Tin tức

CDC Hà Nội: Tại sao đã qua đỉnh dịch nhưng số ca sốt xuất huyết vẫn tăng cao?

Năm nay, Hà Nội ghi nhận số mắc sốt xuất huyết cao hơn các năm trước. Đến nay, thành phố có 35.000 trường hợp mắc và 4 ca đã tử vong.

09/12/2023 14:43

Hiện nay đã là những tháng cuối của dịch sốt xuất huyết, tuy nhiên, số lượng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết trên địa bàn TP. Hà Nội vẫn ở mức cao, với nhiều trường hợp chuyển biến nặng. Ông Đào Hữu Thân - Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, cho biết qua theo dõi và giám sát, dịch sốt xuất huyết năm 2023 bắt đầu gia tăng từ tháng 6-7 và đạt đỉnh vào tháng 10-11.

Đến nay, số ca mắc đã có xu hướng giảm nhưng không đồng nghĩa với việc dịch đã đi qua. Mỗi tuần, Hà Nội vẫn ghi nhận khoảng 2.000 ca mắc.

CDC Hà Nội: Tại sao đã qua đỉnh dịch nhưng số ca sốt xuất huyết vẫn tăng cao?- Ảnh 1.

Kiểm tại ổ dịch, vẫn có nhiều người dân thờ ơ, trong nhà có bọ gậy vẫn không xử lý (Ảnh: CDC Hà Nội)

PV: Ông đánh giá diễn biến dịch sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội hiện nay như thế nào?

Ông Đào Hữu Thân: Đến nay, thành phố đã ghi nhận hơn 37.000 ca mắc sốt xuất huyết và 4 ca tử vong. Tất cả các quận huyện trên địa bàn thành phố đều có ca mắc sốt xuất huyết, trong đó, ca mắc tập trung nhiều ở các quận nội thành và các quận huyện ven nội như Hoàng Mai, Đống Đa. Đặc biệt là khu vực tiếp giáp, bắt đầu vào đô thị như Đan Phượng, Hoài Đức, Thạch Thất, Thường Tín, Phú Xuyên… Đây là các khu vực có điều kiện vệ sinh môi trường phức tạp, ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết cao so với các địa bàn khác của thành phố.

Hiện nay, kết quả giám sát cho thấy, mỗi tuần vẫn ghi nhận khoảng 2.000 trường hợp và đây là con số rất cao so với mọi năm. Ổ dịch vẫn ghi nhận nhiều bệnh nhân và chúng tôi đánh giá vẫn tình hình rất nghiêm trọng, với số mắc cao. Vì vậy, người dân không thể chủ quan, nghĩ rằng đã qua đỉnh dịch mà lơ là các biện pháp phòng bệnh, có thể khiến tình hình dịch phức tạp hơn.

PV: Vậy tại sao đã qua đỉnh dịch, nhưng số ca sốt xuất huyết vẫn tăng cao?

Ông Đào Hữu Thân: Thời điểm sốt xuất huyết căng thẳng nhất là trong tháng 10, với số ca mắc cao nhất, thành phố đã tổ chức Tháng cao điểm phòng, chống dịch, vệ sinh môi trường và diệt bọ gậy… Các quận, huyện, thị xã cũng đã bố trí các nguồn lực, hoá chất, máy phun và tổ chức tuyên truyền phòng, chống dịch.

Sốt xuất huyết rất nguy hiểm và có thể dẫn tới tử vong. Hiện nay, trên thế giới chưa có biện pháp nào hiệu quả để giảm số các mắc triệt để. Nhiều bệnh truyền nhiễm khác có vaccine, nhưng sốt xuất huyết chưa có vaccine tại Việt Nam. Việc phòng, chống dịch phụ thuộc vào ý thức của người dân. Thực tế, đi kiểm tại ổ dịch, vẫn có nhiều người dân thờ ơ, trong nhà có bọ gậy vẫn không xử lý.

Bên cạnh đó, nhiều người dân dù sốt cao nhưng vẫn chủ quan, không đi khám và điều trị tại bệnh viện. Nhiều trường hợp tự điều trị tại nhà cho đến khi có nguy cơ xuất huyết mới tới bệnh viện. Khi đó cứu chữa rất khó khăn, dẫn đến những trường hợp tử vong đáng tiếc trên địa bàn, đồng thời gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch.

