Châu Âu còn 'lá bài kinh tế' nào với Nga?
(VOVTV) - Trong bối cảnh các nước châu Âu vẫn cố gắng gây sức ép kinh tế lên Nga liên quan đến sự kiện Ukraine, dư luận rất quan tâm liệu cuộc gặp của các Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính EU có thể tìm ra những biện pháp mới, những cách tiếp cận mới để thực hiện mục tiêu này.
Cuộc họp của các Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Liên minh châu Âu trong ngày 5/4 đã thảo luận rất kỹ về việc thực thi các lệnh trừng phạt mà EU áp đặt đối với Nga, về hiệu quả của các lệnh trừng phạt này và về các cách thức né tránh trừng phạt từ phía Nga hay một số đối tác của Nga. Các Bộ trưởng châu Âu cũng đã thảo luận về các tác động kinh tế của cuộc chiến tại Ukraine đối với nền kinh tế châu Âu, trong đó đặc biệt đáng chú ý là các giải pháp nhằm đối phó với việc tăng giá năng lượng và nguyên liệu đầu vào tại nhiều nước EU.
Về tổng thể, cuộc họp của các Bộ trưởng Kinh tế - Tài chính EU không đề cập đến một giải pháp cụ thể nào liên quan đến việc gia tăng, giám sát hay điều chỉnh các biện pháp cấm vận đối với Nga nhưng trong tuyên bố kết luận, các Bộ trưởng Kinh tế - Tài chính châu Âu khẳng định nhóm Bộ trưởng này cùng với Uỷ ban châu Âu và Ngân hàng Trung ương châu Âu tiếp tục cam kết theo đuổi tất cả các biện pháp trừng phạt có thể áp dụng trong thời gian tới.
Ngay sau đó, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen đã thông báo cho biết phía châu Âu sẽ sớm tung ra một gói trừng phạt mới nhằm vào Nga, bao gồm cấm việc nhập khẩu than đá từ Nga trị giá mỗi năm khoảng 4 tỷ Euro, cấm các tàu hàng Nga tiếp cận các cảng biển thuộc các nước EU, cấm xuất khẩu các mặt hàng công nghệ cao như máy tính lượng tử, chíp bán dẫn, máy móc công nghiệp trị giá khoảng 10 tỷ euro mỗi năm sang Nga.
Châu Âu cũng có thể sẽ cấm nhập các sản phẩm khác như gỗ, hải sản, rượu trị giá 5,5 tỷ Euro mỗi năm từ Nga. Đồng thời, châu Âu cũng sẽ mở rộng trừng phạt đối với 4 ngân hàng lớn của Nga và đưa thêm nhiều cá nhân quốc tịch Nga vào danh sách đóng băng tài sản và cấm nhập cảnh vào EU. Dự kiến, các nước EU sẽ nhóm họp trong ngày 6/4 để xem xét gói trừng phạt thứ 5 này và gần như chắc chắn là gói trừng phạt mới này sẽ được thông qua.
Sau cuộc họp của các Bộ trưởng Kinh tế - Tài chính EU, các quan chức EU đã thông báo sẽ cấm nhập khẩu than đá từ Nga và sẽ xem xét việc cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Nga. Như vậy, trước mắt trong số các sản phẩm năng lượng từ Nga sẽ chỉ có than đá bị cấm. Hiện mỗi năm Nga xuất khẩu khoảng 36 triệu tấn than đá, trị giá khoảng 4 tỷ Euro sang các nước EU và chiếm khoảng 70% lượng than đá nhập khẩu của EU. Trong số này, các nước như Đức, Ba Lan, Italia là nhập nhiều than đá nhất của Nga. Tuy nhiên, đối với châu Âu thì than đá của Nga không quan trọng bằng dầu mỏ, và đặc biệt là khí đốt. Do đó, việc cắt nguồn cung than đá từ Nga sẽ gây ra các tác động hạn chế hơn.
Việc này cũng thể hiện rất rõ các tính toán thận trọng từ phía nhiều nước châu Âu. Bất chấp các sức ép từ Mỹ, từ Ukraine, từ Ba Lan và nhiều nước khác trong EU, một số nước như Đức, Hà Lan… vẫn đang cương quyết không chấp nhận việc cắt bỏ ngay lập tức toàn bộ nguồn cung năng lượng từ Nga. Trong số này, chính phủ Đức đã thừa nhận rằng nếu nước Đức ngay lập tức cắt bỏ dầu mỏ và khí đốt từ Nga thì hậu quả kinh tế mà nước Đức phải gánh chịu sẽ vô cùng nghiêm trọng, kinh tế Đức có thể rơi vào suy thoái lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua và hậu quả mà Đức phải chịu sẽ còn lớn hơn Nga.
