Chè Shan cổ thụ - Báu vật của núi rừng biên cương
(VOVTV) - Chè Shan cổ thụ ở Lai Châu đang khẳng định giá trị, uy tín, chất lượng tạo dựng thương hiệu đặc sản trà cổ thụ - báu vật của núi rừng biên cương đến mọi miền đất nước.
Tại những cánh rừng già nơi biên cương Lai Châu, những cây chè Shan cổ thụ đã được người dân địa phương phát hiện và đưa vào khai thác. Đến nay, cây chè này đã tạo ra các sản phẩm trà nức tiếng về hương vị, chất lượng trên thị trường trong nước. Đồng bào các dân tộc địa phương đang khai thác để tạo ra nguồn thu nhập ổn định và coi như báu vật của núi rừng, quê hương mình.
Năm 2015, một số người dân ở bản Tân Séo Phìn và Séo Hồ Thầu, xã Mồ Sì San, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu vô tình đi rừng và phát hiện trong cánh rừng già của bản có nhiều cây rừng có lá giống lá chè, gốc to bằng cả người ôm. Họ trèo lên hái xuống nhai thử và thấy có vị chát của chè và vị ngọt đượm để lại nơi cổ họng sau khi ăn. Loại cây rừng ấy dần trở thành thứ nước uống hàng ngày của người dân trong bản và được chính quyền, cơ quan chức năng địa phương phát hiện là cây chè cổ thụ để trông giữ, bảo tồn.
Ban đầu chỉ một vài hộ dân lên rừng hái những búp chè cổ thụ tươi về sao thủ công, rồi năm 2019, HTX Biên Cương được thành lập, quy tụ sự tham gia của người dân trong bản để tạo ra các sản phẩm trà khô. Đây cũng là đơn vị đầu tiên ở huyện Phong Thổ tổ chức thu mua và chế biến búp chè cổ thụ tươi bằng máy móc hiện đại, tạo thành những sản phẩm trà nức tiếng thơm ngon, có giá trị kinh tế cao như hôm nay.
Anh Tẩn Sài Pha, thành viên HTX Biên Cương cho biết, để có sản phẩm trà chất lượng, các búp chè tươi phải được hái vào sáng sớm, khi trên lá còn đọng hạt sương. Sau khi hái, người dân sẽ ủ để giữ cho búp chè tươi xanh, trước khi mang về nhà thực hiện các công đoạn sản xuất để tạo thành sản phẩm.
“Để thành 1 sản phẩm chè chất lượng thơm ngon, thường phải qua 5 công đoạn. Sau khi chè hái từ rừng về sẽ được phơi, sau đó mang ra vò, ủ, sao lò và sấy khô. Khâu quan trọng nhất để có chè ngon là ủ lên men, công đoạn này đòi hỏi phải đủ thời gian mới cho sản phẩm chè chất lượng”, anh Pha tiết lộ bí quyết.
Theo khảo sát của chính quyền và cơ quan chức năng địa phương, đến nay tại huyện Phong Thổ đang có khoảng 8.000 cây chè cổ thụ, tập trung ở các xã Mồ Sì San, Sì Lở Lầu, Pa Vây Sử, Tông Qua Lìn, Sin Suối Hồ và Hoang Thèn. Mỗi năm hợp tác xã Biên Cương thu mua được từ 4 đến 5 tấn búp chè tươi cổ thụ ở các xã này và chế biến được hơn 1 tấn chè khô các loại.
Ông Tẩn Láo Lở, Phó Chủ tịch UBND xã Mồ Sì San, huyện Phong Thổ cho biết, hiện nay HTX Biên Cương đang sản xuất được 4 sản phẩm là Bạch trà, Hồng trà, Hoàng Trà và Trà xanh; trong đó có 3 sản phẩm là Hồng trà Shan, Hoàng trà Shan và Trà xanh Shan được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao của tỉnh, với giá bán từ 2 đến 3 triệu đồng/1kg, mang lại thu nhập đáng kể cho xã viên và bà con nông dân.
“Từ khi có sản phẩm OCOP trà ở xã Mồ Sì San, UBND xã đã triển khai họp bản để tuyên truyền cho bà con vừa bảo vệ, thu hái vừa phải chăm sóc. Đồng thời, hiện nay nhiều bà con trên địa bàn không đi làm ăn xa, đến mùa lên rừng thu hái chè bán cho HTX Biên Cương để chế biến thành sản phẩm. Một số hộ có người đi thu hái mỗi ngày cũng cũng thu nhập được từ 200.000 – 300.000 đồng trở lên”, ông Lở cho biết.
Để khai thác hiệu quả diện tích chè cổ thụ, giúp người dân tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, ngoài HTX Biên Cương, hiện Phong Thổ đã có thêm nhiều HTX do bà con các dân tộc làm xã viên. Các HTX đều tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, tạo thêm nhiều sản phẩm trà nức tiếng như Trà xanh, Trà đỏ, Trà hồng... Mục tiêu đến năm 2024, huyện sẽ có từ 6 - 10 sản phẩm trà cổ thụ đạt chuẩn OCOP 3 sao của tỉnh.
Ông Nguyễn Cảnh Đức, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu cho biết, để nâng cao chất lượng trà cổ thụ, Phòng sẽ tiếp tục tham mưu cho huyện triển khai đề án bảo tồn và phát triển chè cổ thụ trên địa bàn. “Trong đó tập trung trồng mới diện tích chè theo kế hoạch, bảo tồn các diện tích chè hiện có. Đến thời điểm hiện tại huyện đã trồng được 25ha chè trên địa bàn xã Hoang Thèn; tiếp tục bảo tồn và phát triển 8.000 gốc chè cổ thụ trên địa bàn các xã khu vực biên giới”, ông Đức cho biết.
Xúc tiến, quảng bá, đưa sản phẩm trà cổ thụ của Lai Châu tham gia các hội chợ, triển lãm, hội nghị trong nước và giới thiệu trên sàn thương mại điện tử, từ đó khuyến khích các hợp tác xã mở rộng sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm và hoàn thiện các tiêu chuẩn VietGap, ISO, để tạo ra thương hiệu bền vững.
Những hoạt động này của chính quyền và cơ quan chức năng địa phương đã và đang góp phần khẳng định giá trị, uy tín, chất lượng sản phẩm, đáp ứng thị hiếu của khách hàng; đồng thời tạo dựng thương hiệu đặc sản trà cổ thụ - báu vật của núi rừng biên cương Lai Châu đến mọi miền đất nước.