Sốt xuất huyết cũng là bệnh gia tăng cùng với đô thị hóa. Rác do người dân thải ra xung quanh nhà như vỏ lon, thùng, chậu… là môi trường thuận lợi cho muỗi sinh trưởng. Tại Hà Nội, điều kiện sống tập trung, đông đúc và điều kiện môi trường có nhiều yếu tố thuận lợi cho muỗi phát triển.

Từ đầu năm 2023, CDC đã xác định sốt xuất là dịch bệnh nguy cơ và là một trong những bệnh truyền nhiễm ảnh hưởng nhiều nhất đến sức khoẻ cộng đồng. Theo đó, CDC đã tổ chức hướng dẫn chuyên môn phòng, chống dịch cho các đơn vị trên địa bàn, đồng thời, tổ chức giám sát và xử lý các ổ dịch kịp thời.

CDC Hà Nội: Tại sao đã qua đỉnh dịch nhưng số ca sốt xuất huyết vẫn tăng cao?- Ảnh 2.

Ông Đào Hữu Thân - Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội

PV: CDC có khuyến cáo cụ thể gì để người dân phòng, chống dịch sốt xuất huyết?

Ông Đào Hữu Thân: Về phía người dân, chúng tôi khuyến cáo là chủ động vệ sinh môi trường, thu gom phế thải xung quanh nhà. Không xả rác bừa bãi để hạn chế môi trường sinh trưởng của muỗi, thả cá vào bể chứa để ăn bọ gậy. Khi ngành y tế và chính quyền tổ chức biện pháp chống dịch trên địa bàn thì người dân phải tham gia, hưởng ứng bằng cách tự kiểm tra trong gia đình mình. Phối hợp để xử lý cùng chính quyền, mở cửa, che chắn dụng cụ trong nhà để ngành y tế phun hóa chất.

Nếu không may bị bệnh, có biểu hiện sốt cao, đau đầu nhức mỏi, cơ thể nghi sốt xuất huyết, người dân phải khai báo cho trạm y tế, đến bệnh viện gần nhất để khám chữa bệnh thay vì tự ý điều trị tại nhà.

Nếu không may mắn thì bị thể nặng, thời gian điều trị kéo dài và thậm chí có thể gây di chứng hoặc tử vong. Hậu quả rất lớn nên chúng ta cần chủ động phòng chống bệnh cho bản thân và gia đình.

Ngay trong giai đoạn hiện nay, khi số bệnh nhân đã giảm ở một số khu vực, nhưng mức độ giảm thấp. Trên địa bàn Hà Nội ghi nhận cả 4 tuýp sốt xuất huyết lưu hành và đan xen. Người dân có thể bị nhiều lần sốt xuất huyết và bị lần sau thường nặng hơn lần trước, với biến chứng và nguy cơ tử vong cao hơn.

Đây là đặc điểm rất nguy hiểm của sốt xuất huyết. Do vậy, người dân khi mắc sốt xuất huyết phải đến bệnh viện sớm để theo dõi và điều trị, tránh những tai biến không lường trước được.

Miền Bắc đã vào mùa Đông, nhưng ghi nhận điều kiện thời tiết lạnh xen kẽ trời nắng là điều kiện thuận lợi để phát triển virus gây bệnh đường hô hấp. Đặc biệt, mùa Đông Xuân dễ xuất hiện những chùm ca bệnh truyền nhiễm như cúm, thủy đậu hay COVID-19; ngoài ra bệnh sởi, ho gà, bạch hầu… có thể bùng phát trên địa bàn.

Đa số các bệnh truyền nhiễm này đã có vaccine, do vậy, khuyến cáo các gia đình đưa trẻ nhỏ trong độ tuổi tiêm chủng, đặc biệt từ 1-5 tuổi, đi tiêm chủng đúng lịch. Người lớn cũng có thể tiêm chủng vaccine cúm, vaccine thủy đậu, ho gà… Đồng thời đảm bảo vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang ở nơi đông người…

PV: Xin cám ơn ông!

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội thông kế được hơn 1.700 ca mắc sốt xuất huyết trong tuần qua, giảm khoảng một nửa so với những tuần trước.

Hiện còn 88 ổ dịch sốt xuất huyết tại 19 quận, huyện, thị xã. Các khu vực ghi nhận nhiều bệnh nhân trong tuần qua là Hà Đông - 180 ca, Thanh Oai - 161 ca, Phú Xuyên 134 - ca, Hoàng Mai - 109 ca và Đống Đa - 70 ca...

CDC đánh giá số ca mắc sốt xuất huyết có xu hướng giảm trong 4 tuần gần đây, vì thời tiết lạnh hơn với mức nhiệt độ không thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển.

Ý kiến của bạn