Cậu Vàng: Dễ đi xem nhưng khó đi vào lòng người!
(VOVTV) - Ngày 8/1, bộ phim điện ảnh Cậu Vàng đã chính thức ra mắt trong sự trông ngóng của công chúng. Nhưng trái ngược với kỳ vọng của người xem, bộ phim Cậu Vàng đã để lại nhiều hụt hẫng.
Bài viết có tiết lộ một vài chi tiết bộ phim. Cân nhắc kỹ trước khi đọc.
Cậu Vàng là một trong những bộ phim được mong chờ nhất đầu năm 2021 của điện ảnh Việt. Được lấy cảm hứng chủ đạo từ tác phẩm văn học Lão Hạc cùng sự xuất hiện của các nhân vật khác trong truyện ngắn Chí Phèo của nhà văn Nam Cao, Cậu Vàng phải gánh trên vai trọng trách truyền tải được giá trị nhân văn sâu sắc mà tác giả gửi gắm qua các nhân vật trong truyện.
Với những sự cải biên sáng tạo, Cậu Vàng đã thay đổi màu sắc ảm đạm của câu chuyện để mang tới một cái kết có hậu hơn. Tuy nhiên, với sự cải biên quá nhiều đã khiến Cậu Vàng xa rời nguyên tác, đánh mất đi nhiều chi tiết đặc sắc, khiến nhiều giá trị nguyên gốc không được khai thác sâu.
Cái chết của Lão Hạc không được miêu tả chi tiết
Trong tác phẩm văn học của mình, Nam Cao đã miêu tả chi tiết cái chết của Lão Hạc sau khi ăn bả chó để tự tử. Giây phút đó, Lão Hạc đang còn "vật vã trên giường, ầu tóc rũ rượi, quần áo xộc xệch, hai mắt long sòng sọc", "bọt mép sùi ra, khắp người chốc chốc lại bị giật mạnh một cái, giật nẩy lên". Đây chính là một cái chết "dữ dội" theo đúng những gì Nam Cao nhận xét.
Nhưng giữa rất nhiều cách để tự kết thúc cuộc đời mình, Lão Hạc lại chọn cách "đớn đau" này bởi lão muốn trải qua những gì mà Cậu Vàng từng trải, như một cách để "tạ tội". Cái chết tuy đau đớn về thể xác nhưng lại đem tới cho tâm hồn lão sự thanh thản. Hình ảnh cái chết của Lão Hạc trong ngòi bút của Nam Cao đã để lại trong lòng người đọc nhiều day dứt.
Tuy nhiên, bộ phim Cậu Vàng chưa lột tả rõ được cái chết của Lão, những gì ta thấy được chỉ là cái nằm xuống nhẹ nhàng. Điều đó không đem lại ý nghĩa sâu sắc giống như nhà văn Nam Cao đã viết trong truyện. Có thể là do nhà sản xuất phim không muốn đem tới những hình ảnh quá "rùng rợn", gây ám ảnh cho người xem nhưng lật lại tình tiết trước của bộ phim, cảnh cái chết của Binh Tư cũng được quay cận đến "đáng sợ". Vậy chẳng có lý do gì để không lấy quay cụ thể cái chết của Lão Hạc. Được biết, bộ phim có giới hạn độ tuổi: 16+.
"Thật ra thì lão chỉ tâm ngẩm thế, nhưng cũng ra phết chứ chả vừa đâu"
Câu nói trên là của Binh Tư nói với ông Giáo sau khi Lão Hạc đến xin hắn ít bả chó với lý do muốn "xơi" con chó hay đến vườn nhà để phá. Sau khi nghe Binh Tư nói, ông Giáo phải cảm thán đầy bất ngờ và xót xa trong lòng: "Con người đáng kính ấy bây giờ cũng theo gót Binh Tư để có ăn ư?".
Những câu nói của nhân vật Binh Tư hay ông Giáo đều nêu lên suy nghĩ bình thường của con người, là khi bị dồn đến đường cùng, ta thường sẽ làm mọi cách để có được sự sống, cho dù có đi ngược lại đạo đức. Nhưng cũng chính những câu nói, những suy nghĩ trên lại càng khắc họa nên được nét tính cách trong Lão Hạc, khi miếng bả chó đó không phải là cho một con chó mà là cho chính bản thân lão.
