Tin tức

Châu Âu trước nguy cơ phải 'thắt lưng buộc bụng' vì muốn thoát ly khí đốt Nga

Lịch trình đầy tham vọng của châu Âu trong việc xây dựng con đường thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng Nga đang phải đối mặt với nhiều rào cản lớn.

04/04/2022 09:38

Ước tính, chi phí mà châu Âu bỏ ra cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm tiếp nhận nguồn cung thay thế có thể lên đến hàng tỷ USD do cuộc chiến tại Ukraine khiến giá nguyên vật liệu nên đắt đỏ hơn.

Khó lấp đầy kho dự trữ cho mùa Đông tới

Các nhà phân tích cảnh báo, kế hoạch của châu Âu xây dựng kho dự trữ và đảm bảo nguồn cung cấp khí đốt cho mùa Đông năm 2022 có thể không thực hiện được nếu xuất khẩu khí đốt của Nga bị đình trệ do những bất đồng liên quan đến việc thanh toán.

Châu Âu trước nguy cơ phải 'thắt lưng buộc bụng' vì muốn thoát ly khí đốt Nga - Ảnh 1.

Trạm nén khí của hệ thống đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2, cung cấp khí đốt từ Nga sang Đức qua biển Baltic, tại Lubmin (Đức). Ảnh: AFP

Nga cung cấp khoảng 40% lượng khí đốt nhập khẩu của châu Âu, nhưng nguy cơ nguồn cung bị gián đoạn đã gia tăng trong những ngày qua khi các nước G7 từ chối yêu cầu thanh toán bằng đồng rúp của Tổng thống Putin. Ủy ban châu Âu cho biết, khí đốt được lưu giữ trong kho thường chiếm khoảng 1/4 lượng khí đốt được sử dụng ở châu Âu trong những tháng mùa Đông bởi đây là nhiên liệu sưởi ấm chính.

Trong một nỗ lực đảm bảo đủ nguồn cung cho mùa Đông tới, Ủy ban này đã đề xuất luật buộc các nhà khai thác kho chứa khí đốt phải lấp đầy ít nhất 80% công suất dự trữ trước ngày 1/11/2022. Nhưng nhiệm vụ sẽ rất khó thực hiện nếu không có nguồn cung của Nga.

Jack Sharples – nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford nhận định: “Mục tiêu lấp đầy 80% kho dự trữ trước thời hạn nói trên có thể đạt được nếu một phần khí đốt của Nga vẫn tiếp tục chảy qua. Nhưng điều này sẽ trở nên không khả thi nếu dòng chảy khí đốt bị ngừng hoàn toàn”.

Cùng chung quan điểm trên, Kateryna Filippenko, trưởng nhóm chuyên gia phân tích khí đốt ở châu Âu của Wood Mackenzie lưu ý: “Nếu dòng chảy khí đốt của Nga dừng lại vào ngày mai và không khởi động lại cho đến mùa Đông năm sau, hoặc lâu hơn thì kho dự trữ sẽ không thể được lấp đầy ở mức 80%. Nhiều khả năng, chỉ đạt khoảng 54%”.

Đức – quốc gia tiêu thụ khí đốt lớn nhất châu Âu, đã đặt mục tiêu lấp đầy 90% kho dự trữ vào tháng 11. Hiện, các kho dự trữ của nước này mới chỉ đạt 26%. Trong một động thái chưa từng có tiền lệ, Berlin đã kích hoạt kế hoạch khẩn cấp về khí đốt do lo ngại gián đoạn nguồn cung khí đốt từ Nga. Đây là bước đi thuộc giai đoạn đầu trong kế hoạch khẩn cấp về khí đốt gồm 3 giai đoạn của Đức. Giới chức nước này cho biết mục đích là để kêu gọi người tiêu dùng cũng như ngành công nghiệp của nước này chuẩn bị cho mọi tình huống.

Theo các nhà phân tích, nền kinh tế châu Âu sẽ gặp khó khăn nếu không có khí đốt của Nga, mặc dù tác động sẽ khác nhau tùy thuộc vào mức độ sử dụng của các quốc gia. Lạm phát tại châu Âu đã tăng cao kỷ lục, khiến giá cả các mặt hàng từ hàng tạp hóa đến nhiên liệu thô trở nên đắt đỏ hơn. Điều này một phần do giá năng lượng tăng cao.

Châu Âu đã và đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng ngay cả trước khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra. Khủng hoảng khiến chính phủ nhiều nước và các công ty phải chật vật tìm kiếm nguồn cung, nhưng lượng khí đốt hiện có chắc chắn sẽ không đủ trang trải so với nhu cầu hiện nay nếu dòng chảy khí đốt Nga ngừng hoạt động.

