Cao điểm 500 người nhập cảnh trái phép một ngày, Bộ Y tế lo dịch Covid-19
Số ca mắc Covid-19 trên thế giới tăng nhanh trong 2 tuần đầu năm mới. Trong nước, Bộ Y tế hết sức quan ngại khi tình hình vượt biên hết sức phức tạp, có ngày có đến 500 trường hợp nhập cảnh trái phép.
Sáng 20/1, Bộ Y tế tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến về công tác phòng chống dịch Covid-19. Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến rất phức tạp. Số ca mắc tại hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ đều có xu hướng gia tăng rất nhanh chóng. Thế giới có thể chạm mốc 100 triệu bệnh nhân vào đợt tới.
Theo Bộ trưởng, trong lịch sử loài người, đây là dịch bệnh có sức lây lan và ảnh hưởng tới các quốc gia một cách mạnh mẽ nhất. Dịch cúm Tây Ban Nha trước đó có tốc độ không thể bằng Covid-19.
Việt Nam hiện nay trải qua thời gian dài không có ca mắc trong cộng đồng. Tuy nhiên, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 tại Việt Nam có một số điểm rất đáng quan ngại.
Tình hình nhập cảnh trái phép hết sức phức tạp
Thứ nhất, Bộ Y tế đã tham mưu với Thủ tướng Chính phủ cố gắng ngăn chặn và hạn chế tối đa việc nhập cảnh qua đường hàng không. Thủ tướng đã có công điện và văn bản chỉ đạo, từ nay tới Tết Nguyên đán thì hầu như không còn chuyến bay, kể cả chuyến bay đưa công dân từ nước ngoài trở về.
Tuy nhiên, với đường bộ, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 qua khu vực cửa khẩu, đường mòn lối mở rất lớn. Tình hình vượt biên trái phép hết sức phức tạp. Có những thời điểm lên đến 500 trường hợp nhập cảnh trái phép.
Qua theo dõi, trao đổi giám sát việc nhập cảnh, Bộ trưởng nhận định, mọi trường hợp vượt biên trái phép đều có sự liên kết với trong nước qua các nhà xe, các đường dây, qua đối tượng môi giới để vượt biên.
Các đối tượng này sử dụng mạng xã hội như facebook, zalo, wechat để trao đổi đường dây vượt biên. Cơ quan chức năng vừa phát hiện nhà xe nhận chở khách từ khu vực biên giới trốn cách ly vào trong nội địa. Có hơn 10 tỉnh có hiện tượng như vậy.
Vì thế, Bộ trưởng đề nghị các địa phương xử lý nghiêm các trường hợp này, như vậy sẽ hạn chế được việc đưa người dân vượt biên về Việt Nam.
"Chúng tôi đề nghị tất cả địa phương tập trung cao độ, bóc gỡ, triệt phá đường dây, nhà xe và xử lý nghiêm nhà xe nhận chở khách vượt biên. Chúng ta không cấm đồng bào về nước, nhưng phải về theo đường chính ngạch, phải cách ly tập trung, bảo đảm an toàn cho cả nước chúng ta. Nếu tiếp tục để thế này sẽ rất căng thẳng", Bộ trưởng nói.
Thứ hai, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch đề nghị các địa phương phát động đợt cao điểm toàn dân phát hiện trường hợp nhập cảnh trái phép từ nước ngoài trở về không cách ly, để mỗi một người dân trở thành một chiến sĩ, phát giác, báo cáo chính quyền địa phương khi có người từ nước ngoài trở về trốn cách ly.
Dịp Tết Nguyên đán đang gần kề, tâm lý của bà con muốn trở về quê hương ăn Tết. Tuy nhiên, nếu để trong tình trạng nhập cảnh trái phép như hiện nay thì rất quan ngại dịch lây nhiễm ra cộng đồng.
Hiện nay mỗi ngày có đến 500 trường hợp nhập cảnh trái phép, trong khi bình thường chỉ 100-150.
Tất cả những người nhập cảnh đều phải cách ly tập trung
Thứ ba, về vấn đề cách ly, theo Bộ trưởng dù làm tốt nhưng ở đâu đó vẫn vẫn có sự phối hợp giữa các cơ quan không tốt, không tuân thủ quy trình cách ly. Hay một số địa phương khi có kết quả âm tính đã thả ngay những người tiếp xúc gần, trong khi phải tiếp tục cách ly 14 ngày.
Một điểm mới là tất cả các trường hợp nhập cảnh kể cả chuyên gia, tổ bay đều phải cách ly tập trung, không có ngoại lệ, không cho cách ly tại nhà, cơ sở lưu trú như trước, trừ những trường hợp đặc biệt do Bộ Ngoại giao quyết định.
"Chúng ta phải giữ chặt, từng li từng tí một mới kiểm soát được sự lây nhiễm Covid-19. Dù trong bối cảnh hiện nay, một số nước đã có vắc xin tiêm phòng, nhưng việc lây nhiễm còn lây nhanh hơn tốc độ tiêm", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng lưu ý, không để xảy ra lây nhiễm trong khu cách ly vì nếu không sẽ tiếp tục cách ly 14 ngày sẽ rất căng thẳng.
Thứ tư, Bộ trưởng nhấn mạnh các địa phương luôn phải chuẩn bị cho tình huống phát hiện ca mắc Covid-19 tại cộng đồng. Khi đó, cần phải thực hiện nhanh chóng các biện pháp giám sát, khoanh vùng dịch, để giảm lây nhiễm bệnh.
"Phải đưa mầm bệnh ra khỏi cộng đồng càng nhanh càng tốt. Các cơ sở y tế phải đặt trong tình trạng báo động ở mức cao nhất, để không lây nhiễm trong bệnh viện. Nếu phát hiện sẽ khoanh vùng, ngăn chặn nhanh nhất" Bộ trưởng nói.
Ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết hiện nay thế giới đã ghi nhận hơn 96 triệu ca mắc Covid-19, 2 triệu người tử vong. Mỹ vẫn là quốc gia ghi nhận số mắc cao nhất trong những ngày gần đây. Chỉ riêng trong 2 tuần đầu năm 2021, thế giới đã ghi nhận đến 12,3 triệu ca mắc Covid-19, số mắc rất lớn, chiếm 13% tổng số mắc từ đầu vụ dịch đến nay. Tốc độ lây lan của dịch rất nhanh trong thời gian gần đây.
Theo WHO, biến thể SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên tại Anh vào giữa tháng 12/2020 đã lây lan ra hơn 50 quốc gia, vùng lãnh thổ. Biến thể tại Nam Phi cũng đã xuất hiện tại 23 nước. Tại Việt Nam, thời gian qua vẫn ghi nhận các trường hợp mắc mới là người nhập cảnh. Riêng 20 ngày đầu năm 2021, cả nước có 75 ca bệnh là người nhập cảnh, chiếm 8,4% so với tổng số mắc là người nhập cảnh.
Ông Tấn cũng nhận nhận định, tình hình dịch trên thế giới vẫn diễn biến hết sức phức tạp, tốc độ lây lan nhanh. Trong nước, tình hình dịch đang được kiểm soát, tuy nhiên vẫn ghi nhận các ca bệnh là người nhập cảnh từ các chuyến bay. Vẫn có trường hợp nhập cảnh trái phép không được phát hiện hoặc phát hiện muộn, vì thế nguy cơ ghi nhận ca bệnh luôn hiện hữu.
Tin nổi bật
Tin Video