Nhưng Binh Tư trong phim Cậu Vàng đã chết trước Lão Hạc làm cho tình tiết đặc sắc như vậy không được xuất hiện, khiến tác phẩm điện ảnh này mất đi một phần ý nghĩa.
Chẳng có những lời gửi gắm thân tình, xót xa của Lão Hạc
Đọc Lão Hạc của Nam Cao, người ta không thể không xúc động trước cuộc đối thoại giữa người cha già nghèo khó với ông Giáo. Cuộc đối thoại chẳng khác nào "di thư" của lão để lại. Lão Hạc chẳng cần gì cả, chỉ cần giữ được mảnh vườn cho con trai và có tiền lo ma chay cho mình sau khi chết đi, để khỏi phải làm phiền làng xóm. Từng câu của Lão Hạc nói ra như chứa đựng toàn bộ tâm tư, tình cảm và làm ngời sáng lên nhân cách tuyệt vời của một người nông dân nghèo khó đến cùng cực trong xã hội Việt Nam xưa.
Nhưng sự trông ngóng đoạn đối thoại ý nghĩa này của công chúng đã gần như không còn xuất hiện trong bộ phim Cậu Vàng. Tất cả những gì mà người xem thấy được chỉ là một, hai câu dặn dò đơn giản chưa quá 1 phút của Lão Hạc với bà Giáo.
Ông Giáo biến mất cho đến cuối phim
Khác với nguyên tác của tác phẩm, Cậu Vàng đã đem tới một cái kết có hậu hơn khi người con trai trở về và Cậu Vàng vẫn còn sống. Thế nhưng, những nhà sản xuất phim lại để quên mất ông Giáo. Sau khi ông Giáo bị con trai Bá Kiến là Lý Cường vu oan và bị bắt thì cho đến cuối phim, ta chẳng còn thấy ông Giáo đâu nữa rồi.
Bộ phim đem tới cái kết đẹp nhưng lại không "không công bằng" đối với ông Giáo và bà Giáo. Đặc biệt là lời tâm tình chân thành của ông Giáo sau khi Lão Hạc chết được nhà văn Nam Cao viết trong tác phẩm cũng không hề xuất hiện: "Tôi sẽ cố giữ gìn cho lão. Ðến khi con trai lão về, tôi sẽ trao lại cho hắn và bảo hắn: 'Ðây là cái vườn mà ông cụ thân sinh ra anh đã cố để lại cho anh trọn vẹn: Cụ thà chết chứ không chịu bán đi một sào...'."
Chí Phèo biết phải làm sao?
Bộ phim Cậu Vàng không có sự xuất hiện của Chí Phèo nhưng những nhân vật khác như Bá Kiến, Lý Cường và bà Ba trong tác phẩm cùng tên này đều đã hiện diện như một điểm độc đáo mà nhà làm phim đem lại.
Nhưng xem xong, không ít khán giả sẽ lo lắng cho Chí Phèo, liệu có còn một Chí Phèo, một con "quỷ dữ" của Làng Vũ Đại hay không?
Bởi bà Ba, vợ của Bá Kiến chính là tác nhân khiến Chí Phèo phải vào tù, tạo nên bước ngoặt cuộc đời khiến anh Chí từ một người nông dân hiền lành biến thành tên "đầu trộm, đuôi cướp", thì nay đã là một người phụ nữ hiền lành, tốt bụng và đáng thương. Nhưng có lẽ, nếu không có bà Ba thì cũng có nhiều cách để Bá Kiến đưa Chí Phèo vô tù. Ấy vậy mà cuối phim, Lý Cường chết còn Bá Kiến thì bị điên và cuối đời tay trắng.
"Ác giả, ác báo" chính là ý nghĩa đầy tính nhân văn mà nhà sản xuất muốn gửi gắm cho người xem. Nhưng họ lại vô tình quên mất nhân vật Chí Phèo "kinh điển" của văn học Việt Nam sẽ ra sao nếu không còn Bá Kiến?
Tin nổi bật
Tin Video