Lăng kính

Chỉ trích người khác trên mạng có gì thú vị mà ai cũng thích tham gia?

Những gì mà chúng ta gõ trên bàn phím, đăng tải lên mạng xã hội nói lên rất nhiều điều về bản thân chúng ta.

26/05/2021 14:24

Có bao giờ bạn tự hỏi, tại sao nhiều người có vẻ thích chỉ trích người khác trên mạng xã hội và thích thú với thất bại của nhân vật bị ném đá đó? Bất kể họ là ai, là người nổi tiếng hay một nhân vật bất ngờ được biết đến vì một sự cố nào đó.

Vậy, điều gì trên Internet đã tạo ra những con người đầy tiêu cực như thế - những bộ mặt mà rất ít khi người ta bắt gặp ở ngoài đời?

Chỉ trích người khác trên mạng có gì thú vị mà ai cũng thích tham gia? - Ảnh 1.

Ảnh: Ryan Johnson/NPR

Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà tâm lý học Curtis Puryear và Joseph Vandello của Đại học Nam Florida, nguyên nhân khiến con người có thể thoải mái thể hiện một bộ mặt khác đầy tiêu cực của bản thân lên mạng xã hội bao gồm ba điều:

Điều đầu tiên được gọi là "hiệu ứng khử trùng"

Chỉ trích người khác trên mạng có gì thú vị mà ai cũng thích tham gia? - Ảnh 2.

Ảnh: Behance

Màn hình điện thoại hay máy tính tạo cho người dùng một nơi ẩn náu, như một chiếc khiên giúp họ cảm thấy an toàn hơn khi nói những lời chỉ trích, phán xét. Ở nơi đó, chúng ta được quyền ẩn danh, chẳng ai bị đổ lỗi cho hành vi hay lời nói vượt tầm kiểm soát của mình, vậy tại sao không buông lỏng, vô tư bấm phím?

Puryear và Vandello cũng nhận thấy rằng con người có xu hướng vô tâm hơn khi online vì họ tin rằng chỉ trích, phê phán nói riêng và những hành xử tồi tệ trên mạng là bình thường, là điều hiển nhiên mà ai cũng làm.

Và nguyên nhân thứ ba chính là sự mất tương tác vật lý giữa người với người khi chúng ta đối thoại qua màn hình điện thoại, máy tính. Điều này đồng nghĩa chúng ta không thể nhìn thấy tác động tổn thương từ những lời nói không đẹp của mình như khi trò chuyện trực tiếp. Do đó chúng ta có xu hướng coi các bình luận trực tuyến ít gây tổn hại hơn.

Chỉ trích người khác trên mạng có gì thú vị mà ai cũng thích tham gia? - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Có một lý do khác khiến hai nhà tâm lý học trên tin rằng là một phần nguyên nhân tạo nên những bình luận chỉ trích, phê phán trên mạng đó là bởi vì “điều đó thật tuyệt”. Bằng cách nào đó, những tiêu cực trong họ được giải tỏa thông qua những bình luận không đẹp đẽ trên mạng.

Vậy làm thế nào để đối phó với những bình luận tiêu cực trên mạng xã hội?

Dành thời gian chờ trước khi trả lời

Bạn nên đọc các bình luận một cách cẩn thận để xác định nội dung và mục đích thực sự của chúng. Đối với những kẻ có ý gây hấn, việc phản bác lại chỉ càng khiến họ hưng phấn và viết nên những lời chỉ trích tồi tệ hơn.

Phớt lờ 

Bạn có thể bỏ qua hoặc xóa các bài bình luận gây khó chịu, thô lỗ. Chủ nhân của những bình luận này có thể đang tìm kiếm sự chú ý, và một khi nhận ra mình bị phớt lờ, những kẻ này sẽ từ bỏ và tìm kiếm mục tiêu khác.

Đừng cố ăn thua đủ

Bạn có thể bày tỏ ý kiến cá nhân nhưng tranh luận với các “anh hùng bàn phím” là không có kết quả. Một lời nói thô tục có thể khiến mọi người tức giận và gây ra một cuộc khẩu chiến vô bổ. Tốt hơn hết là nên giữ thái độ trung lập bằng cách trả lời một cách logic hơn là cảm tính.

Nhận trách nhiệm cho những sai lầm

Sau cùng, nếu chúng ta là người thiếu sót, nên nhận trách nhiệm về những gì mình đã sai. Bạn có thể đưa ra lời xin lỗi, nói rằng sẽ xem xét và trả lời lại nếu cần thiết.

Ý kiến của bạn