Chỉnh lý quy định liên quan chung cư mini
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh quy định về chung cư mini trong Luật Nhà ở với tinh thần tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nhà ở, nhưng không hợp thức hóa các sai phạm của chung cư mini.
Tiếp tục phiên họp giữa hai đợt của Kỳ họp thứ 6, chiều 16/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến một số vấn đề lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)
Tạo điều kiện nhưng không hợp thức hóa sai phạm
Liên quan đến phát triển nhà ở, trong đó có quản lý chung cư mini được các đại biểu Quốc hội quan tâm nêu ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 vào ngày 1/11, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Điều 57 về nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ (chung cư mini) của cá nhân để khắc phục các tồn tại, hạn chế thời gian qua, tăng cường quản lý chặt chẽ nhưng vẫn bảo đảm đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người dân đối với loại hình nhà ở này.
Theo đó, Điều 57 dự thảo luật được chỉnh lý theo hướng: không quy định các yêu cầu riêng mà dẫn chiếu điều kiện quản lý loại hình nhà ở này đến các yêu cầu về nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ của cá nhân do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành, yêu cầu của pháp luật về phòng cháy chữa cháy.
Dự thảo luật cũng không quy định phân cấp cho UBND cấp tỉnh quy định về đường giao thông để phương tiện chữa cháy thực hiện nhiệm vụ chữa cháy tại nơi có nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ của cá nhân.
Ngoài ra, dự thảo luật đã bổ sung quy định điều chỉnh với các loại hình nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ mà có mục đích hỗn hợp cả bán, cho thuê mua, cho thuê.
Điều hành phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh quy định về chung cư mini với tinh thần tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nhà ở, nhưng “không hợp thức hóa các sai phạm của chung cư mini”.
Mong quy định sớm hơn vì nguồn cung nhà ở xã hội đang rất thiếu
Liên quan đến nhà ở xã hội, ông Hoàng Thanh Tùng cho biết, tiếp thu ý kiến đa số đại biểu, dự thảo luật quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội thuê.
Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi trình Quốc hội tại kỳ họp 6 đã bỏ quy định về hiệu lực sớm hơn của các quy định về phát triển nhà ở xã hội. Vì các dự án xây dựng nhà ở xã hội luôn gắn liền với đất, nên cần có hiệu lực chung theo quy định của Luật Nhà ở và Luật Đất đai để bảo đảm tính khả thi, tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Tuy nhiên, dự kiến, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sẽ trình Quốc hội chưa thông qua, trong khi Luật Nhà ở thông qua tại kỳ họp 6. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, có ý kiến thống nhất ngày có hiệu lực của Luật Nhà ở từ ngày 01/01/2025. Việc xác định thời điểm có hiệu lực như vậy cũng phù hợp với Luật Đất đai (dự kiến được Quốc hội thông qua chậm nhất tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) để Chính phủ kịp ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, đáp ứng yêu cầu khẩn trương đưa luật vào cuộc sống.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị bày tỏ mong muốn những nội dung liên quan đến nhà ở xã hội sẽ có hiệu lực sớm hơn, để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, trong điều kiện nguồn cung nhà ở xã hội đang rất thiếu.
Tin nổi bật
Tin Video