Tin tức

Chỉ dẫn địa lý: Công cụ hữu hiệu nâng cao giá trị nông sản Việt

Ở một quốc gia có nhiều lợi thế về các sản phẩm nông nghiệp như Việt Nam, nhưng chưa có các phương thức chế biến đa dạng thì hệ thống bảo hộ chỉ dẫn địa lý được coi là một trong những công cụ hữu hiệu để khẳng định vị thế, đồng thời góp phần nâng cao giá trị cho nông sản Việt trên thị trường quốc tế, phục vụ tích cực cho việc xuất khẩu.

01/07/2021 09:54

Bảo hộ các đặc sản, nông sản chủ lực

Việt Nam là một trong những quốc gia có truyền thống canh tác nông nghiệp lâu đời với các loại đặc sản vùng miền đặc trưng, đa dạng. Các nông sản này đều được hình thành từ truyền thống văn hóa, sự tích lũy kỹ năng của người sản xuất kết hợp với điều kiện đặc thù về tự nhiên (khí hậu, thổ nhưỡng, địa hình, địa mạo…) của vùng lãnh thổ đó. 

Tùy thuộc vào tính chất của từng loại sản phẩm cũng như nhu cầu, điều kiện thực tế mà người ta lựa chọn tạo lập và phát triển đối tượng quyền sở hữu trí tuệ (chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể hay nhãn hiệu chứng nhận) phù hợp.

Sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý thì phải có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý mang lại. Các sản phẩm này sẽ dễ dàng nổi bật hơn, thậm chí có giá trị hơn so với các sản phẩm tương tự trên thị trường. 

Mặt khác, việc áp dụng bảo hộ chỉ dẫn địa lý còn giúp ngăn ngừa và chống lại các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, làm mất đi giá trị và danh tiếng của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý.

Nhiều sản phẩm sau khi được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, kiểm soát nguồn gốc, chất lượng, quảng bá sản phẩm đã giúp giá trị và uy tín gia tăng đáng kể như: Mật ong bạc hà Mèo Vạc tăng giá gần gấp đôi, nước mắm Phú Quốc tăng giá 30-50%, bưởi Phúc Trạch tăng 30-35%, cam Vinh tăng hơn 50%... 

Đây cũng là động lực cho người nông dân thúc đẩy sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô thương mại. Đáng chú ý, một số sản phẩm gắn chỉ dẫn địa lý cũng đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài, trong đó vải thiều Lục Ngạn là một ví dụ.

Năm 2008, vải thiều Lục Ngạn được bảo hộ chỉ dẫn địa lý đã giúp giá trị quả vải tăng cao, thị trường xuất khẩu mở rộng, trong đó có Nhật Bản. Tuy nhiên, quả vải xuất khẩu phải gắn tên của đơn vị cung cấp sản phẩm phía Nhật Bản trong quá trình tiêu thụ. 

Tháng 3/2021, vải thiều Lục Ngạn được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. Tấm “giấy thông hành” này không chỉ giúp người tiêu dùng tin tưởng và lựa chọn cao hơn mà còn là cơ hội để đưa vải thiều Lục Ngạn vào các thị trường cao cấp khác.

Chỉ dẫn địa lý: Công cụ hữu hiệu nâng cao giá trị nông sản Việt - Ảnh 1.

Nông dân xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang thu hoạch vải thiều chính vụ

Theo Tiến sĩ Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), việc các sản phẩm của Việt Nam, đặc biệt là nông sản được bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài đã góp phần quảng bá cho một đất nước Việt Nam nhiều sản phẩm đặc thù, có danh tiếng, chất lượng cao, có một nền nông nghiệp phát triển. 

Đây cũng là một minh chứng rõ nét của mô hình sử dụng sở hữu trí tuệ nói chung và chỉ dẫn địa lý nói riêng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp đưa các sản phẩm gắn với các địa danh của Việt Nam vươn ra thế giới.

Gìn giữ, quảng bá danh tiếng, chất lượng sản phẩm

Tính đến hết năm 2020, Việt Nam đã bảo hộ 94 chỉ dẫn địa lý, trong đó có 88 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam và 6 chỉ dẫn địa lý của nước ngoài. Việc Việt Nam ký kết và thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) cũng mang lại cơ hội lớn cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam khi 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam (phần lớn là nông sản) được bảo hộ tự động tại Liên minh châu Âu (EU) - thị trường xuất khẩu vô cùng quan trọng với 28 quốc gia thành viên. 

Việc này không chỉ bảo đảm quyền đối với các chỉ dẫn địa lý dùng cho nông sản của ta vốn đã có mặt trên thị trường này từ lâu, như: Nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Ma Thuột… mà còn mở ra cơ hội tiếp cận thị trường cho các đặc sản khác như: Chè Mộc Châu, vải thiều Thanh Hà, cam Cao Phong, chuối Đại Hoàng...

Tuy nhiên, việc sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý mới chỉ là bước đầu, vấn đề đặt ra trong giai đoạn tới là cách thức, giải pháp để duy trì, phát huy giá trị các sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý của Việt Nam để phát triển bền vững, nâng cao thu nhập cho bà con.

Theo Cục trưởng Đinh Hữu Phí, trong thời gian tới, bên cạnh việc gia tăng số lượng chỉ dẫn địa lý được bảo hộ, các hoạt động liên quan đến bảo hộ chỉ dẫn địa lý cần đi vào chiều sâu theo hướng nâng cao hiệu quả công tác quản lý, phát triển chỉ dẫn địa lý sau bảo hộ, đặc biệt là việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống kiểm soát chất lượng đối với sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý. Có như vậy thì nông sản Việt Nam mới giữ vững được chất lượng, uy tín ở thị trường trong nước, dần dần vươn ra và có chỗ đứng trên thị trường nước ngoài.

Đặc biệt, để tận dụng hết được những lợi thế mà chỉ dẫn địa lý mang lại, cần có các chính sách thúc đẩy và đổi mới trong phương thức quản lý chỉ dẫn địa lý. Hiện nay, quá trình sửa đổi các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ trong đó có chỉ dẫn địa lý thuộc Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 đang được gấp rút hoàn thành. 

Hy vọng khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ được thông qua sẽ có sự thay đổi mang tính bước nhảy về chất trong các quy định về tiến trình bảo hộ chỉ dẫn địa lý, từ đó phát huy hơn nữa lợi thế mà chỉ dẫn địa lý mang lại.

Ý kiến của bạn