Tin tức

'Chấm điểm' Tổng thống Biden thực hiện 4 cam kết trong 100 ngày đầu nhiệm kỳ

Chỉ trong vòng 100 ngày kể từ sau khi chính thức nhậm chức, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký thành luật gói cứu trợ 1.900 tỷ USD, hoàn thành gấp đôi mục tiêu 100 mũi tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho những người trưởng thành ở Mỹ.

01/05/2021 08:21

Việc đánh giá 100 ngày đầu nhiệm kỳ của tổng thống bắt đầu cách đây gần 1 thế kỷ, với nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Franklin Roosevelt khi ông tìm cách đưa nước Mỹ ra khỏi cuộc Đại Suy thoái.

Đối mặt với một cuộc khủng hoảng khác ở thời của mình, trước khi nhậm chức, ông Joe Biden đã đưa ra những cam kết quan trọng về những mục tiêu mà ông hy vọng sẽ đạt được trong 100 ngày đầu tiên trên cương vị Tổng thống Mỹ.

Những ưu tiên của ông Biden trong khoảng thời gian này tập trung chủ yếu vào việc ngăn chặn đại dịch, khôi phục kinh tế và đối phó với bất bình đẳng cực đoan.

20210428-t-201532-z-1595789502-rc-285-n-9-kawfurtrmadp-3-usabiden-1619659605148.jpg

Tổng thống Biden phát biểu trước Quốc hội Mỹ tối ngày 28/4. Ảnh: Reuters

Vaccine ngừa Covid-19

Ngay trước khi nhậm chức, ông Biden đã đặt mục tiêu tiêm chủng 100 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 trong 100 ngày đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống, với tốc độ trung bình là 1 triệu mũi tiêm mỗi ngày.

Ban đầu, giới truyền thông tỏ ra hoài nghi về khả năng đạt được mục tiêu này, nhưng rốt cuộc, ông Biden lại bị chỉ trích vì đã không đặt ra mục tiêu đủ cao. Ở thời điểm ông chính thức nhậm chức ngày 20/1/2021, nước Mỹ đã sẵn sàng trên con đường đạt được mục tiêu tham vọng về tốc độ tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19.

Người ta cho rằng, chính quyền Biden đã tạo điều kiện thuận lợi cho các mối quan hệ đối tác với các nhà sản xuất dược phẩm nhằm đẩy nhanh tốc độ sản xuất vaccine, đẩy nhanh quá trình phân phối, và điều có thể đã giúp nước Mỹ duy trì được tốc độ tiêm chủng khá nhanh chóng.

Hồi tháng 3, sau khi nước Mỹ đạt được mục tiêu 100 triệu mũi tiêm, ông Biden tuyên bố tăng gấp đôi mục tiêu này, lên 200 triệu mũi tiêm vào cuối tháng 4 - thời điểm đánh dầu 100 ngày đầu nhiệm kỳ của ông. Mục tiêu này cũng đã được hoàn thành từ hôm 21/4.

Dù đã hoàn thành gấp đôi mục tiêu đề ra ban đầu, nhưng tốc độ tiêm chủng tại Mỹ hiện nay có vẻ như vẫn chưa đủ chắc chắn vì nhiều người còn do dự với việc tiêm vaccine.

Mở cửa trở lại các trường học

Ngoài cam kết về tiêm chủng vaccine, một phần quan trọng trong các cuộc thảo luận về phục hồi sau đại dịch ở Mỹ vẫn tập trung vào việc các trường học có thể nhanh chóng mở cửa trở lại cho việc dạy học trực tiếp tới mức nào.

Tháng 12/2020, ông Biden bày tỏ hy vọng có thể để "phần lớn các trường học của nước Mỹ được mở cửa vào cuối giai đoạn 100 ngày đầu nhiệm kỳ" của ông.

Trong một tuyên bố ngày 16/2, ông Biden đã nêu rõ rằng vào cuối khoảng thời gian 100 ngày, "mục tiêu sẽ là 5 ngày mỗi tuần" giảng dạy trực tiếp hoặc tương đương, nhất là với các trường trung học.

