Tin tức

Châu Á-Thái Bình dương ký kết RCEP: Mỹ lo ngại bị bỏ lại phía sau

Mỹ cần duy trì sự hiện diện trong khu vực, nếu không sẽ có nguy cơ phải đứng bên ngoài, lãnh đạo Phòng Thương mại Mỹ cảnh báo.

Tác giả Lương Anh (dịch) / VOVTV  -  
17/11/2020 10:55

Phòng Thương mại Mỹ ngày 16/11 bày tỏ lo ngại về việc Mỹ bị bỏ lại phía sau sau khi Trung Quốc và 14 nền kinh tế châu Á – Thái Bình Dương ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Phòng Thương mại Mỹ hoan nghênh lợi ích của việc tự do hóa thương mại mà Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực RCEP mang lại, nói rằng, các nhà xuất khẩu Mỹ, người lao động và nông dân Mỹ cần được tiếp cận các thị trường châu Á rộng rãi hơn, nhưng khuyến cáo Mỹ không nên tham gia RCEP.

Phó Chủ tịch điều hành phòng Thương mại Mỹ Myron Brilliant nói rằng, chính quyền của tổng thống Trump đã hành động để đối đầu với các thực hành thương mại không công bằng của Trung Quốc, nhưng lại làm cho cơ hội mới của các nhà xuất khẩu Mỹ tại các khu vực khác ở châu Á bị hạn chế.

Đầu năm 2017, tổng thống Donald Trump rút khỏi TPP, hiệp định mà người tiền nhiệm Barack Obama đã thương lượng trong nỗ lực xoay chuyển mối quan tâm sang châu Á. Kể từ đó đến nay ông Trump chưa ký kết một thỏa thuận thương mại mới nào với châu Á.

"Với lý do những thiếu sót trong RCEP, chúng tôi không khuyến cáo Mỹ tham gia," ông Brilliant tuyên bố và không nói rõ những thiếu sót đó là gì. "Tuy nhiên, Mỹ nên chấp nhận một nỗ lực có chiến lược, có tầm nhìn hơn để duy trì sự hiện diện của Mỹ trong khu vực, nếu không, chúng ta sẽ có nguy cơ phải đứng bên ngoài mà nhìn vào một trong những cỗ máy quan trọng nhất của thế giới ầm ầm vận động mà không có chúng ta," ông Brilliant cảnh báo chính phủ Mỹ.

Ông Brilliant lưu ý rằng, xuất khẩu của Mỹ vào châu Á-Thái Bình Dương đã đều đặn tăng lên trong những thập kỷ gần đây nhưng thị phần của các công ty Mỹ lại giảm. Ông cũng dẫn các dự báo cho thấy thị trường này sẽ có tốc độ tăng trưởng trung bình 5% vào năm tới và tầng lớp trung lưu ở đây sẽ tăng lên nhanh chóng.

Châu Á-Thái Bình dương ký kết RCEP: Mỹ lo ngại bị bỏ lại phía sau   - Ảnh 1.

Lễ ký kết trực tuyến Hiệp định RCEP tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 37. Ảnh: REUTERS

Trước đó, ngày 15/11, trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), 10 quốc gia ASEAN: Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Lào, Campuchia, Malaysia, Singapore, Indonesia, Brunei và Philippines, cùng 5 quốc gia đối tác bao gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand đã ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). 

Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị Cấp cao Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP) khẳng định Hiệp định RCEP là một thỏa thuận thương mại khu vực lớn chưa từng có với sự giao hòa đa dạng của các nền kinh tế phát triển, đang phát triển và kém phát triển.

Tuyên bố chung khẳng định, với thị trường 2,2 tỷ người dân chiếm 30% dân số thế giới, tổng GDP 26,2 nghìn tỷ USD tương đương 30% GDP toàn cầu và chiếm gần 28% thương mại toàn cầu (dựa trên số liệu năm 2019), Hiệp định RCEP là thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới, thể hiện một bước tiến quan trọng hướng tới một khuôn khổ luật lệ lý tưởng cho thương mại và đầu tư toàn cầu.

Tuyên bố chung cũng ghi nhận rằng Hiệp định RCEP là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới tham vọng nhất do ASEAN khởi xướng, góp phần nâng cao vai trò trung tâm của ASEAN trong khuôn khổ khu vực và tăng cường hợp tác giữa ASEAN và các nước đối tác.

Hiệp định RCEP bao gồm 20 chương, 17 phụ lục và 54 lộ trình cam kết liên quan đến việc tiếp cận thị trường, các quy tắc và kỷ luật, cũng như hợp tác kinh tế và kỹ thuật.

Khi có hiệu lực, thỏa thuận này sẽ giúp cải thiện khả năng tiếp cận thị trường với việc loại bỏ thuế quan và hạn ngạch đối với hơn 65% hàng hóa và giúp các hoạt động kinh doanh có thể dự đoán được với các quy tắc xuất xứ chung và các quy định minh bạch. Điều này sẽ khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn vào khu vực, bao gồm xây dựng chuỗi cung ứng và dịch vụ, đồng thời tạo ra việc làm.

Hiệp định RCEP bao phủ hơn 30% kinh tế và dân số toàn cầu, lần đầu tiên có các cường quốc châu Á gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc tham gia.

Mỹ vắng mặt cả trong RCEP và trước đó là  Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, khiến cho nền kinh tế lớn nhất thế giới này nằm ngoài cả hai nhóm thương mại bao phủ khu vực đang tăng trưởng mạnh nhất thế giới.

Ý kiến của bạn