Thế giới

Chiến tranh Triều Tiên: 71 năm vẫn chưa chấm dứt

(VOVTV) - Hàn Quốc và Triều Tiên vừa kỷ niệm 71 năm Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Tuy đã ngừng chiến, nhưng Chiến tranh Triều Tiên tới nay, sau 71 năm, vẫn chưa chính thức kết thúc vì các bên liên quan mới chỉ ký kết Hiệp định đình chiến vào ngày 27/7/1953 chứ không phải một hiệp định chấm dứt chiến tranh.

26/06/2021 09:23

Xung đột nổ ra ngày 25/6/1950 khi quân đội Triều Tiên mở cuộc tấn công bất ngờ vào Hàn Quốc qua vĩ tuyến 38 nhằm thống nhất bán đảo bằng vũ lực.

Trước đó, khi Thế chiến thứ 2 kết thúc, bán đảo Triều Tiên bị chia đôi thành hai miền với vĩ tuyến 38 là ranh giới phân chia. Miền Bắc được đặt dưới quyền quản lý của Liên Xô, còn miền Nam do Mỹ kiểm soát. 

Vì lẽ đó, cuộc chiến sau khi nổ ra đã nhanh chóng kéo theo sự tham gia quân sự trực tiếp của Mỹ, Trung Quốc và Liên Xô, cùng 14 nước trong một lực lượng can thiệp của Liên hợp quốc.

Các lực lượng LHQ do Mỹ lãnh đạo đã chiến đấu với quân đội Triều Tiên, lúc đó được Liên Xô và Trung Quốc hậu thuẫn. Cuộc tấn công khiến 3 triệu binh lính và dân thường thiệt mạng, 5 triệu người trở thành người tị nạn.

Sau 3 năm 1 tháng, Hiệp định đình chiến được ký kết ngày 27/7/1953. Hai bên cam kết rút lực lượng ra xa 2km để tạo thành Khu Phi quân sự DMZ - biên giới kiên cố nhất thế giới, với khoảng 1 triệu binh lính đóng quân ở mỗi bên. 

Tuy đã ngừng chiến, nhưng Chiến tranh Triều Tiên tới nay, sau 71 năm, vẫn chưa chính thức kết thúc vì các bên liên quan mới chỉ ký kết Hiệp định đình chiến vào ngày 27/7/1953 chứ không phải một hiệp định chấm dứt chiến tranh.

Và kể từ thời điểm dừng cuộc chiến năm 1953, mặc dù cả Triều Tiên, Hàn Quốc, Mỹ và các nước liên quan đã thay đổi nhiều nhà lãnh đạo, song bán đảo Triều Tiên không ít lần sôi sục "bên bờ vực chiến tranh", những vết thương lòng của các gia đình ly tán do cuộc chiến này vẫn chưa lành và giấc mơ thống nhất hai miền là rất xa vời. Bán đảo Triều Tiên vẫn chưa có hòa bình đúng nghĩa. Trong một thời gian dài, người dân hai bên vĩ tuyến 38 không ít lần chứng kiến những căng thẳng quân sự tưởng chừng sẽ dẫn tới xung đột vũ trang thực sự, như năm 2010 và năm 2017, có lúc lại cảm thấy hòa bình lâu dài đã cận kề.

Bản thân lãnh đạo hai miền đã có không ít nỗ lực nhằm cải thiện quan hệ liên Triều. Đáng chú ý, trong các năm 2000 và 2007, hai tổng thống Hàn Quốc khi đó Kim Dae-jung và ông Roh Moo-hyun với "Chính sách Ánh dương" đã sang Bình Nhưỡng gặp Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-il. 

Đỉnh cao của việc cải thiện quan hệ liên Triều là hội nghị thượng đỉnh với kết quả đột phá không ngờ giữa Tổng thống Moon Jae In và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngày 27/4/2018 tại làng đình chiến Panmunjom.

Hai bên đã ký Tuyên bố chung Panmunjom vì Hòa bình, Thịnh vượng và Thống nhất trên bán đảo Triều Tiên, trong đó nhất trí ngừng tất cả các hành động thù địch và tiến tới ký hiệp định hòa bình, kết thúc chiến tranh trong năm 2018. Cuộc gặp này đã mở đường cho một chương mới trong lịch sử thế giới với cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều ngày 12/6/2018 tại Singapore. 

Tuy nhiên, có thể nói việc tiến tới hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên đặc biệt phức tạp do vấn đề này không chỉ liên quan tới hai miền Triều Tiên mà còn dính líu tới rất nhiều bên, trong đó có Mỹ. 

Điểm mấu chốt ngăn cản tiến trình hòa bình chính là khác biệt khó hóa giải giữa Mỹ và Triều Tiên cùng sự can thiệp của các bên có lợi ích liên quan dẫn tới sự "lệch pha" trong trình tự thực hiện thỏa thuận phi hạt nhân hóa.

Mỹ muốn Triều Tiên phải tiến hành phi hạt nhân hóa một cách hoàn toàn, có kiểm chứng và không thể đảo ngược trước rồi mới dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, trong khi Triều Tiên lại muốn phi hạt nhân hóa từng giai đoạn và theo kiểu "có đi có lại", cụ thể Mỹ phải ký tuyên bố kết thúc chiến tranh, đảm bảo an ninh cho chế độ, dỡ bỏ trừng phạt, vân vân...

Cho tới nay, dù hai bên đã có nhiều nỗ lực song dường như vẫn chưa đủ thiện chí, kiên nhẫn, quyết tâm và lòng tin để tiếp tục đi đúng lộ trình và đến được đúng cái đích hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

Thời gian gần đây, Hàn Quốc và Mỹ phát đi một số tín hiệu muốn nối lại đối thoại với Triều Tiên, trong đó có việc Washington nêu đề xuất sẵn sàng gặp phía Bình Nhưỡng "ở bất cứ đâu, trong bất cứ thời điểm nào mà không cần điều kiện kèm theo".

Tại hội nghị thượng đỉnh đầu tiên ở Washington, Mỹ hồi tháng 5/2021, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết sẽ gặp Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un khi thích hợp.

Tín hiệu của phía Mỹ và Hàn Quốc được Triều Tiên tiếp nhận bằng một tuyên bố của nhà lãnh đạo Triều Tiên, Triều Tiên cần chuẩn bị cả đối thoại và đối đầu với Mỹ. 

Tuy nhiên, trước đề xuất của Mỹ về việc nối lại đàm phán, ngày 23/6, Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên đã ra thông báo, từ chối đồng thời cho biết hiện Bình Nhưỡng chưa cân nhắc khả năng liên lạc với Washington.  

Cuộc chiến tranh Triều Tiên vì thế sau 71 năm đình chiến vẫn đang đe dọa hòa bình, ổn định và thịnh vượng trên cả khu vực. 


Ý kiến của bạn