Chiêu trò kiếm tiền của ứng dụng hẹn hò
Các ứng dụng hẹn hò cung cấp miễn phí tính năng cơ bản, sau đó đưa ra nhiều đặc quyền mời gọi người dùng trả tiền để sử dụng dịch vụ.
Trong một quán cà phê dành cho giới trẻ giữa trung tâm quận 1 (TP HCM), Huy Hậu, 22 tuổi, đang chăm chú lướt điện thoại. Không phải chơi game, đọc báo hay xem Facebook, Hậu đang "quét" ứng dụng hẹn hò với mong muốn tìm thấy "một nửa" của mình. "Tôi bắt đầu dùng ứng dụng hẹn hò vài tháng trước, lâu dần trở thành thói quen, tối nào cũng ‘quét’ một lúc rồi làm gì thì làm", Hậu nói. Cách đó vài dãy bàn, một nhóm bốn bạn nữ cũng đang bàn tán về "profile" (hồ sơ) một người vừa được "Match" (tương hợp).
Một trong những lý do khiến các ứng dụng hẹn hò được nhiều người Việt sử dụng là đơn giản, dễ dùng, dễ tìm bạn và hầu hết đều miễn phí.
Hạn chế tính năng của ứng dụng miễn phí
Với Tinder, ứng dụng hẹn hò phổ biến nhất Việt Nam, ở bản miễn phí, người dùng sẽ bị giới hạn số lượng hồ sơ "quét" trong 24 giờ. Khi hết số lần dùng miễn phí, người dùng phải chờ đến hôm sau hoặc phải nạp tiền, nâng cấp tài khoản lên "Plus" hoặc "Gold" để tiếp tục sử dụng.
Trong phần thông báo, ứng dụng này luôn hiển thị nhiều hồ sơ đã "thích" bạn nhưng các hồ sơ này lại bị làm mờ. Muốn xem ai đã thích mình, người dùng buộc nâng cấp tài khoản. Ngoài ra, Tinder còn có thêm tính năng "10 top tuyển chọn", với hàng loạt "hồ sơ đẹp". Tuy nhiên, để có thể tương tác với những người trong danh sách, người dùng phải nâng cấp tài khoản lên "Gold".
Lời mời nâng cấp tài khoản "bủa vây" khắp Tinder. Trong phần hồ sơ cá nhân, ứng dụng luôn nhắc nhở người dùng: "10 người đang tỏ ý thích bạn. Nhớ kiểm tra ngay với Tinder Gold". Sau đó là hàng loạt lời mời chào về những đặc quyền của tài khoản "Gold" và Plus, như tăng tốc độ Match, "quẹt' không giới hạn, tắt quảng cáo...
Nếu quyết định nâng cấp tài khoản, người dùng sẽ rơi vào một "ma trận" khác về giá. Thay vì bán một gói dịch vụ, nhà sản xuất thường đưa ra nhiều mức giá ưu đãi cho người thanh toán gói dài hạn.
Ví dụ, nếu mua gói Tinder Plus, một tháng sẽ phải trả 119.000 đồng. Nhưng nếu mua 3 tháng, người mua sẽ được giảm giá 36%. Nếu mua 6 tháng, giá giảm 51%. Gói ưu đãi này khiến người dùng tin rằng càng mua nhiều sẽ càng rẻ. Lựa chọn mặc định không phải một tháng mà luôn là 3 tháng, đánh vào tâm lý đám đông với lý do đây là "gói phổ biến nhất".
Sau khi thanh toán một lần, thuê bao người dùng sẽ tự động gia hạn bằng cách trả phí qua tài khoản ngân hàng đã liên kết. Người dùng không thể huỷ tự động, mà phải vào cài đặt trên smartphone để huỷ.
Một số ứng dụng bị tố cáo là phân biệt đối xử về giá, giới tính, độ "hot" của từng người. Tháng 8/2020, Choice - tổ chức đại diện cho người tiêu dùng tại Australia - cáo buộc Tinder không đưa ra mức giá nhất quán cho người dùng gói "Plus". Tuỳ giới tính, độ tuổi, nơi sinh sống... mà gói này có giá giao động từ 6,99 đếm 34 AUD. Mashable cho biết, những người dùng Tinder trên 29 tuổi tại Mỹ cũng phải trả nhiều tiền hơn so với người trẻ khi nâng cấp tài khoản.
"Bào tiền" người dùng bằng các dịch vụ đặc quyền
Ngoài việc bán các gói dịch vụ theo tháng, nhiều ứng dụng hẹn hò còn bán riêng lẻ từng tính năng. Ứng dụng OkCupid bán lượt "Boots" giúp người dùng đẩy hồ sơ lên "top", tăng lượt tìm kiếm. Một lần "Boost Now" giá 149.000 đồng. Nếu mua 5 lần cùng cùng lúc sẽ "tiết kiệm" được 6%, mua 10 lần một lúc, tiết kiệm 26%.
Một số ứng dụng khác cung cấp dịch vụ miễn phí, nhưng bắt người dùng phải xem quảng cáo. Do đó, chúng không được nhiều người chuộng vì trải nghiệm dịch vụ thường bị gián đoạn bởi quảng cáo, mức độ bảo mật không cao. Hầu hết thông tin trên các ứng dụng hẹn hò là riêng tư và nhạy cảm nên người dùng thường chấp nhận trả tiền để được "yên tâm" sử dụng.
Những ứng dụng hẹn hò có cách bào tiền người dùng một cách tinh vi do nắm được tâm lý khách hàng. Đầu tiên họ kích thích trí tò mò, thông báo rằng có ai đó vừa thích bạn, nếu muốn xem đó là ai, hãy mua gói cao cấp. Tiếp đến, những gói cao cấp này sẽ chào mời kèm hàng loạt đặc quyền hấp dẫn hơn, như tăng khả năng tương tác, đẩy hồ sơ lên nhóm ưu tiên... Sau đó đến khâu thanh toán, người dùng càng "mua sỉ", giá càng rẻ. Cuối cùng, các ứng dụng này còn "móc túi" người dùng bằng cách tự động gia hạn nếu đã được thanh toán một lần trước đó.
Theo Ngọc Can, chuyên viên lập trình viên ứng dụng đang làm việc tại TP HCM, việc các nhà phát triển thu phí người dùng bằng cách nâng cấp đặc quyền giống như đọc báo trả phí để không phải xem quảng cáo. Đây là xu hướng chung của thế giới, tuy nhiên không ít ứng dụng vẫn âm thầm "đào mỏ" người dùng bằng những chiêu trò tinh vi. Người dùng không tỉnh táo sẽ bị trừ tiền mà không biết kêu kiện vào đâu.
Tin nổi bật
Tin Video