Tin tức

Cha mẹ già có nên cậy nhờ viện dưỡng lão

(VOVTV) - Vượt qua những e ngại cho rằng, gửi cha đau mẹ yếu vào viện dưỡng lão là bất hiếu, ngày càng nhiều gia đình lựa chọn đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão để các cụ được chăm sóc tận tình, sống vui khoẻ ở không gian chung của những người cao tuổi.

Tác giả Anh Văn / VOVTV
28/06/2021 19:21

"Tôi có hai đứa con trai, một đứa đã chuyển vào nam công tác, công việc của chúng nó suốt ngày bận rộn. Năm 2018, tôi được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường, dần dần sinh ra nhiều biến chứng. Cuối năm 2019, tôi rơi vào tình trạng hôn mê 3 ngày, sau đợt đó, sức khỏe giảm sút rõ rệt. Thương con ngược xuôi lo cho mẹ nên tôi bàn với các con đăng ký vào trung tâm chăm sóc người cao tuổi". 

Cha mẹ già có nên cậy nhờ viện dưỡng lão  - Ảnh 1.

Cụ Trương Thị Thanh đã ở tại trung tâm chăm sóc người cao tuổi được hơn 1 năm

Đó là chia sẻ của cụ Trương Thị Thanh, 83 tuổi, ở Hà Nội. Cụ từng là bác sĩ đa khoa tại Bệnh viện Việt Đức, rồi chuyển công tác vào thành phố Hồ Chí Minh và trở ra Hà Nội làm ở Ban Đối ngoại Trung ương. Đến năm 1990, sau khi về hưu, cụ dành thời gian giúp con cái làm việc nhà, trông nom cháu chắt. 

"Xung phong" vào trung tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi để ở, đến nay đã hơn một năm, cụ cảm thấy vui vẻ và thoải mái, con cái cũng có nhiều thời gian cho công việc và học hành hơn. Họ cũng không quên dành thời gian thường xuyên đến thăm cụ.

Cũng ở tuổi 80 "gần đất xa trời", cụ Nguyễn Mậu Hân mong muốn được hàng ngày ở cạnh con cháu, nhưng vì sức khỏe giảm sút, cụ Hân đã quyết định chọn trại dưỡng lão để thường xuyên được chăm sóc y tế, ổn định sức khỏe.

Cha mẹ già có nên cậy nhờ viện dưỡng lão  - Ảnh 2.

Cụ Nguyễn Mậu Hân (80 tuổi)

"Tôi chỉ có 2 người con gái, chúng đều đã yên bề gia thất. Mấy chục năm tuổi trẻ bôn ba khắp nơi với công việc kỹ sư cầu đường, đến nay với tôi như thế là mãn nguyện rồi. Từ khi vào đây, tôi cảm thấy rất thoải mái, ăn uống và vệ sinh thì có người chăm lo. Bên cạnh đó, tôi cũng kết bạn được với rất nhiều bạn bè ở trong viện, không còn buồn chán như ngày trước, suốt ngày ru rú trong nhà", cụ Hân nở nụ cười hiền hậu, cho biết.

Cả hai cụ đều đang ở tại cơ sở Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Bách Niên Thiên Đức tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Ngày gia đình Việt Nam năm nay tại đây diễn ra có phần tĩnh lặng hơn mọi năm do Trung tâm tạm dừng việc đón người nhà vào thăm. Tuy nhiên, lịch sinh hoạt của các cụ vẫn được duy trì cố định. Đúng 14h00, sau giấc nghỉ trưa, các cụ được đưa đến nhà sinh hoạt chung để ăn bữa phụ và xem ti vi.

Cha mẹ già có nên cậy nhờ viện dưỡng lão  - Ảnh 3.

Bữa ăn phụ tại trung tâm chăm sóc người cao tuổi diễn ra lúc 14h00 hàng ngày, sau giờ nghỉ trưa

'Báo hiếu không nhất thiết là phải tự tay cơm bưng nước rót cho cha mẹ' - Ảnh 2.

Các cụ được chăm sóc tận tình

Sau hơn 1 giờ đồng hồ xem ti vi và ăn bữa phụ, các cụ có sức khỏe yếu được đưa về phòng nghỉ ngơi, các cụ khỏe mạnh quây quần bên nhau trò chuyện vui vẻ, một số cụ khác thì tham gia bài tập trị liệu được nhân viên trung tâm lên lịch trước đó.

'Báo hiếu không nhất thiết là phải tự tay cơm bưng nước rót cho cha mẹ' - Ảnh 5.

