sự cố, hư hỏng về hệ thống đê điều, hồ chứa thủy lợi do bão, mưa lũ và tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ nhu cầu kinh phí khắc phục, sửa chữa ngay để đảm bảo an toàn.
Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện hiệu quả các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, thuê mặt nước... cho các đối tượng bị ảnh hưởng, thiệt hại bởi bão, lũ, lụt, sạt lở đất theo quy định của pháp luật.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam căn cứ quy định tại Khoản 4 Điều 147 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9/2024 về việc phân loại tài sản, mức trích lập dự phòng rủi ro, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý rủi ro nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 3; chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động tính toán phương án hỗ trợ, thực hiện cơ cấu lại thời hạn, giữ nguyên nhóm nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay cho các khách hàng bị thiệt hại…
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, tham mưu, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10/2024 để bổ sung nguồn lực cho Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay các chương trình tín dụng đang được thực hiện tại Ngân hàng Chính sách xã hội, đặc biệt là cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tại các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc; trường hợp cần thiết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024.
Bộ Công Thương nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ khôi phục nhanh chóng các cơ sở logistic và kho bãi bị hư hỏng để đảm bảo không bị gián đoạn chuỗi cung ứng.
Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn các địa phương khẩn trương trục vớt các tàu bị đắm do cơn bão số 3 nhằm đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sửa chữa, sớm đưa vào phục vụ khách du lịch.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các địa phương cho phép cơ sở kinh doanh du lịch tại địa phương bị ảnh hưởng được giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đến tháng 6 năm 2025.
Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành tạm ngừng các hoạt động thanh tra, kiểm tra tại các địa phương để các địa phương tập trung khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ.
Ngân hàng Chính sách xã hội tập trung đẩy nhanh việc giải ngân các chương trình tín dụng chính sách; rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng vay vốn tại ngân hàng, xây dựng nhu cầu cho khách hàng vay mới và đề xuất nguồn vốn thực hiện, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam nghiên cứu việc gia hạn nộp bảo hiểm xã hội đối với các doanh nghiệp du lịch bị thiệt hại do cơn bão số 3.
Các bộ, cơ quan và địa phương chỉ đạo nhà thầu, đơn vị thi công kiểm tra, rà soát hiện trạng các công trình đang thi công và các máy móc phục vụ thi công sau bão; tháo dỡ, di dời hoặc sửa chữa các công trình kết cấu, máy móc thiết bị hư hỏng; đánh giá các nguy cơ gây mất an toàn và có giải pháp khắc phục để bảo đảm an toàn thi công trở lại.
Nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với thiên tai, bão lũ, ngập lụt, sạt lở… trong thời gian tới
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương rà soát các thôn bản, các gia đình bị vùi lấp mất nhà, tái định cư cho các bản, làng, nhà ở cho người dân đến chỗ an toàn và hoàn thành chậm nhất trước ngày 31/12/2024; rà soát các công trình thủy lợi, đê kè, hồ đập, hồ chứa thủy lợi… xung yếu, bị hư hại, có rủi ro, nguy cơ cao để xây dựng phương án bố trí vốn ngân sách nhà nước sửa chữa, gia cố, nâng cấp, xây mới, bảo đảm yêu cầu phòng, chống, ứng phó với các tình huống thiên tai, bão lũ xảy ra trong thời gian tới, nhất là trong những tháng cuối năm 2024…
Bộ Tài nguyên và Môi trường điều tra, khảo sát tình hình ngập lụt và tại các vị trí đã và đang xảy ra hiện tượng trượt, sạt lở đất đá; khoanh định chi tiết các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất để cảnh báo; nghiên cứu, đề xuất phương án sử dụng một phần dung tích phòng lũ trên mức nước dâng bình thường của hồ chứa lớn, quan trọng để nâng cao khả năng cắt giảm lũ cho hạ du khi xảy ra các tình huống khẩn cấp, bất thường; tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, bão lũ để kịp thời triển khai các giải pháp phòng, chống, ứng phó phù hợp.
Bộ Giao thông vận tải, các địa phương rà soát, đánh giá hiện trạng kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó tập trung các cầu yếu trên tuyến đường bộ, đường sắt huyết mạch để có phương án đầu tư sửa chữa, gia cố, nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới đảm bảo yêu cầu phòng chống, ứng phó với các tình huống thiên tai, bão lũ xảy ra trong thời gian tới…
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh quy định cho phép các đơn vị ngành năng lượng được nâng mức dự phòng vật tư, thiết bị thay thế để kịp thời ứng phó thiên tai.
Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, cơ quan và địa phương tăng cương tuyên truyền, đào tạo, hướng dẫn, trang bị cho học sinh, sinh viên và người dân các kỹ năng cần thiết để ứng phó, tự chủ, phản ứng kịp thời trước các thảm họa về thiên tai, dịch bệnh.
Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn các địa phương và doanh nghiệp viễn thông khẩn trương khôi phục lại hạ tầng mạng lưới viễn thông bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 và lũ sau bão; triển khai các giải pháp bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ chỉ đạo, điều hành của chính quyền trong trường hợp xảy ra thiên tai, lũ lụt.
Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan sớm kiện toàn Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia, bảo đảm công tác phòng, chống thiên tai được vận hành thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, kế thừa phát huy hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn trước đây, có phương án ứng phó, đặc biệt là với các tình huống thiên tai, mưa lũ lớn, không để bị động, bất ngờ, trong đó làm rõ về cơ chế vận hành công tác phòng, chống thiên tai đã, đang thực hiện hiệu quả trong hệ thống từ trung ương đến địa phương nhằm đảm bảo sự thống nhất giữa quy định của Luật Phòng thủ dân sự, Luật Phòng, chống thiên tai và các quy định khác có liên quan.
Nhóm nhiệm vụ, giải pháp về cơ chế, chính sách, giải pháp cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính để triển khai các chính sách hỗ trợ
Bộ Xây dựng, các bộ, cơ quan và địa phương rà soát, nghiên cứu cắt giảm thủ tục hành chính trong công tác quản lý đầu tư xây dựng; cho phép các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, doanh nghiệp áp dụng quy định tại Điều 89 và Điều 130 Luật Xây dựng được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Luật số 62/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng để sửa chữa, xây dựng lại công trình, nhà xưởng bị ảnh hưởng bởi hậu quả thiên tai để doanh nghiệp sớm quay lại hoạt động.
Bộ Ngoại giao tiếp tục huy động nguồn lực của các đối tác quốc tế và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong hỗ trợ các địa phương, người dân bị ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ.
Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, cơ quan thực hiện công tác điều tiết giữa các tỉnh, thành phố đang bị ảnh hưởng của mưa, lũ với các tỉnh, thành phố khác khi có đề nghị của địa phương nhằm bảo đảm duy trì cung ứng hàng hóa thiết yếu cho các cháu học sinh, bệnh nhân các địa phương chịu tác động của mưa, lũ.
Các địa phương căn cứ quy định tại điểm a, b, c Khoản 1 Điều 23 Luật Đấu thầu và Điều 78 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP để xem xét, quyết định theo chức năng, thẩm quyền việc chỉ định thầu rút gọn đối với các gói thầu cần thực hiện để khắc phục ngay hoặc xử lý kịp thời hậu quả do bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra; căn cứ quy định pháp luật để xem xét, quyết định theo chức năng, thẩm quyền việc áp dụng quy trình, thủ tục đầu tư công trình, dự án khẩn cấp đối với các công trình, dự án cần thực hiện để kịp thời phòng, chống, khắc phục hậu quả do bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra.
Nhóm nhiệm vụ, giải pháp về kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao nắm chắc tình hình thị trường, giá cả hàng hóa để có giải pháp phù hợp, hiệu quả ổn định thị trường; thúc đẩy sản xuất, bảo đảm cung ứng đầy đủ nguồn hàng; tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai quy định về quản lý giá, ổn định giá mặt hàng thiết yếu, nguyên vật liệu cho đời sống của nhân dân và sản xuất kinh doanh; xử lý nghiêm theo pháp luật các hành vi đầu cơ, găm hàng tăng giá, thao túng giá.
Đồng thời, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới; tranh thủ tối đa các nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, các ngành, lĩnh vực công nghiệp mới như bán dẫn, năng lượng sạch, Hydrogen...
Bảo đảm nguồn lực của ngân sách nhà nước để thực hiện các chính sách hỗ trợ
Chính phủ giao bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung quán triệt, khẩn trương tổ chức triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các giải pháp, chính sách hỗ trợ, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định pháp luật, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm; chủ động xử lý các khó khăn, vướng mắc, vấn đề phát sinh theo thẩm quyền, báo cáo cấp có thẩm quyền đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.
Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các địa phương bảo đảm nguồn lực của ngân sách nhà nước để thực hiện các chính sách hỗ trợ.
Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương rà soát, hoàn thành thống kê thiệt hại, phát huy tối đa nguồn lực của ngân sách địa phương để chủ động triển khai các giải pháp, chính sách khắc phục hậu quả bão số 3, hỗ trợ người dân, cơ sở kinh doanh, hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo thẩm quyền; khẩn trương có báo cáo tình hình thiệt hại, đề xuất hỗ trợ từ ngân sách trung ương, gửi Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 20/9/2024 để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hỗ trợ.
Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, các cơ quan báo chí tiếp tục thông tin, truyền thông, động viên tinh thần, khích lệ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn; phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống chính trị, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tinh thần tương thân, tương ái để đùm bọc, hỗ trợ lẫn nhau trong khó khăn.
Bộ Nội vụ khẩn trương đề xuất khen thưởng, động viên các tập thể, cá nhân là tấm gương sáng, điển hình trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỗ trợ người dân.
Chính phủ đề nghị Kiểm toán Nhà nước, các Ủy ban của Quốc hội xem xét tạm ngừng thực hiện kiểm toán và giám sát tại các địa phương theo kế hoạch kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, hoạt động giám sát theo chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội để các địa phương tập trung khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ.
Chính phủ trân trọng đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, các tổ chức chính trị xã hội, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, theo nhiệm vụ, quyền hạn của mình khẩn trương tổ chức các chương trình thăm hỏi, động viên, trao quà, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ, nhất là các đối tượng yếu thế./.