Do đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck… đều nhiều lần khẳng định Đức không chấp nhận phương án này. Đức đã đồng ý sẽ loại bỏ sự phụ thuộc vào năng lượng Nga nhưng cho rằng điều này cần phải được tiến hành từng bước, không thể làm ngay lập tức. Đây là một bài toán khó với nhiều nước châu Âu.
Các nước phương Tây như Mỹ, 3 quốc gia Baltic hay một số nước như Ba Lan… mang thái độ thù địch mạnh mẽ với Nga và cũng không phụ thuộc quá nhiều vào nguồn năng lượng từ Nga nên luôn kêu gọi đối đầu quyết liệt, chấm dứt mọi quan hệ với Nga trong khi các nước như Đức, hay kể cả Pháp, vẫn muốn tìm cách đối thoại với Nga để chấm dứt cuộc chiến tại Ukraine. Đây là lúc mà các quốc gia buộc phải tính toán để đảm bảo lợi ích quốc gia của mình một cách tốt nhất, và do đó, sẽ không có một giải pháp nào có thể làm hài lòng tất cả các nước EU. Việc này càng kéo dài, sự chia rẽ trong nội bộ EU sẽ càng lớn hơn.
Hiện tại, vấn đề châu Âu phụ thuộc quá lớn vào nguồn năng lượng của Nga đã được thảo luận quá nhiều, nhưng ngoài năng lượng Nga còn là một cường quốc thế giới về một số kim loại quý như nickel hay một số sản phẩm nông nghiệp như lúa mỳ, phân bón… Do đó, việc cắt đứt tất cả các mối quan hệ kinh tế với Nga không phải muốn là làm được.
Về lý thuyết đương nhiên châu Âu có thể cắt đứt quan hệ kinh tế với Nga. Vấn đề là hiệu quả và hậu quả của hành động đó. Toàn bộ các lệnh trừng phạt mà phương Tây nhằm vào Nga hiện nay, ở quy mô mà Nga cho là có thể gọi là “chiến tranh kinh tế tài - chính” toàn diện, có mục đích lớn nhất là trừng phạt hành động quân sự của Nga ở Ukraine và răn đe Nga sớm chấm dứt cuộc chiến.
Nhưng cho đến thời điểm này, mục đích này đang thất bại, hay chính xác hơn là chưa đạt được. Bất chấp các lệnh trừng phạt ồ ạt với quy mô chưa từng thấy từ phương Tây, Nga vẫn không thể hiện bất cứ ý định nào về việc chấm dứt chiến dịch quân sự đặc biệt mà nước này đang tiến hành tại Ukraine, chừng nào chưa hoàn tất các mục tiêu về quân sự-chính trị. Do đó, trừng phạt kinh tế từ phương Tây hoàn toàn không răn đe được Nga.
Tiếp theo, tác động lên nền kinh tế Nga của các lệnh trừng phạt này cũng chưa như phương Tây kỳ vọng. Đồng rúp Nga đã trở lại với giá trị ngang bằng thời điểm trước khi nổ ra cuộc chiến tại Ukraina. Các tính toán mới đây từ hãng tin Blomberg cho thấy trong năm 2022, xuất khẩu năng lượng của Nga có thể đạt mức trên 320 tỷ USD, cao hơn 30% so với năm 2021.
Hiện mỗi ngày châu Âu vẫn phải chi khoảng 800 triệu Euro để nhập khẩu năng lượng Nga. Do đó, cần phải chờ một thời gian nữa, có thể là 6 tháng - 1 năm, thậm chí là vài năm nữa, phương Tây mới có thể hy vọng kinh tế Nga suy sụp như các tuyên bố từ các nước này. Trong lúc đó, tác động từ cuộc chiến tại Ukraine và các lệnh trừng phạt trả đũa lẫn nhau với Nga khiến châu Âu đang rơi vào khủng hoảng năng lượng, đối mặt nguy cơ lạm phát.
Việc cắt đứt hoàn toàn quan hệ kinh tế với Nga sẽ chỉ càng khiến tình hình phức tạp hơn. Quan trọng nhất, là khi quan hệ giữa Nga và phương Tây đang ở bên bờ vực sụp đổ như hiện nay, việc cắt đứt quan hệ kinh tế sẽ chỉ càng khiến căng thẳng leo thang, nguy cơ đối đầu toàn diện sẽ ngày càng lớn hơn. Khi các cầu nối về kinh tế bị phá bỏ, hai bên sẽ chỉ còn một lựa chọn là đối đầu, mà khả năng lớn sẽ là bằng chiến tranh, với các hậu quả thảm khốc hơn nhiều.
Tin nổi bật
Tin Video