Sau bữa ăn phụ, các cụ có sức khỏe yếu được nhân viên trung tâm đưa về phòng nghỉ ngơi

Những năm gần đây, ngày càng có nhiều gia đình chọn gửi cha mẹ già yếu, bệnh nền tới các viện dưỡng lão, trung tâm chăm sóc người cao tuổi để cha mẹ được chăm sóc y tế tốt hơn. Anh N.M.K (trú tại quận Mỹ Đình, Hà Nội) đã gửi mẹ vào Trung tâm chăm sóc Người cao tuổi Hà Nội (quận Thanh Xuân, Hà Nội) vào đầu năm 2021, bất chấp những lời gièm pha của họ hàng.

"Chỉ trong hoàn cảnh cụ thể mới biết đâu là điều tốt nhất dành cho đấng sinh thành của mình. Vậy nên đừng ai đánh giá chuyện con cháu gửi bố mẹ vào viện dưỡng lão bởi lựa chọn như thế nào là tùy vào điều kiện và hoàn cảnh của từng nhà", anh K tâm sự.

Gia đình anh K, người làm công ty phải đi công tác nhiều, người thì kinh doanh tự do giờ giấc không cố định. Sáng vội vã đi làm, tối về lại chuyện con cái học hành thành ra không có nhiều thời gian chăm sóc mẹ già như mong muốn. Chưa kể việc để mẹ anh ở nhà cả ngày một mình, mắc nhiều bệnh, xảy ra chuyện chẳng lành cũng không ai hay. May có trung tâm chăm sóc người già khá gần nhà nên anh thấy yên tâm hẳn, tuần vài lần vào thăm mẹ, bà thì vui khỏe bên các cụ khác mà anh chị cũng có nhiều thời gian hơn để làm việc, đảm bảo kinh tế cho cả nhà.

Phần lớn các trung tâm chăm sóc người cao tuổi hay viện dưỡng lão đều có lịch sinh hoạt và thăm khám, tập luyện phù hợp với các cụ.

'Báo hiếu không nhất thiết là phải tự tay cơm bưng nước rót cho cha mẹ' - Ảnh 6.

Một số cụ tham gia vật lý trị liệu, thể dục thể thao

'Báo hiếu không nhất thiết là phải tự tay cơm bưng nước rót cho cha mẹ' - Ảnh 7.

Phút giây thư giãn của các cụ

Anh Nguyễn Duy Long - Phó Giám đốc Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Bách Niên Thiên Đức cho rằng: "Báo hiếu trong giai đoạn hiện nay không giống như trước kia, con cái đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão không còn là bất hiếu mà đã và đang trở thành tất yếu đối với toàn xã hội. Đến với trung tâm chăm sóc người cao tuổi, các cụ không chỉ được chăm sóc tốt về mặt tinh thần mà còn cả về mặt thể chất với đội ngũ điều dưỡng viên có chuyên môn cao về chăm sóc người cao tuổi. Báo hiếu phải là mang đến cho cha mẹ mình cuộc sống đúng như các cụ mong muốn. Đó mới là một cách báo hiếu văn minh".

'Báo hiếu không nhất thiết là phải tự tay cơm bưng nước rót cho cha mẹ' - Ảnh 9.

Nhiều cụ chia sẻ cảm thấy rất vui vẻ và thoải mái khi sống ở viện dưỡng lão

Nhận định về vấn đề này, PGS, TS. Phạm Hương Trà - Phó trưởng Khoa Xã hội học và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên Truyền cho biết, xã hội ngày càng phát triển, nhịp độ cuộc sống nhanh hơn, nhiều người lớn tuổi phải đối mặt với các áp lực lớn như áp lực tâm lý với sự buồn chán, lủi thủi, cô đơn, không có người trò chuyện dù thường xuyên có con cái bên cạnh; áp lực về sức khỏe khi có nguy cơ mắc phải nhiều bệnh đột ngột do không được kiểm tra y tế thường xuyên nên rất khó để phát hiện bệnh kịp thời…

"Việc ủng hộ đưa cha mẹ vào sống trong trung tâm chăm sóc người cao tuổi hay không là do quan điểm và hoàn cảnh của mỗi người. Tuy nhiên, chúng ta cần khẳng định một điều rằng, dù các cụ ở nhà hay viện dưỡng lão thì con cái phải có trách nhiệm bảo đảm sức khỏe và đời sống vui vẻ cho đấng sinh thành", PGS, TS. Phạm Hương Trà chia sẻ thêm.

Ý kiến của bạn