Cầu thủ Việt xuất ngoại: Đặng Văn Lâm và mặt trái của sự thành công
Trong số những cầu thủ Việt xuất ngoại, Đặng Văn Lâm là cầu thủ hiếm hoi tạo dấu ấn về chuyên môn.
Cùng với các nước trong khu vực Đông Nam Á, bóng đá Việt Nam dần chuyển mình trong những năm qua khi tần suất cầu thủ xuất ngoại ngày càng nhiều. Cách đây khoảng 5 năm về trước, chỉ xuất hiện lác đác một vài cầu thủ ra nước ngoài thi đấu thì 5 năm trở lại đây, xu hướng dần chuyển dịch theo “làn sóng”.
Hầu như mọi năm, luôn có các cầu thủ Việt tìm thử thách mới ở xứ người. Đó có thể xem là thành công của bóng đá Việt khi chúng ta không còn nép mình trong khuôn khổ quốc nội.
Đến với các môi trường bóng đá đỉnh cao như Bỉ, Hà Lan hay các nền bóng đá phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản,… các cầu thủ thu về những kinh nghiệm nhất định. Những trải nghiệm này mang đến sự khác biệt so với đồng nghiệp. Tất nhiên, một trong những yếu tố đó là học hỏi về tính chuyên nghiệp trong cách vận hành một CLB ở các đội bóng nước ngoài.
Thế nên, dù không tạo nhiều dấu ấn về chuyên môn song giới mộ điệu nhận định “ra nước ngoài, không bổ ngang cũng bổ dọc”.
Tuy nhiên, mấu chốt nhất nằm ở yếu tố chuyên môn, cầu thủ Việt bị cho là thất bại; thậm chí là không có quá nhiều dấu ấn. Trước thời điểm 2015, hai cầu thủ đình đám của bóng đá Việt xuất ngoại là Lê Huỳnh Đức và Lê Công Vinh. Song, chỉ có tiền đạo xứ Nghệ phần nào “được chơi bóng” ở xứ người.
Năm 2009, Công Vinh được Hà Nội T&T cho Leixoes mượn ba tháng, thi đấu ở giải vô địch Bồ Đào Nha. Ngày 4/10, anh đá trọn 90 phút trong trận đấu Uniao de Leiria và trở thành cầu thủ Việt Nam đầu tiên chơi ở giải hạng cao nhất tại châu Âu. Vinh ghi một bàn trong ba trận trên mọi đấu trường cho Leixoes.
Bốn năm sau, Công Vinh lại xuất ngoại để sang Nhật Bản, đầu quân cho Consadole Sapporo ở J.League 2. Anh chơi 9 trận, ghi hai bàn ở J.League 2 và Cúp Hoàng đế Nhật Bản. Trong khi đó, Lê Huỳnh Đức đầu quân cho Chongqing Lifan (Trung Quốc) vào năm 2001. Một thương vụ mà giới chuyên môn cho rằng, nặng về tính thương mại. Huỳnh Đức chỉ chơi 4 trận, ghi 1 bàn và trở về nước.
Đó cũng là thời điểm mà bóng đá Việt Nam còn đang “khép nép” để cầu thủ ra nước ngoài thi đấu. Từ năm 2016, trào lưu xuất ngoại phát triển rầm rộ. Bầu Đức cùng lúc để Công Phượng, Tuấn Anh và Xuân Trường sang Nhật Bản, Hàn Quốc. Thế nhưng, cả ba đều không chứng tỏ về chuyên môn, rời xứ người “không kèn không trống”.
Tuấn Anh không đá một phút nào cho Yokohama FC ở J.League 2. Công Phượng chỉ đá tổng cộng 80 phút trong suốt mùa giải cho Mito Hollyhock còn Xuân Trường thi đấu bốn trận cho Gangwon ở giải VĐQG Hàn Quốc, không ghi bàn thắng nào.
Cả ba trở về HAGL để tìm giấc mơ xuất ngoại mới sau đó. Thế nhưng, cả Xuân Trường lẫn Công Phượng đều thất bại, xét về yếu tố chuyên môn. Trường “híp” đi Incheon rồi Buriram còn Công Phượng sang Incheon rồi Sint-Truiden (Bỉ). Các chuyến đi đều chỉ mang tính học hỏi.
Nicky Hayen, trợ lý HLV của Sint-Truiden từng nói: “Bóng đá ở Bỉ đòi hỏi mọi cầu thủ phải tích cực trên sân, ngay cả khi mất bóng. Phượng không quen điều này khi còn ở Việt Nam. Cậu ấy chỉ quen tấn công mà không nghĩ đến nhiệm vụ phòng ngự”.
Đến năm 2019, tất cả kỳ vọng vào chuyến xuất ngoại của Văn Hậu sang Hà Lan. Song, ở Heerenveen, hậu vệ quê Thái Bình chỉ ra sân đúng 4 phút. Anh trở về Việt Nam và vẫn gặp khó khăn trong hơn 1 năm qua về chấn thương gặp phải.
“Trợ lý của tôi cũng biết Văn Hậu và nói rằng cậu ấy chưa đủ tốt để khoác áo Adelaide United. Tôi cũng nhận ra cậu ấy không đủ trình độ thi đấu cho Heerenveen ở giải Hà Lan. Nếu gia nhập đội bóng của chúng tôi, Hậu cũng không được chọn”, cựu HLV Heerenveen, Gertjan Verbeek nêu quan điểm thẳng thắn về Văn Hậu.
Trong số các cầu thủ Việt xuất ngoại, Đặng Văn Lâm là cái tên có dấu ấn đậm nét về chuyên môn. Anh là trụ cột của Muang Thong ở Thai.League 1 2019. Thủ thành Việt kiều này tạo được sự ấn tượng với Cerezo Osaka, để rồi, CLB của Nhật Bản chiêu mộ thành công. Văn Lâm trở thành cầu thủ Việt đầu tiên thi đấu ở J.League 1.
Theo tìm hiểu, ngoài thương vụ Đặng Văn Lâm theo dạng mua bán, các thương vụ còn lại là mượn hoặc “gửi gắm”. Rõ ràng, cầu thủ Việt vẫn còn một khoảng cách nhất định để thuyết phục các CLB đến từ những nền bóng đá phát triển rút hầu bao mua về. Những thương vụ theo dạng “quen biết” đặt ra dấu hỏi cho làn sóng xuất ngoại của bóng đá Việt Nam.
Mới đây, CLB Sài Gòn thông báo, họ gửi hai cầu thủ Cao Văn Triền và Trần Danh Trung sang CLB Ryukyu (Nhật Bản). Đội bóng này đang thi đấu ở J.League 2. Ở mùa giải 2020, Ryukyu xếp thứ 16/22 đội ở BXH J.League 2.
Tin nổi bật
Tin Video