Chiến lược của Mỹ 'cầm chân' Nga trong cuộc chiến ở Ukraine
Quỹ đạo lâu dài của cuộc xung đột Nga-Ukraine dường như ngày càng được định hình bằng việc liệu Mỹ và các đồng minh có thể duy trì cam kết quân sự, chính trị và tài chính với Ukraine để cầm chân Nga hay không.
Sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraine đã đến giới hạn?
Ngày 8/7 vừa qua, Lầu Năm Góc đã thông báo về việc chuyển giao các loại đạn pháo dẫn đường chính xác và nhiều bệ phóng tên lửa cho Ukraine để đưa tới chiến trường ở miền Đông.
Hơn 4 tháng sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, một cuộc chiến mà phương Tây cho là sẽ gây “hậu quả nghiêm trọng” đối với Nga giờ đây đang biến thành trận chiến không có hồi kết – một cuộc đấu sức về địa chính trị mà trong đó Tổng thống Putin đánh cược rằng ông có thể duy trì lợi thế lâu hơn một phương Tây hay thay đổi và thiếu kiên nhẫn.
Tổng thống Mỹ Biden cam kết sẽ sát cánh với Ukraine “chừng nào còn cần thiết” nhưng cả ông lẫn các chính phủ châu Âu đều không thể đoán trước cuộc chiến sẽ dài bao lâu, hoặc Mỹ và đồng minh có thể cố gắng giúp Kiev đến mức độ nào khi không triển khai quân đội can dự trực tiếp.
Tại một số thời điểm, nhiều quan chức Mỹ thừa nhận, kho dự trữ vũ khí của Mỹ và châu Âu đang xuống mức thấp đáng lo ngại. Quốc hội Mỹ đã thông qua tổng cộng 54 tỷ USD viện trợ cho Ukraine kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt vào ngày 24/2 và không ai mong đợi thêm một khoản viện trợ khác khi số tiền này sử dụng hết.
Vì thế chính quyền Biden và các quan chức của ông đang tìm kiếm một chiến lược dài hạn vào thời điểm Nhà Trắng nhận thấy nguy cơ leo thang xung đột ngày càng gia tăng, triển vọng cho một thỏa thuận hòa bình vẫn còn xa vời và người dân ở cả bên trong lẫn bên ngoài nước Mỹ đều tỏ ra mệt mỏi.
Thượng nghị sĩ Chris Coons – thành viên Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, một đồng minh thân cận của Tổng thống Biden cho biết: “Tôi lo lắng bởi người dân ở nhiều quốc gia đang mệt mỏi do chi phí kinh tế và những vấn đề cấp bách khác. Tôi nghĩ chúng ta cần phải tiếp tục hỗ trợ Ukraine. Nhưng vẫn chưa rõ điều này sẽ diễn ra trong bao lâu và quỹ đạo chính xác như thế nào. Tuy nhiên, nếu chúng tôi chấm dứt hỗ trợ Kiev, kết quả đối với Mỹ sẽ rất tồi tệ”.
Thách thức lớn với Ukraine trên chiến trường
Dù các cuộc giao tranh trong thời gian gần đây chủ yếu tập trung tại khu vực miền Đông và miền Nam Ukraine nhưng Nhà Trắng lo ngại nó có thể dễ dàng vượt khỏi tầm kiểm soát.
Dựa trên một cuộc tấn công tên lửa bị cho là đánh trúng một trung tâm mua sắm ở Ukraine thời gian gần đây, Washington phỏng đoán rằng Moscow có thể đang thiếu vũ khí chính xác và phải chuyển sang sử dụng những lại vũ khí kém tinh vi hơn để tấn công những mục tiêu ở Ukraine.
Mỹ lo ngại Nga sẽ thực hiện những cuộc tấn công xuyên biên giới, nhằm vào Ba Lan hoặc Romania hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật để thoát khỏi thế bế tắc trên chiến trường.
Trên thực tế, chính quyền Biden luôn cho rằng Tổng thống Putin vẫn muốn kéo dài cuộc chiến và sẽ cố gắng đánh chiếm Kiev bằng mọi giá. Phát biểu tại một hội nghị tuần trước, Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ Avril Haines nói: “Chúng tôi nghĩ ông ấy muốn chiếm phần lớn lãnh thổ Ukraine”.
Về phần mình, Tổng thống Putin cảnh báo, ông đang có rất nhiều lựa chọn sẵn có. "Mọi người nên biết rằng nhìn chung, chúng tôi vẫn chưa bắt đầu bất cứ điều gì một cách nghiêm túc. Đồng thời, chúng tôi không khước từ khả năng đàm phán hòa bình”, ông Putin phát biểu trước Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) ngày 7/7. "Chúng tôi nghe nói rằng họ (phương Tây) muốn đánh bại chúng ta trên chiến trường. Nếu muốn, họ có thể thử", nhà lãnh đạo Nga nói thêm.
