Tin tức

Chiếc phong bì ngày 20/11 và chuyện "của cho không bằng cách cho"

Đằng sau mỗi món quà tặng thầy cô ngày 20/11 cũng thể hiện giá trị sống, chiều sâu của mỗi người.

20/11/2020 08:10

Đau đầu chuyện tặng quà thầy cô ngày 20/11

Để chuẩn bị cho ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, chị Hiền ở Minh Khai, Hà Nội đã lo lắng suy nghĩ trước đó cả tháng trời. Tính chị vốn cầu toàn, mọi năm chị cũng đã chuẩn bị các món quà quen thuộc như hoa, son môi hay túi xách…, song năm nay, con trai học cuối cấp, chị muốn làm một điều gì đó đặc biệt hơn thể hiện sự quan tâm đến cô giáo. Suy đi tính lại, chị quyết định đi… phong bì và một túi quà vì không biết chọn thứ gì phù hợp hơn.

Chiếc phong bì ngày 20/11 và chuyện "của cho không bằng cách cho" - Ảnh 1.

Đau đầu chuyện tặng quà thầy cô ngày 20/11

Chị Thu có 2 con gái đang học tại một trường tiểu học ở quận Đống Đa, Hà Nội chia sẻ, câu chuyện tặng quà các thầy cô giáo mỗi dịp 20/11 luôn là chủ đề “nóng” của gia đình. Hai vợ chồng đều là công chức, hai vợ chồng chị phải thăm dò mặt bằng chung ở lớp để tặng món quà gì, gửi phong bì bao nhiêu “không cao quá cũng không thấp quá”. Cũng vì tài chính eo hẹp, hai anh chị còn phải ngồi xác định xem mức độ quan trọng của từng môn học để mua quà cho phù hợp. Ngoài ra, chị cũng hỏi kỹ con xem các thầy cô khi lên lớp thường mặc trang phục gì, màu sắc, kiểu dáng như thế nào để lựa quà cho tinh tế, phù hợp.

Chiếc phong bì ngày 20/11 và chuyện "của cho không bằng cách cho" - Ảnh 2.

Thị trường quà tặng sôi động ngày 20/11.

Một số phụ huynh thì bàn nhau chung tiền để mua quà tặng các thầy cô để vừa vui lại vừa kinh tế. “Mỗi dịp 20/11, tôi và mấy phụ huynh trong lớp lại tụ họp, góp tiền đi mua quà cho các thầy cô giáo, sau đó kéo nhau đi cà phê, liên hoan rất vui. Quà tặng đôi khi là đồ nội thất, bộ chăn ga gối hoặc bức tranh... Chúng tôi thống nhất không đi phong bì mà lựa chọn món quà có ý nghĩa thiết thực. Các thầy cô rất vui và cả nhóm cũng không còn phải đau đầu chuyện tặng quà gì cho các thầy cô”, một phụ huynh tên Nam ở khu đô thị Ecopark, Hưng Yên chia sẻ.

Theo ghi nhận, thị trường quà tặng ngày 20/11 năm nay vẫn rất sôi động. Giá hoa tươi cao hơn 10 – 20% so với ngày thường. Ngoài hoa tươi, năm nay, các sản phẩm quà tặng khác như: áo sơ mi, cà vạt, bút... cũng được nhiều khách hàng chọn mua để làm quà tặng cho các thầy cô. Năm nay, các giỏ hoa quả, bánh kẹo cũng được các chủ cửa hàng bày biện sẵn với mức giá trung bình từ 300.000 – 500.000 để phục vụ nhu cầu khách hàng mua tặng. “Thị trường quà tặng năm nay vẫn rất sôi động, dù ảnh hưởng của Covid-19 chưa hết hẳn. Một phần là do truyền thống của người Việt mình, mặt khác mỗi năm cũng chỉ có một dịp để tri ân thầy cô nên các phụ huynh rất coi trọng”, một chủ cửa hàng cho biết.

“Của cho không bằng cách cho”

Thầy Tùng - giáo viên một trường phổ thông dân lập trên địa bàn Hà Nội cho biết: “Nhiều năm nay, các phụ huynh thường tặng thầy cô phong bì. Có phụ huynh mang phong bì đến, tôi biết hoàn cảnh của họ không khá giả gì, song gửi lại không được, mà nhận cũng không thấy vui vẻ chút nào. Tâm lý các phụ huynh thường cho rằng, nếu không có quà tặng, các thầy cô giáo sẽ không lo cho con mình chu đáo. Song các thầy cô chưa bao giờ nặng nề những chuyện ấy. Một bông hoa đẹp, một lời chúc ý nghĩa gửi đến các thầy cô là vui rồi”.

Chiếc phong bì ngày 20/11 và chuyện "của cho không bằng cách cho" - Ảnh 3.

Ảnh minh họa.

Thầy Tùng con cho biết, có phụ huynh còn đưa phong bì cho con để gửi thầy. Hoặc thậm chí, có người chở con đến nhà thầy, mang theo hoa, quà và phong bì tặng cho thầy ngay trước mặt con. Điều này sẽ gây ra nhận thức không tốt cho trẻ, thậm chí khiến trẻ có cái nhìn sai lệch về người thầy và ý nghĩa ngày Nhà giáo Việt Nam.

Chiếc phong bì ngày 20/11 và chuyện "của cho không bằng cách cho" - Ảnh 4.

Thay vì tặng hoa, thầy và trò trường đại học Phú Xuân (Huế) trồng cây xanh để tại không gian thoáng mát.

“Xin đừng làm mất đi ý nghĩa của một ngày lễ cao đẹp, sai lệch truyền thống “tôn sư trọng đạo”, xin hãy giữ gìn tình cảm thầy giò trong sáng, không vụ lợi. Món quà quý giá nhất đối với các thầy cô đó là nhìn các lứa học trò trưởng thành, chăm chỉ học hành, biết yêu kính bố mẹ, thầy cô”, cô Hương-giáo viên trường PTDT nội trú ở Đồng Hỷ, Thái Nguyên tâm sự.

Ngày 20/11 là dịp để các phụ huynh, học sinh tri ân các thầy cô giáo, để hướng con trẻ đến tinh thần tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn. Song đằng sau mỗi món quà cũng thể hiện giá trị sống, chiều sâu của mỗi người, để không làm mất đi giá trị nhân văn, thiêng liêng của ngày lễ cao quý./.

Ý kiến của bạn