Cầu Long Biên quá yếu, đề xuất xây cầu đường sắt mới vượt sông Hồng
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, hiện cầu Long Biên - Hà Nội đã quá yếu, không thể thực hiện kết nối vận tải. Việc đầu tư xây dựng cầu đường sắt mới vượt sông Hồng là vấn đề cấp thiết.
Gián đoạn vận tải vì cầu Long Biên quá yếu
Long Biên là cầu huyết mạch, con đường ngắn nhất kết nối các tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lạng Sơn với đường sắt quốc gia đi xuyên tâm nội đô Hà Nội. Tuy nhiên, cầu Long Biên đang xuống cấp nghiêm trọng.
Hiện nay, hàng hóa từ tuyến phía Đông đi tuyến phía Nam (Hà Nội - TPHCM) phải đi đường vòng vành đai phía Tây (cầu Thăng Long). Theo đó, hành trình vận chuyển từ Gia Lâm - Yên Viên - Đông Anh - Bắc Hồng - cầu Thăng Long - Hà Đông - Văn Điển và về ga lập tàu là Giáp Bát. Quãng đường đi vòng này khiến hành trình các đoàn tàu phải kéo dài thêm 60 km.
Hàng hóa từ tuyến phía Nam ngược ra cũng phải đi theo tuyến đường sắt vành đai phía Tây để lên các tuyến biên giới. Vì vậy, nếu đoàn tàu đi từ Hà Nội tới Lào Cai sẽ xa thêm 40 km, còn đi Hà Nội - Lạng Sơn xa thêm 50 km.
Theo tính toán của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), việc các tuyến đường sắt di chuyển theo tuyến vành đai phía Tây sẽ "đội" chi phí rất lớn, nhưng không còn cách nào khác bởi ở Hà Nội ngoài cầu Long Biên thì chỉ có cầu Thăng Long là cầu đường sắt vượt sông Hồng.
Lãnh đạo VNR cho biết rất cần xây dựng cầu đường sắt mới vượt sông Hồng, để kết nối các tuyến đường sắt quốc gia phía Đông, phía Bắc với các tuyến phía Nam, rút ngắn quãng đường và không phải đi qua tuyến đường sắt xuyên tâm Hà Nội.
Xây cầu đường sắt mới gần cầu Thanh Trì
Trên thực tế, từ những năm 2013 - 2014, yêu cầu về việc bảo tồn cây cầu Long Biên hơn 100 tuổi đã được đặt ra cấp thiết.
Cụ thể, cuối tháng 10/2013, UBND TP Hà Nội có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề nghị chỉ đạo chủ đầu tư là VNR nghiên cứu phương án vị trí cầu đường sắt vượt sông Hồng trùng với cầu Long Biên hiện có, hướng tuyến 2 đầu cầu trùng với hướng tuyến đường sắt hiện có và xây dựng cầu đường sắt cho dự án đường sắt đô thị số 1 đồng bộ với dự án tôn tạo cầu Long Biên.
Qua khảo sát, nghiên cứu và đánh giá tổng thể, Bộ GTVT đưa ra phương án vị trí cầu vượt sông Hồng thuộc Dự án Xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1) Yên Viên - Ngọc Hồi, giai đoạn một. Cầu Long Biên sẽ được di dời về phía thượng lưu, đồng thời xây dựng cầu đường sắt mới vượt sông Hồng trên tim cầu cũ. Dự kiến, dự án sẽ tiêu tốn 867 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng và 7.982 tỷ đồng xây dựng cầu mới.
Trong hệ thống Dự án Xây dựng đường sắt đô thị Yên Viên - Ngọc Hồi cũng đã tính toán, cầu đường sắt mới vượt sông Hồng được xây dựng cách cầu Long Biên khoảng 75 m về thượng lưu, không sử dụng cầu Long Biên để vận tải đường sắt. Tuy nhiên, trong 7 năm qua, mọi việc vẫn chưa có diễn biến mới, còn dự án đường sắt đô thị này cũng đang "bất động".
Mới đây, Cục Đường sắt Việt Nam đã trình Bộ GTVT dự thảo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Trong quy hoạch này, Cục Đường sắt nêu phương án không sử dụng cầu Long Biên để kết nối đường sắt quốc gia, sẽ xây dựng tuyến đường sắt vành đai phía Đông Hà Nội theo hướng Ngọc Hồi - Lạc Đạo - Yên Viên - Bắc Hồng, trong đó có đoạn từ Ngọc Hồi (tuyến phía Nam) đến Lạc Đạo (tuyến phía Đông).
Theo Cục Đường sắt Việt Nam, kết nối giữa hai ga nói trên sẽ có cầu đường sắt mới gần vị trí cầu Thanh Trì, khi hoàn thành tuyến vành đai phía Đông sẽ thay thế toàn bộ đoạn tuyến qua cầu Long Biên hiện có.
Cục Đường sắt đề xuất ưu tiên bố trí vốn để đầu tư xây dựng tuyến vành đai phía Đông trong giai đoạn 2021 - 2030, với nhu cầu vốn khoảng 8.100 tỷ đồng. Sau khi quy hoạch mạng lưới và đề xuất này được phê duyệt, đến giai đoạn lập quy hoạch chi tiết mới xác định chi tiết vị trí cầu đường sắt mới và lập dự án đầu tư.
Tin nổi bật
Tin Video