Đời sống

Cấp cứu đột quỵ: Sự sống tính trong từng phút giây

Đột quỵ có thể xảy ra ở bất cứ thời điểm nào, dù là đang làm việc gắng sức hay nghỉ ngơi. Bệnh nhân đột quỵ cần được cấp cứu càng sớm càng tốt; để bảo đảm “thời gian vàng”, nhằm giảm thiểu những nguy hiểm cận kề có thể xảy ra.

11/12/2020 09:42

Đột quỵ hay còn được gọi là tai biến mạch máu não. Đây là tình trạng não bộ bị tổn thương nghiêm trọng do mạch máu não bị tắc nghẽn, bị vỡ, gây gián đoạn việc vận chuyển máu để nuôi dưỡng não bộ. Khiến các tế bào thiếu hụt dinh dưỡng, oxy; các tế bào sẽ chết đi sau vài phút nếu vấn đề thiếu hụt này không được khắc phục.

Những cảnh báo đáng lưu tâm

Tùy theo từng nguyên nhân, đột quỵ là do tắc nghẽn mạch máu não hay do vỡ mạch máu não, được phân loại thành nhồi máu não hay xuất huyết não.

Nhồi máu não: Còn gọi là thiếu máu não cục bộ, được xem là tình trạng giảm lưu lượng máu cung cấp đến cơ quan não một cách đột ngột, khiến cho động mạch não bị thuyên tắc một phần hoặc toàn phần. Tình trạng nhồi máu não chiếm đại đa số những ca lâm sàng đột quỵ thường gặp, với tỉ lệ khoảng 80%.

Đột quỵ xuất huyết não: Có tên gọi khác là xuất huyết nội sọ, là một trường hợp khác của tai biến mạch máu não, xảy ra tình trạng máu động mạch tràn vào nhu mô não đột ngột, gây tổn thương não cấp tính. 

Mặc dù tỷ lệ của xuất huyết não thấp hơn nhồi máu não rất nhiều, chỉ chiếm khoảng 20%; nhưng tình trạng bệnh lý này có mức độ nguy hiểm cao hơn, gây biến chứng nặng nề và tỷ lệ tử vong cao.

Cấp cứu đột quỵ: Sự sống tính trong từng phút giây - Ảnh 1.

Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 trên thế giới

Mỗi vùng trên não có một chức năng, nhiệm vụ khác nhau, tùy theo vùng tổn thương, mà gây ra những triệu chứng khác nhau cho người bệnh. Nếu tổn thương vùng vận động có thể gây ra yếu liệt tay chân, liệt nửa người. Vùng cảm giác sẽ gây ra mất cảm giác, cảm giác tê bì; vùng ngôn ngữ sẽ không nói được hoặc không hiểu được ngôn ngữ…

Tùy theo mức độ tổn thương, cũng như số lượng các khu vực tổn thương khác nhau mà có một hoặc nhiều triệu chứng khác nhau. Trong đó, 3 triệu chứng thường thấy nhất là nói ngọng, méo cười, tay chân buông xuôi. 

Khi người bệnh có các dấu hiệu này, cần nghĩ ngay đến đột quỵ. Cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đi cấp cứu, để không bỏ lỡ “thời gian vàng” trong điều trị.

Hậu quả của đột quỵ

Tổ chức Y tế thế giới ghi nhận, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 trên thế giới, với con số khoảng 6,5 triệu người tử vong mỗi năm; tức trung bình mỗi 6 giây có một ca tử vong do đột quỵ. 

Đột quỵ còn là nguyên nhân gây tàn phế hàng đầu trên thế giới, có hơn 17 triệu ca bệnh mỗi năm. Trung bình 6 người có một người bị đột quỵ, nếu như không có biện pháp phòng tránh kịp thời.

Tại Việt Nam, theo thông tin từ Bộ Y tế, mỗi năm nước ta có khoảng 200.000 trường hợp đột quỵ, là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, có tỷ lệ từ 10-20%, cao hơn nhiều lần so với một số nguyên nhân tử vong phổ biến khác. 

Trong các trường hợp bệnh nhân sống sót sau đột quỵ thì khả năng tàn phế, lệ thuộc cao. 10-13% bệnh nhân tàn phế, nằm liệt giường; 12% hồi phục một phần; 25% bệnh nhân có thể độc lập đi lại.

Đột quỵ gây nhiều hậu quả nặng nề về chi phí điều trị. Sau đột quỵ, bệnh nhân thường khó hòa nhập trở lại với cuộc sống bình thường, gây nhiều ảnh hưởng về kinh tế, chi phí thuốc, điều trị, hồi phục… 

Với người nhà bệnh nhân, đột quỵ tạo gánh nặng kinh tế trực tiếp, thông qua việc mất sức lao động. Ảnh hưởng kinh tế gián tiếp thông qua việc chăm sóc, điều trị cũng như những áp lực về mặt tinh thần.

Cấp cứu đột quỵ: Sự sống tính trong từng phút giây - Ảnh 2.

Đột quỵ là nguyên nhân gây tàn phế hàng đầu trên thế giới

Nguyên nhân gây đột quỵ

Đột quỵ thiếu máu cục bộ: Có 3 nguyên nhân chính làm tắc nghẽn mạch máu não, thiếu máu não: bệnh ở tim hình thành cục máu đông, theo dòng máu lên não khiến tắc mạch máu não; xơ vữa động mạch; tăng huyết áp làm hư hại các mạch máu nhỏ.

Đột quỵ xuất huyết não: Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, trong đó tăng huyết áp là nguyên nhân hàng đầu. Các nguyên nhân khác bao gồm: Dị dạng mạch máu não, thoái hóa mạch máu, khối u hay bất thường về đông máu.

Cấp cứu đột quỵ: Sự sống tính trong từng phút giây - Ảnh 3.

Cấp cứu đột quỵ như thế nào?

Khi phát hiện người có các dấu hiệu đột quỵ, cần xử trí đúng cách:

Đỡ người bệnh để không bị té ngã gây chấn thương.

Để người bệnh nằm xuống chỗ thoáng, nghiêng qua một bên nếu nôn ói. Móc hết đàm, nhớt để bệnh nhân dễ thở.

Gọi xe đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.

Không tự ý cho uống hoặc nhỏ thuốc hạ huyết áp hay bất kỳ loại thuốc nào khác.

Đưa người bệnh vào bệnh viện càng nhanh càng tốt, để có thể cứu sống kịp thời các phần não chưa chết nhưng đang bị thiếu máu nuôi, đang bị sặc, bị chèn ép.

Một số yểu tố làm gia tăng nguy cơ mắc phải đột quỵ:

- Người lớn tuổi: Trên 50 tuổi có nguy cơ tăng cao.

- Giới: Tỷ lệ xảy ra ở nam giới nhiều hơn nữ giới.

- Tăng huyết áp. Đái tháo đường (tiểu đường). Xơ vữa động mạch, tăng mỡ (cholesterol) trong máu, nhất là loại LDL. Bệnh tim. Hút thuốc lá, nghiện rượu. Béo phì, ít vận động...

- Người có tiền sử đột quỵ.

Ý kiến của bạn