Tổ chức tư vấn Bruegel dự đoán, châu Âu sẽ thiếu hụt 10% đến 15% lượng khí đốt để đáp ứng nhu cầu thông thường nhằm vượt qua mùa Đông tới, có nghĩa là khu vực này cần phải thực hiện các biện pháp đặc biệt để cắt giảm sử dụng khí đốt. Trong trường hợp khẩn cấp, chính phủ các nước sẽ phải quyết định công ty hoặc lĩnh vực nào sẽ phải ngừng hoạt động để cung cấp khí đốt cho bệnh viện và các hộ gia đình. Điều này sẽ gây ảnh hưởng đến nền kinh tế châu Âu – vốn đang bị ảnh hưởng do cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Lối thoát nào cho châu Âu?

Hiện châu Âu đang tập trung đẩy mạnh nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ trong thời gian tới và tăng cường sản xuất năng lượng tái tạo từ nay cho đến năm 2030. Đức cam kết xây dựng 2 nhà ga nhập khẩu LNG, Pháp muốn nối lại các cuộc đàm phán với Tây Ban Nha về một đường ống kết nối, còn Anh tìm cách khai thác năng lượng gió, năng lượng mặt trời và năng lượng hạt nhân.

Tuy nhiên, giá nguyên vật liệu để xây dựng các cơ sở hạ tầng này vẫn liên tục gia tăng. Giá thép, đồng, nhôm đã tăng mức kỷ lục trong suốt 12 tháng qua. Điều đó đã làm trì hoãn kế hoạch của EU tăng gần gấp 3 công suất năng lượng mặt trời và gió trong thập kỷ này. Grant Sporre, nhà phân tích của Bloomberg Intelligence cho rằng, đối với EU, giá xây dựng cơ sở hạ tầng có thể cao hơn 20% so với thời điểm trước khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra.

“Việc xây dựng sẽ đắt hơn so với dự định ban đầu của chính phủ các nước châu Âu. Chúng tôi đang chứng kiến một số dự án bị trì hoãn do giá cả leo thang”, ông Grant Sporre nhấn mạnh.

Châu Âu trước nguy cơ phải 'thắt lưng buộc bụng' vì muốn thoát ly khí đốt Nga - Ảnh 2.

Các tấm pin mặt trời được lắp đặt tại một nhà máy quang điện ở Haltern, Đức. Ảnh: AP

Kế hoạch chuyển đổi năng lượng của Ủy ban châu Âu liên quan đến việc lắp đặt hệ thống khai thác điện gió với công suất 290 gigawatt và hệ thống khai thác năng lượng mặt trời với công suất 250 gigawatt. Nhưng riêng hóa đơn chi cho thép đã lên tới 65 tỷ euro (tức 72 tỷ USD) theo giá thị trường hiện tại.

Ông James Ley, phó chủ tịch của Energy Metals cho biết: “Chi phí đối với chuỗi cung ứng tất cả các sản phẩm thép ở châu Âu đang gia tăng”. Nhôm cũng là sản phẩm cần thiết để tạo ra tấm pin mặt trời, tua-bin và mạng lưới điện. Nhưng châu Âu đang thiếu hụt nghiêm trọng vật liệu này do chi phí năng lượng tăng cao làm giảm việc sản xuất và giảm lợi nhuận của ngành nhôm. Theo BloombergNEF, thị trường đã trở nên căng thẳng trong năm nay, và giá nhôm đã tăng vọt lên mức kỷ lục vào tháng 3.

Nga là nhà sản xuất nhôm lớn trên thế giới, sau Trung Quốc, chiếm khoảng 5% sản lượng trên toàn cầu. Nhưng việc nhập khẩu mặt hàng này sẽ bị hạn chế do các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu.

Andrew Forrest, chủ tịch của Fortescue Metals Group Ltd. Nhận định: “Châu Âu vẫn phải tồn tại nếu không có nguồn cung cấp của Nga. Việc thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng Nga có thể thực hiện được, song chắc chắn sẽ cần rất nhiều thời gian điều chỉnh”.

Ủy ban châu Âu cho biết, châu Âu có thể đối phó với sự gián đoạn nguồn cung khí đốt của Nga trong ngắn hạn. Nhưng các nhà phân tích cho rằng việc gián đoạn kéo dài hoặc ngừng hoàn toàn dòng chảy khí đốt sẽ gây ra những hậu quả kinh tế nghiêm trọng, đòi hỏi các biện pháp khẩn cấp như đóng cửa một loạt nhà máy.

Ý kiến của bạn