Châu Âu đẩy mạnh chiến lược hợp tác mới với các quốc gia Ấn Độ
(VOVTV) - Diễn đàn về Hợp tác tại Ấn Độ - Thái Bình Dương lần đầu tiên được Liên minh châu Âu (EU) tổ chức ngày 22/2 tại thủ đô Paris theo sáng kiến của Pháp, thể hiện bước đi mới nhất hiện thực hóa chiến lược tham vọng tạo dựng ảnh hưởng lớn hơn của châu Âu tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Hơn 60 quan chức là các Ngoại trưởng, Thứ trưởng Ngoại giao hay Đại sứ các nước Liên minh châu Âu, các quốc gia ASEAN, các cường quốc Đông Á, Nam Á cũng như một số quốc đảo Nam Thái Bình Dương đã tham dự Diễn đàn về hợp tác tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, lần đầu tiên được Liên minh châu Âu tổ chức tại thủ đô Paris – Pháp trong ngày 22/2, theo sáng kiến của Pháp, nước đang giữ chức Chủ tịch Hội đồng châu Âu.
Đại sứ Việt Nam tại Pháp, Đinh Toàn Thắng, đại diện làm Trưởng đoàn Việt Nam tham dự Diễn đàn. Đại diện hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc không góp mặt.
Với mục tiêu xây dựng một mô hình hợp tác, đối tác mới giữa châu Âu với các quốc gia trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, Diễn đàn đã tập trung thảo luận xoay quanh 7 lĩnh vực ưu tiên được nước Pháp chủ nhà cũng như Liên minh châu Âu – EU đề ra, bao gồm: phát triển bền vững và toàn diện; chuyển đổi sinh thái; quản trị các đại dương; xây dựng đối tác số; tăng cường kết nối; an ninh quốc phòng và an ninh nhân đạo.
Đây cũng chính là các hướng ưu tiên phát triển được EU nói chung và Pháp nói riêng đặt ra trong chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương được EU công bố tháng 10/2021 cũng như đại dự án về cơ sở hạ tầng trị giá 300 tỷ euro mang tên “Cổng kết nối toàn cầu” mà EU tung ra đầu năm 2022.
Phát biểu tại diễn đàn, đại diện cấp cao về đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu, Josep Borrell khẳng định Liên minh châu Âu cùng khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương chiếm đến 70% thương mại toàn cầu, gần 2/3 GDP cũng như 3/5 dân số thế giới nên sự hợp tác giữa hai khu vực có ý nghĩa sống còn cho sự thịnh vượng của mỗi bên trong tương lai. Tuy nhiên, đi kèm với đó là các thách thức địa chính trị trọng yếu nhất của thế kỷ 21.
Ông Josep Borrell cho biết: “Ấn Độ - Thái Bình Dương là khu vực năng động, có thể nói là năng động nhất thế giới nhưng đi kèm với sự năng động đó là các thách thức, cụ thể là kịch bản cạnh tranh địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc. Do đó, lịch sử của thế kỷ 21 sẽ được viết tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương”.
Chung quan điểm rằng Ấn Độ - Thái Bình Dương sẽ là nơi chứng kiến các quan hệ sôi động nhưng cũng phức tạp nhất, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nhận định, đó là lí do châu Âu đặt mục tiêu thúc đẩy các quan hệ đối tác với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương là ưu tiên đối ngoại quan trọng hàng đầu, để cùng nhau xây dựng một con đường hợp tác thứ 3, tránh sự lệ thuộc vào các cạnh tranh địa chính trị cường quốc.
“Chúng tôi mong muốn cùng với các đối tác trợ giúp nhau thoát khỏi cái bẫy của sự phụ thuộc, trong đó một số chiến lược hay ý định thống trị có thể sẽ trói buộc các nước châu Âu hay các quốc gia Ấn Độ - Thái Bình Dương vào các mối quan hệ đối tác mang tính ép buộc. Sự hợp tác này là độc đáo vì nó xa lạ với tất cả những lô-gíc chia phe hay đối đầu” - ông Jean-Yves Le Drian nói.
Kết thúc các phiên thảo luận tại Diễn đàn, nhiều ý định và dự án hợp tác đã được các quốc gia châu Âu và các quốc gia Ấn Độ - Thái Bình Dương cam kết trên nhiều lĩnh vực, trong đó nổi bật là kết nối số, y tế và chống biến đổi khí hậu.
Tin nổi bật
Tin Video