Chế độ ăn ảnh hưởng tới cảm xúc của chúng ta như thế nào?
(VOVTV) - Có những ngày bạn tràn đầy năng lượng, nhưng lại có những ngày bạn mệt mỏi, chán chường. Có nhiều lý do cho sự thay đổi đó, mà một trong đó có thể là chế độ ăn của chúng ta hàng ngày.
Con người có thể hung hăng, nhưng cũng lại rất hòa nhã. Điều gì khiến chúng ta như vậy? Theo giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu não bộ, chuyên gia tâm lý Soyoung Park, Trung tâm Nghiên cứu khoa học thần kinh và Viện Dinh dưỡng Đức, có một lý do nằm trong chế độ ăn của chúng ta. Những gì ta ăn có thể tác động đến tình trạng của hành vi và cảm xúc.
"Khi được hỏi có tin hay không việc chúng ta ăn gì có tác động đến tình trạng thể chất của chúng ta, hầu hết sẽ trả lời là tin. Nhưng nếu hỏi, có hình dung được những gì ta ăn có tác động đến suy nghĩ và quyết định của chúng ta hay không thì nhiều người sẽ nói là không," chuyên gia Soyoung Park cho biết.
Để minh họa rõ hơn về tác động của thức ăn đối với tương tác xã hội, Soyoung Park đã làm một thử nghiệm nhỏ với 87 người. Một số thực hành chế độ ăn sáng nhiều carbohydrates, số khác ăn nhiều protein. Vài giờ sau họ được chia thành 2 nhóm chơi trò chơi chia tiền. Người đầu tiên có 10 đồng xu, nhưng chỉ chia cho bạn chơi 2 đồng. Nếu người kia nhận thì cả hai người có tiền. Nếu không nhận thì cả hai tay trắng.
Kết quả, nhóm những người ăn nhiều protein hơn dễ dàng chấp nhận phần chia không đều hơn. Còn những người ăn nhiều carbohydrates ít sẵn sàng chấp nhận phần chia không đều hơn.
Như vậy, nhiều carbohydrates hơn có nghĩa là ít trao đi hơn, còn nhiều protein nghĩa là cho đi nhiều hơn? Vì sao lại như thế? Chuyên gia Soyoung Park lý giải: "Chúng tôi nghi là bộ não làm tăng nồng độ tyrosine trong máu, từ đó làm tăng lượng dopamine trong não. Và điều đó làm thay đổi hành vi."
Giả thiết này được ủng hộ bởi kết quả xét nghiệm máu. Axit amin tyrosine là tiền chất của dopamine, có tác động đến việc ra quyết định.
Một chế độ ăn sáng giàu ccarbohydrates dẫn tới hạ thấp tyrosine. Còn bữa sáng giàu protein thì làm tăng tyrosine.
Với chuyên gia Soyoung Park, đây là sự khẳng định rằng chế độ ăn có tác động đến sự trao đổi chất trong não và qua đó tác động đến hành vi.
Một nghiên cứu năm 2002 trong một nhà tù ở Scotland cũng tìm hiểu tác động của chế độ ăn đối với tâm trạng. Các nhà nghiên cứu muốn biết liệu có chất dinh dưỡng nào đó có thể kiềm chế mức độ hung hăng hay không. Họ phát hiện thấy những tù nhân trẻ được dùng thực phẩm chức năng bổ sung vitamin và khoáng chất có mức hành vi bạo lực thấp hơn. Năm 2014, nghiên cứu này được tiến hành lại ở quy mô lớn hơn.
Một bản báo cáo về nghiên cứu rơi vào tay Ap Zaalberg, một nhà tâm lý học, lúc đó là cố vấn của Bộ Tư pháp Hà Lan. Ông Ap Zaalberg đã làm lại nghiên cứu với 200 tù nhân ở Hà Lan. Một nửa dùng thực phẩm chức năng và một nửa dùng giả dược trong vòng 3 tháng. Kết quả cho thấy, trong nhóm dùng thực phẩm chức năng thật, số vụ xung đột giảm khoảng 35%. Số các sự vụ nghiêm trọng giảm khoảng 50%.
Theo chuyên gia Soyoung Park, chế độ dinh dưỡng có ý thức có rất nhiều tiềm năng, có thể định hình và thay đổi con người, có thể giúp chúng ta tăng cường trạng thái tinh thần và tối ưu hóa bản thân. Chế độ ăn đúng có thể không chỉ làm chúng ta khỏe mạnh hơn, mà còn hạnh phúc hơn./.
Tin nổi bật
Tin Video