Tin tức

Cắt giảm 50% kinh phí hội nghị để bổ sung nguồn chống dịch COVID-19

(VOVTV) - Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2021, Chính phủ thống nhất cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021 để bổ sung nguồn phòng, chống dịch COVID-19, tăng đầu tư phát triển và nhiệm vụ an ninh, quốc phòng cần thiết.

09/06/2021 08:52
Cắt giảm 50% kinh phí hội nghị để bổ sung nguồn chống dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ tháng 5/2021

Cụ thể, Chính phủ thống nhất với đề nghị của Bộ Tài chính tại văn bản số 103/TTr-BTC ngày 2/6/2021 về cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương (trừ các hoạt động quan trọng, cấp bách và phục vụ công tác phòng, chống dịch của các Bộ: Quốc phòng, Công an, Y tế, kinh phí hoạt động ngoại giao quốc gia khác của Bộ Ngoại giao) và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021 để bổ sung nguồn phòng, chống dịch COVID-19, tăng đầu tư phát triển và nhiệm vụ an ninh, quốc phòng cần thiết. 

Chính phủ đề nghị Bộ Tài chính có báo cáo cụ thể Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/6/2021; báo cáo Quốc hội cho phép thu hồi các khoản kinh phí thường xuyên đã giao cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, nhưng đến ngày 30/6/021 chưa phân bổ hoặc đã phân bổ nhưng chưa triển khai thực hiện (chưa phê duyệt dự toán, chưa tổ chức đấu thầu) và các khoản kinh phí thường xuyên chưa thực sự cần thiết để bổ sung nguồn dự phòng của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phục vụ chiến lược vaccine...

Cũng tại Nghị quyết này, Chính phủ yêu cầu triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, ưu tiên dành nguồn lực phục vụ phòng, chống dịch. 

Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục phối hợp chặt chẽ, thực hiện các chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, thận trọng, phù hợp, hài hòa, hợp lý, bảo đảm thực hiện nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, ưu tiên dành nguồn lực phục vụ phòng, chống dịch và các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, đột xuất khác.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm tối đa chi phí, tiếp tục giảm lãi suất cho vay để góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; đồng thời bảo đảm an toàn hoạt động tín dụng, ngân hàng; đẩy mạnh cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; sớm có phương án xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém; khẩn trương xây dựng, trình cấp có thẩm quyền Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025.

Bộ Tài chính và Bộ Công Thương nghiên cứu, rà soát, chuẩn bị phương án phù hợp về thuế nhập khẩu, các biện pháp phòng vệ thương mại theo quy định đối với một số mặt hàng, nguyên vật liệu tăng giá mạnh; xác định rõ nguyên nhân và dự báo xu hướng giá trong thời gian tới, đề xuất chính sách, giải pháp phù hợp; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, thao túng giá, nhất là các mặt hàng biến động giá mạnh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Về việc hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Chính phủ chỉ đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương đề xuất Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai để chủ động chỉ đạo thời vụ sản xuất và ứng phó kịp thời, hiệu quả, không để bị động, bất ngờ, hạn chế tối đa thiệt hại; có giải pháp đồng bộ, hiệu quả trong phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi, cây trồng; phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, các địa phương tổ chức hỗ trợ người dân trong việc tiêu thụ nông sản đang vào vụ thu hoạch, nhất là tại những địa phương vùng dịch; tăng cường năng lực bảo quản, chế biến hàng nông sản; đàm phán mở rộng thị trường xuất khẩu, đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường nội địa.

Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thành Đề án bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội theo quy định.

Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, các cơ quan, địa phương sớm hướng dẫn về công tác phòng, chống dịch trong hoạt động vận tải, nhất là vận chuyển công nhân giữa nơi ở và cơ sở sản xuất, khu công nghiệp; xem xét, đề xuất các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vận tải hành khách gặp khó khăn do dịch COVID -19, hỗ trợ các doanh nghiệp vận chuyển nông sản đến các cửa khẩu và giữa các vùng miền trong thị trường nội địa, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/6/2021.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương liên quan khẩn trương rà soát, nắm bắt khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý, nhất là các dịch vụ du lịch, lữ hành, lưu trú, văn hóa, thể thao, giải trí…, đề xuất các giải pháp hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/6/2021; khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định về ký quỹ kinh doanh lữ hành tại Nghị định số 168/2017/NĐ-CP.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung tổng kết thi hành Luật đất đai năm 2013 và xây dựng Dự án Luật đất đai (sửa đổi) bảo đảm tiến độ, chất lượng; lập Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021 - 2025, báo cáo Chính phủ trước khi trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm 2021; thực hiện tốt nhiệm vụ cảnh báo, dự báo thời tiết, thiên tai để phục vụ hiệu quả cho công tác phòng, chống thiên tai, bão lũ. Thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành về tình hình quản lý, sử dụng đất đai, khoáng sản làm vật liệu xây dựng tại một số địa phương để chủ động, kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc, nhất là trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư, báo cáo đề xuất giải quyết những vấn đề vượt thẩm quyền.

Dòng sự kiện
Ý kiến của bạn