Cha mẹ cần lắng nghe bác sĩ trước khi tiêm phòng Covid-19 cho trẻ
(VOVTV) - Trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đã mắc COVID-19 thì sau 3 tháng mới tiêm. Cha mẹ cần thông báo cho bác sĩ nếu trẻ có tiền sử bệnh tật, dị ứng, có bệnh mãn tính. Trẻ chưa thực sự khỏe mạnh thì chưa tiêm. Đây là khuyến cáo của các chuyên gia của Bộ Y tế tại buổi họp báo sáng nay 13/4 về việc tiêm phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Theo GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, hiện cả nước có 11,8 triệu trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi thuộc đối tượng tiêm vaccine phòng COVID-19, ước tính đến nay có khoảng 8,2 triệu trẻ trong số này chưa mắc COVID-19 và đây là số trẻ cần tiêm để bảo vệ trẻ trước đại dịch. Việc tiêm đủ 2 mũi cho trẻ đủ điều kiện sẽ cố gắng tiến hành đến cuối quý II/2022.
"Với quan điểm tiêm rộng nhất, nhanh nhất, nhiều nhất, đảm bảo an toàn, hiệu quả cũng như rà soát tất cả đối tượng, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người để đảm bảo tất cả mọi người chúng ta được tiêm chủng. Bởi vì đối với mỗi trẻ vẫn có các nguy cơ nhất định trong việc mắc nặng nhập viện và đặc biệt là bệnh viêm đa hệ thống, như vậy tiêm chủng sẽ giảm tối đa các nguy cơ" GS.TS Phan Trọng Lân chia sẻ.
TS. BS. Lê Kiến Ngãi, trưởng khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Nhi trung ương lưu ý đối với các phụ huynh học sinh cần theo dõi trẻ sau khi tiêm đặc biệt ở các mốc thời gian quan trọng là sau 30 phút, sau 24 giờ, 3 ngày, 1 tuần và 1 tháng sau khi tiêm.
TS Ngãi cũng cũng khuyến cáo, sau khi tiêm vaccine, cha mẹ tuyệt đối không cho con vận động mạnh, dừng các hoạt động liên quan đến thể chất. TS.BS. Lê Kiến Ngãi, Trưởng khoa Dự phòng và Kiểm soát nhiễm khuẩn cho biết, những tai biến sau tiêm cũng có một số tai biến biểu hiện như thay đổi về nhịp tim, nhịp tim nhanh, đau ngực, khó thở.
Về việc tại sao phải khuyến cáo trẻ tránh các hoạt động thể lực nặng, BS Ngãi cho biết, bởi vì nếu cho trẻ vận động thể lực nặng thì trẻ có thể sẽ khó thở hoặc do nhịp tim nhanh vậy sẽ khó cho việc theo dõi và đánh giá đâu là tình trạng phản ứng sau tiêm đâu là liên quan đến hoạt động thể lực. Đồng thời các hoạt động thể lực mà gắng sức cũng là hoạt động kích hoạt các phản ứng không mong muốn.
PGS.TS Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, có hai loại vaccine phòng COVID-19 tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi là vaccine Pfizer và vaccine Moderna. Khoảng cách giữa hai mũi tiêm là 4 tuần. Bộ Y tế yêu cầu chỉ tiêm 2 mũi duy nhất cùng loại vaccine, không tiêm trộn với bất kỳ vaccine mRNA nào.
Riêng đối với liều tiêm thì vaccine Pfizer có liều tiêm 02,ml, tiêm bắp; Vaccine Moderna tiêm bằng 1/2 liều cơ bản của người lớn (tương đương 0,25ml), giống như tiêm vaccine cho người lớn liều nhắc lại, tiêm bắp.
PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng khuyến cáo đối với phụ huynh học sinh cần đọc rõ xem mũi 1 của con mình đã tiêm là loại nào và thông báo cho cán bộ y tế. Để đảm bảo an toàn cho tiêm chủng, Chương trình tiêm chủng quốc gia đã tập cho các cán bộ y tế về công tác xử trí các phản ứng nặng sau tiêm chủng, đồng thời luôn lưu ý tư vấn cho phụ huynh, thầy cô giáo trong việc tổ chức tiêm chủng ở các trường học về việc theo doi con em mình sau tiêm."
Các chuyên gia y tế cũng cho biết, các biểu hiện thông thường sau tiêm sẽ giảm dần theo thời gian, tuy nhiên các phụ huynh cần lắng nghe nhân viên y tế tư vấn cụ thể về vaccine, về tiêm chủng đối với trẻ, tuân thủ việc để trẻ ở lại theo dõi ít nhất 30 phút sau khi tiêm, báo lại tình trạng sức khoẻ của con em mình cho nhân viên y tế theo từng thời điểm thời gian nếu có biểu hiện bất thường.
Dự kiến ngày mai 14/4, việc tiêm phòng Covid-19 cho trẻ sẽ diễn ra tại Quảng Ninh và tuần tới sẽ tiến hành tiêm vaccine đồng loạt cho trẻ trên toàn quốc. Việc tiêm sẽ tiến hành trước tiên đối với học sinh lớp 6, sau đó hạ thấp dần độ tuổi.