Xã hội

Cao Bằng: Từng bước xóa nhà tạm, nhà dột nát

(VOVTV) - “Đề án hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo” là một chủ trương lớn, đúng đắn và kịp thời đã được tỉnh Cao Bằng thực hiện có hiệu quả, đề án giúp người nghèo “an cư, lạc nghiệp”, vươn lên ổn định cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Tác giả Mùi Sơn – Lê Dung
02/01/2024 17:27

Với cách làm chủ động, linh hoạt tỉnh Cao Bằng đã và đang tập trung thực hiện hiệu quả Đề án hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát và trở thành điểm sáng trong triển khai đề án này. Đề án "được" tích hợp, lồng ghép nguồn vốn các CTMTQG và huy động thêm các nguồn vốn xã hội hóa nhằm hỗ trợ các hộ khó khăn về nhà ở. Với nguồn vốn sự nghiệp hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tại 7 huyện nghèo thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững tỉnh Cao Bằng được bố trí 380,430 tỷ đồng, trong đó, năm 2022 dự kiến bố trí 57 tỷ đồng, năm 2023, dự kiến bố trí 97 tỷ đồng. 

Cao Bằng: Từng bước xóa nhà tạm, nhà dột nát- Ảnh 1.

Cán bộ Công an huyện hỗ trợ người dân xây nhà mới

Hà Quảng là một trong những huyện tiêu biểu của tỉnh Cao Bằng trong việc thực hiện Đề án xoá nhà tạm, nhà dột nát. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, cấp uỷ, chính quyền huyện đã xác định việc xóa nhà tạm, nhà dột nát là chương trình, nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đồng thời là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong công tác giảm nghèo. Huyện Hà Quảng tập trung tối đa các nguồn lực trong xã hội giúp đỡ các hộ hoàn cảnh khó khăn đảm bảo điều kiện về nhà ở.

Với phương châm "công khai, minh bạch, rõ ràng", cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức rà soát tình hình nhà ở của hộ nghèo, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng để tìm giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn của bà con. Từ năm 2021 đến nay, huyện Hà Quảng đã thực hiện hỗ trợ 1.500 hộ nghèo, hộ gia đình chính sách. Sau khi hoàn thành nhà ở có diện tích từ 40-120m2 đảm bảo "3 cứng" giá trị nhà ở sau khi hoàn thành từ 50 - 150 triệu/nhà, đáp ứng tiêu chí nhà ở xây dựng nông thôn mới. Với tổng kinh phí huy động từ các nguồn hỗ trợ trực tiếp trên 90 tỷ đồng; các hộ đối ứng thực hiện từ 10 – 50 triệu đồng/nhà; huy động sự tham gia trực tiếp của các cấp, các ngành trên 20.000 ngày công lao động của các lực lượng và nhân dân.

Với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cấp uỷ, chính quyền các cấp, sự đồng thuận cao của người dân và sự ủng hộ của các nhà hảo tâm đến nay đã đạt tỷ lệ trên 80% kế hoạch đề ra.

Để đảm bảo hoàn thành 100% kế hoạch xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo giai đoạn 2021 - 2023, thời gian tới, huyện tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác giảm nghèo, kêu gọi các nguồn lực để hỗ trợ làm nhà, sửa nhà cho các hộ hoàn cảnh khó khăn, trong đó ưu tiên tập trung thực hiện các xã trong lộ trình về đích nông thôn mới; chú trọng phối hợp giữa các tổ chức, ban, ngành, đoàn thể để thực hiện lồng ghép các nguồn kinh phí hỗ trợ cho các hộ nghèo hoàn thiện được ngôi nhà có quy mô, chất lượng, đảm bảo lâu dài. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân; vận động người dân đẩy mạnh phát triển kinh tế, tích lũy để xây dựng nhà ở, từng bước tự xóa bỏ nhà tạm, nhà dột nát, ổn định cuộc sống lâu dài, góp phần hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. 

Cao Bằng: Từng bước xóa nhà tạm, nhà dột nát- Ảnh 2.

Từ Đề án xoá nhà tạm, nhà dột nát nhiều ngôi nhà được xây mới khang trang

Mỗi căn nhà mới được hoàn thành đồng nghĩa với việc sẽ có thêm một hộ nghèo có chỗ ở ổn định, không phải lo gánh nặng về nhà ở, từ đó yên tâm lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Cũng từ đây, uy tín của cấp ủy, chính quyền các cấp được nâng cao, niềm tin của nhân dân vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ngày càng vững chắc.

Theo Nghị quyết ban hành chính sách hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2021 - 2025, các đối tượng được hỗ trợ theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025, là hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo sinh sống trên địa bàn vùng đồng bào dân dân tộc thiểu số và miền núi; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa có nhà ở hoặc nhà ở bị dột nát, hư hỏng.

Đối tượng được hỗ trợ theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, là hộ nghèo, hộ cận nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2021 - 2025) trong danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo do UBND cấp xã quản lý, đang cư trú trên địa bàn huyện nghèo và là hộ độc lập có thời gian tách hộ đến khi Chương trình có hiệu lực thi hành tối thiểu 3 năm.

Để thực hiện tốt Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, bên cạnh các nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình giảm nghèo, nguồn xã hội hóa, huyện Hà Quảng tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân, huy động, đa dạng hóa nguồn lực để thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát. Chú trọng phối hợp giữa các tổ chức, ban, ngành, đoàn thể để thực hiện lồng ghép các nguồn kinh phí hỗ trợ cho các hộ nghèo hoàn thiện được ngôi nhà có quy mô, chất lượng, đảm bảo lâu dài. Vận động người dân đẩy mạnh phát triển kinh tế, tích lũy để xây dựng nhà ở, từng bước tự xóa bỏ nhà tạm, nhà dột nát để ổn định cuộc sống lâu dài, góp phần hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Ý kiến của bạn