Trên thực tế, dù chính quyền của ông Biden đã thể thực hiện các bước đi để việc mở cửa trở lại trường học được dễ dàng hơn và an toàn hơn, quyết định sau cùng lại do các cộng đồng địa phương quyết định.

Tính đến 20/4, các trường tiểu học, trung học ở hơn một nửa trong số 101 khu vực lớn nhất của Mỹ đã mở cửa hoàn toàn trở lại, thực hiện dạy học trực tiếp 5 ngày/tuần.

Tuy nhiên, cũng cần phải nhấn mạnh rằng, cho dù trường học đã mở cửa trở lại, một số gia đình vẫn miễn cưỡng đưa con đi học. Theo Bộ Giáo dục Mỹ, chỉ khoảng 30% số học sinh đi học trực tiếp đầy đủ nếu được lựa chọn giữa học tại trường và học trực tuyến.

Kế hoạch khôi phục kinh tế

Chương trình của ông Biden trong 100 ngày đầu nhiệm kỳ bao gồm cả việc thông qua một gói kích thích kinh tế quy mô lớn nhằm khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19.

Ngay sau khi nhậm chức, ông Biden đã công bố Kế hoạch giải cứu trị giá 1.900 tỷ USD và kêu gọi Quốc hội thông qua kế hoạch này trước khi những quyền lợi nhất định hết hạn vào 14/3, bởi đề xuất mới của ông bao gồm cả khoản chi cho các giải pháp phục hồi Covid-19 đã được thông qua trước đây dưới thời chính quyền Donald Trump.

Bất chấp sự chỉ trích từ đảng Cộng hòa về con số 1.900 tỷ USD và một số điều khoản của kế hoạch, Hạ viện đã thông qua kế hoạch này vào cuối tháng 2. Tại Thượng viện, dự luật cũng được thông qua dù không có sự ủng hộ của đảng Cộng hòa. Ông Biden ký ban hành kế hoạch này ngày 11/3.

Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, gã khổng lồ của ngành tài chính Mỹ, dự đoán, kế hoạch kích thích của ông Biden có thể dẫn đến sự tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nhanh nhất trong hàng chục năm.

Tư pháp hình sự

Sau cái chết của người đàn ông da màu George Floyd, ông Biden cam kết thành lập một ủy ban giám sát cảnh sát quốc gia trong 100 ngày đầu nhiệm kỳ nếu ông đắc cử.

Thực tế, đây là một cam kết mà ông Biden đã không theo đuổi đến cùng. Vài tuần trước thời điểm đánh dấu mốc 100 ngày đầu nhiệm kỳ, chính quyền của ông đã từ bỏ ý định thành lập một ủy ban như vậy và thay vào đó là tìm cách thông qua một dự luật cải cách ngành cảnh sát. Sau vụ một người đàn ông da màu khác bị cảnh sát bắn ở Mỹ, Giám đốc hội đồng chính sách đối nội của ông Biden, bà Susan Rice, đã ra tuyên bố thông báo về quyết định này.

"Dựa trên sự tham vấn chặt chẽ với các đối tác trong cộng đồng dân quyền, chính quyền đã đưa ra quyết định rằng ở thời điểm này, một ủy ban [giám sát] cảnh sát không phải là cách hiệu quả nhất để giải quyết những ưu tiên hành đầu của chúng tôi trong lĩnh vực này, mà thay vào đó là mục tiêu ký ban hành Đạo luật Công lý George Floyd", bà Rice cho biết trong tuyên bố.

Dự luật mang tên George Floyd đã được Hạ viện thông qua đầu tháng 3/2021, nhưng không chắc chắn sẽ qua được ải Thượng viện. Các nghị sỹ bảo thủ của đảng Cộng hòa lâu nay cho rằng dự luật do đảng Dân chủ đề xuất sẽ gây nguy hiểm cho các nhân viên thực thi pháp luật cũng như các cộng đồng dân cư.

Ý kiến của bạn