Các quan chức Mỹ đang hối thúc Ukraine củng cố lực lượng của họ trên tuyền tuyến. Nhưng các nhà lãnh đạo Ukraine muốn tiến xa hơn và muốn huy động đủ binh lực, vật lực để tiến hành một cuộc phản công lớn nhằm giành lại các vùng lãnh thổ đã mất. Tuần trước, Tổng thống Zelensky phát biểu trước các nhà lãnh đạo Nhóm G7 rằng ông muốn chiến tranh kết thúc vào cuối năm nay, song nhiều nhân vật tại Washington cho rằng điều này khó khả thi về mặt quân sự.
Theo đánh giá của Cơ quan Nghiên cứu của Quốc hội (CRS) Mỹ, Ukraine đang phải đối mặt với 2 thách thức lớn trên chiến trường. Thứ nhất, Ukraine không có lực lượng chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn của NATO vào thời điểm xung đột nổ ra. Theo đánh giá, tỷ lệ các binh sỹ được đào tạo bài bản và có kinh nghiệm chiến đấu đã giảm đang kể. Tổn thất về nhân lực trên chiến trường khiến Ukraine phải bổ sung những tân binh thiếu kinh nghiệm thay thế, do đó, việc phát triển lực lượng chiến đấu hiệu quả có thể sẽ là một thách thức lớn và là ưu tiên quan trọng của các lực lượng vũ trang nước này.
Để duy trì áp lực với Nga, Kiev buộc phải cân bằng giữa việc đáp ứng những nhu cầu trước mắt và cắt ngắn thời gian đào tạo. Điều đó có thể ảnh hưởng xấu đến khả năng của Ukraine trong việc sử dụng các hệ thống vũ khí tiên tiến cũng như thực hiện các hoạt động quân sự trung và dài hạn. Chưa kể, Nga đang có lợi thế về hỏa lực và có thể huy động một số lượng lớn đạn dược, pháo binh cho cuộc chiến.
Chiến lược "cầm chân" Nga của chính quyền Biden
Mặc dù nhận ra những thách thức với Ukraine, nhưng chính quyền Biden không muốn bị coi là gây sức ép để buộc ông Zelensky phải đàm phán một thỏa thuận với Điện Kremlin. Tuy vậy, nhiều nhà phân tích cho rằng, Mỹ sẽ khó duy trì mức độ hỗ trợ vật chất cho Ukraine như ở thời điểm hiện tại khi tâm lý mệt mỏi vì chiến tranh đang xuất hiện ở hai bờ Đại Tây Dương.
Theo đánh giá, khoản viện trợ quân sự mà Quốc hội Mỹ thông qua dự kiến sẽ kéo dài đến quý II năm 2023, nhưng câu hỏi đặt ra là Washington có thể đáp ứng nhu cầu về vũ khí và đạn dược của Ukraine trong bao lâu mà không làm giảm sức mạnh của quân đội Mỹ.
Nhiều quan chức Mỹ đã đề xuất vận động các nước khác cung cấp những vũ khí còn sót lại từ thời Liên Xô của họ cho Ukraine. Đây dự kiến sẽ là một vấn đề được nhắc đến trong chuyến công du Trung Đông của Tổng thống Biden vào tuần tới, nơi ông sẽ có cuộc gặp gỡ với lãnh đạo các nước Arab từng là khách hàng của Nga. Chính quyền Biden cũng tập trung lôi kéo những quốc gia trung lập như Ấn Độ và Brazil tham gia nỗ lực cô lập Moscow.
Vẫn chưa rõ trong những tháng tới, chính phủ Mỹ có thể đạt được một số mục tiêu chiến lược mà họ đặt ra vào đầu mùa Xuân hay không. Trước hết là đảm bảo Ukraine “giữ vững nền độc lập, dân chủ”. Thứ hai, là tạo ra “một thất bại chiến lược với Nga”. Mục tiêu thứ ba là giữ cho cuộc chiến không leo thang thành một cuộc xung đột trực tiếp giữa các siêu cường. Và cuối cùng là củng cố trật tự quốc tế xung quanh các giá trị phương Tây.
Hồi tháng 4 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd J. Austin nói rằng: “Chúng tôi muốn thấy nước Nga suy yếu đến mức không thể làm được những điều mà họ đã làm khi gây chiến với Ukraine”. Nhưng bản thân ông Biden và nhiều quan chức khác thừa nhận để làm được điều đó cần một chiến lược dài hơi và rất khó khăn, chưa kể rủi ro từ việc công khai kích động Nga là rất lớn. Dù đã củng cố các liên minh, liên tiếp áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại Nga và hỗ trợ không ngừng nghỉ cho Ukraine, đến nay, Mỹ vẫn chưa thể gây sức ép đủ lớn để buộc Moscow chấm dứt chiến dịch quân sự.
Tin nổi bật
Tin Video