Tin tức

Chính phủ Ấn Độ dừng 3 đạo luật nông nghiệp gây tranh cãi

(VOVTV) - Hơn 1 năm sau khi công bố 3 đạo luật cải cách nông nghiệp gây tranh cãi, Chính phủ Ấn Độ ngày 19/11 tuyên bố hủy bỏ các văn bản này. Tuy nhiên, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vẫn khẳng định giá trị của 3 đạo luật, cũng như nỗ lực của Chính phủ nhằm bảo vệ quyền lợi của người nông dân.

Tác giả Phan Tùng / VOV New Delhi
19/11/2021 17:04

Trong bài phát biểu trước công chúng trên truyền hình sáng 19/11, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết Chính phủ đã quyết định bãi bỏ 3 đạo luật cải cách nông nghiệp, vốn gây ra các cuộc biểu tình của nông dân hơn 1 năm qua.

“Hôm nay, tôi muốn nói với mọi người dân rằng chúng tôi đã quyết định bãi bỏ 3 đạo luật nông nghiệp. Khi đất nước trao cho chúng tôi cơ hội để phục vụ người dân vào năm 2014, chúng tôi đã đặt ra ưu tiên hàng đầu là phát triển ngành nông nghiệp và đảm bảo phúc lợi cho người nông dân. 

Rất nhiều người đã không nhận ra sự thật là 80% lực lượng sản xuất là các hộ nông dân nhỏ. Những người này có ít hơn 2 hecta đất canh tác và chiếm tới hơn 100 triệu người. Rất nhiều bước đi đã được triển khai để người nông dân có thể bán được sản phẩm với giá cả tốt nhất, xứng đáng với công sức bỏ ra. Chúng ta đã củng cố nền tảng thị trường nông thôn trong nước”, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói.

Chính phủ Ấn Độ dừng 3 đạo luật nông nghiệp gây tranh cãi - Ảnh 1.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu trên truyền hình sáng 19/11. Ảnh: ANI

Chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi năm 2020 đã công bố 3 đạo luật cải cách nông nghiệp gồm Dự luật Thương mại Sản xuất và Buôn bán (Khuyến khích và Tạo điều kiện thuận lợi) cho nông dân, Dự luật Thỏa thuận Bảo đảm Giá cả và Dịch vụ Nông nghiệp cho Nông dân (Trao quyền và Bảo vệ) và Đạo luật Hàng hóa Thiết yếu (Sửa đổi). 

Ba đạo luật này giúp tạo lập cơ chế cho phép người nông dân được bán các nông phẩm của mình ra thị trường không thông qua các Ủy ban Thị trường sản phẩm nông nghiệp. Bất cứ thương nhân nào được cấp phép đăng ký cũng có thể mua sản phẩm từ người nông dân theo giá thỏa thuận. Các giao dịch nông sản này được chính quyền các bang miễn thuế. Ngoài ra, các đạo luật còn cho phép người nông dân được ký hợp đồng làm việc và được tự do tiếp thị sản phẩm của mình. Giá trị lớn nhất của 3 đạo luật này là giúp gỡ bỏ được khâu trung gian trong sản xuất và lưu thông nông sản, giúp cắt giảm các chi phí và mang lại lợi ích và quyền chủ động cho người nông dân.

Tuy nhiên, việc Chính phủ thông qua các đạo luật này cũng khiến một bộ phận người nông dân và giới thương nhân buôn bán nông sản phản ứng quyết liệt. Họ xuống đường biểu tình tại một số bang và phong tỏa các cửa ngõ ra vào thủ đô New Delhi trong hơn 1 năm qua.

Ý kiến của bạn