Câu chuyện nhân văn khi bắt sống “Vua chiến trường”
(VOVTV) - Tháng 3/1972, bộ đội ta tiến công Quảng Trị. Trung đoàn Pháo binh 38 Bông Lau được giao nhiệm vụ chi viện cho Sư đoàn 304, tấn công ở hướng chủ yếu, theo đường số 9 từ hướng Tây xuống Đông Hà. Mục tiêu đầu tiên là đánh cụm điểm tựa kiên cố do Trung đoàn 56, Sư đoàn 3 địch đóng giữ, được trang bị 4 khẩu vua chiến trường – niềm kiêu hãnh của quân đội địch.
Nhớ lại trận đánh có một không hai này, ông Phan Đăng Thìn, nguyên đại tá Tổng biên tập Tạp chí Khoa học Quân sự, lúc đó là trinh sát pháo binh của Trung đoàn Bông Lau kể: “Sau khi các cánh quân của ta đã ém vào chỗ, 4 giờ sáng 30/3/1972, tôi cùng chủ nhiệm trinh sát Nguyễn Văn Hiếu và ông Hồ Văn Duyệt – sĩ quan Trường Pháo binh, ông Trần Thông – Trung đoàn phó bí mật lên đài quan sát được gọi là Sao Mai nằm sát căn cứ 241, dùng khí tài quang học theo dõi. Bọn thám báo phát hiện và 2 tiếng đồng hồ giã pháo lên lưng anh em tôi. Hút chết, may mà không sao”.
10h55 ngày 30/3/1972, giờ G bắt đầu, mở màn chiến dịch tấn công giải phóng Quảng Trị. Sau tiếng gầm rít của đạn pháo ta, đài quan sát “Sao Mai” báo về: “Căn cứ 241, đạn trúng mục tiêu, kho đạn nổ…”. Pháo ta cấp tập nổ rền đến 18 giờ ngày 30/3. Những ngày tiếp sau đó, ta tiếp tục bắn gấp, bắn cầm canh. Với cách bắn đó, pháo địch gần như hoàn toàn im bặt. Đài quan sát như con mắt thần ngày đêm chỉnh cho pháo bắn rất trúng.
Lần lượt các cứ điểm Đầu Mẫu, Ba Hồ, Đông Toàn bị tiêu diệt.
Lúc 14h ngày 1/4, trinh sát viên ở đài quan sát pháo binh phát hiện ở 241 địch có hiện tượng muốn rút chạy. Không chậm trễ, Trung đoàn phó Trần Thông trao đổi với ông Hồ Văn Duyệt và đề nghị với Trung đoàn trưởng cho tập trung hỏa lực toàn trung đoàn và sử dụng cả hai giàn hỏa tiễn của Sư đoàn 304 đồng loạt bắn vào 241.
Năm phút cấp tập tạo thành 1 đòn sấm sét giáng xuống căn cứ 241 buộc địch phải từ bỏ ý địch rút chạy và cũng chính đòn hỏa lực mãnh liệt này đã đập tan ý chí chống cự của địch ở 241. Bước sang ngày 2/4, ngày đen tối nhất của Trung đoàn 56 và Lữ đoàn 147 Thủy quân lục chiến địch. Bị triệt đường tiếp tế cả đường không lẫn đường bộ, binh lính thương vong không chuyển đi được, lương thực cạn kiệt, tinh thần hoang mang cực độ.
Pháo binh của ta vẫn không ngớt bắn phá. Trung đoàn Bộ binh 24 đã ém vào vị trí xuất phát tấn công và được lệnh tấn công vào căn cứ 241 sớm hơn dự định. Như vậy là số phận của sĩ quan và binh lính ở căn cứ 241 đã được định đoạt: Đầu hàng hay là bị tiêu diệt. Và trung tá Phạm Văn Đính, niềm tự hào của quân lực VNCH, chỉ huy Trung đoàn 56 đã quyết định đầu hàng để cứu sinh mạng của sỹ quan, binh lính thuộc quyền. Đó là một quyết định khôn ngoan thức thời.
Thỏa thuận là địch sẽ nộp lại toàn bộ nhân lực khí tài, ta sẽ bảo vệ sinh mạng cho họ và các thương binh. Một lá cờ trắng to tướng được giơ lên. Binh sĩ căn cứ 241 lần lượt lên khỏi công sự, ban đầu còn lẻ tẻ dè dặt nhưng rồi mỗi lúc một nhiều và không còn vẻ sợ như ban đầu nữa.
Đồng chí Trung đoàn phó Trần Thông nhớ lại: “13h10 rồi 13h20, chúng tôi đứng trên đài quan sát thấy binh lính địch xuất hiện, đi lại trên mặt đất và mấy phút sau đã xếp hàng đi ra cổng phía tây. Bỗng nhiên xuất hiện 2 trực thăng loại nhỏ, chúng bay rất thấp dọc theo đường số 9 và đột ngột nâng độ cao lên bay thẳng vào vùng trời 241. Hai thang dây từ 2 trực thăng được buông xuống, xuất hiện từ dưới 2 tên Mỹ vội vã bám leo lên. Một tình huống xảy ra quá bất ngờ và chỉ trong mấy giây. Tất cả anh em đến sững sờ.
Ở đài quan sát có ai đó hô lên: “Nó bốc mất 2 thằng Mỹ rồi, đề nghị cho bắn”. Tôi suy nghĩ nhanh rồi đưa tay ra hiệu giữ trật tự và ra lệnh: “Không được bắn”. Quay về phía sư đoàn phó Duy Sơn, lúc này cũng đang có mặt ở đài quan sát pháo binh, tôi thấy anh gật đầu đồng tình với xử trí của tôi.”
Sau nhiều năm sau, nhớ lại trận đánh ông Trần Thông kể lại: “Trận đánh này có một kỷ niệm đặc biệt. Đêm cuối cùng, khi tôi trực ở trên đài quan sát, qua vô tuyến điện đài của ta và địch vẫn bắt lẫn của nhau được, bỗng có một giọng sĩ quan địch xin được nghe một bài thơ của “Việt Cộng”. Anh em nhìn nhau bất ngờ giây lát và qua làn sóng vô tuyến tôi đã đọc cho anh ta bài “Quê hương” của Giang Nam:
Xưa yêu quê hương vì có chim, có bướm
Có những ngày trốn học bị đòn roi
Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất
Có một phần xương thịt của em tôi.
Hôm sau đến khi đầu hàng, gặp gỡ, Phạm Văn Đính hỏi: “Đêm qua ai là người đã đọc cho tôi bài “Quê hương”? Tôi đã nói cho anh ta biết mình là người đọc cho Đính nghe bài thơ đó... Tôi nhớ lúc đó thấy 2 trung tá VNCH có vẻ mệt mỏi, thất thểu nên lấy một bình tông nước (gạo rang) đưa cho Đính. Anh ta uống một hơi, rồi đưa lại cho người phó của mình là trung tá Vĩnh Phong nói đặc giọng Huế: "Nề, uống đi, nước của các anh giải phóng ngon lắm”.
Nhớ lại những ký ức cũ, ông Thông trầm ngâm kể: “Trong chuyện này có hai vấn đề rất nhân văn, thứ nhất là pháo ta đã không bắn khi trực thăng cứu cố vấn Mỹ vì hàng nghìn sinh mạng cho dù đó là lính địch; thứ hai là tuy bị “bức hàng” nhưng trung tá Đính vẫn được giữ nguyên quân hàm và tiếp tục làm việc cho chúng ta”.
(Ghi theo lời kể của Đại tá Phan Đăng Thìn)
Tin nổi bật
Tin Video