Cao Bằng: Phát triển du lịch từ lợi thế nông nghiệp
(VOVTV) - Du lịch nông nghiệp tại Cao Bằng mới hình thành và phát triển trong thời gian gần đây, nhưng loại hình du lịch này đang mang đến những trải nghiệm đầy thú vị, hấp dẫn du khách gần xa.
Cao Bằng không chỉ nổi tiếng với những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, giá trị văn hóa bản địa độc đáo mà còn bởi nhiều sản vật được thiên nhiên ưu ái ban tặng như: cam, quýt Trà Lĩnh, hạt dẻ Trùng Khánh, lê vàng Đông Khê…; thêm vào đó, người dân nồng hậu và mến khách.
Đây chính là những lợi thế để phát triển loại hình du lịch nông nghiệp, giúp du khách có thêm lựa chọn khi khám phá vẻ đẹp non nước Cao Bằng. Đồng thời, khai thác du lịch dựa trên tài nguyên nông nghiệp cũng làm gia tăng giá trị các sản phẩm nông nghiệp, góp phần ổn định đời sống nhân dân địa phương.
Những ngày này, người dân các xã Quang Hán, Cao Chương… (Trùng Khánh) phấn khởi chuẩn bị bước vào mùa thu hoạch quýt. Bên cạnh việc cung ứng sản phẩm ra thị trường, một số nhà vườn mở cửa cho khách tham quan khi quýt bắt đầu chuyển sang màu vàng cam đẹp mắt. Là bạn trẻ năng động và mê du lịch, vụ quýt năm nay, Nguyễn Phương Thảo, phường Sông Hiến (TP. Cao Bằng) quyết định thuê lại một vườn quýt rộng 2 ha tại xóm Bản Niếng, xã Quang Hán để mở dịch vụ đón khách vào trải nghiệm hái quả, chụp ảnh “check in”.
Kể về mô hình của mình, Thảo cho biết: Bây giờ, xu hướng đi du lịch miệt vườn, khám phá vườn cây ăn quả ngày càng trở nên phổ biến ở nhiều nơi, tuy nhiên ở Cao Bằng người làm dịch vụ này rất ít. Nắm bắt nhu cầu thực tế cũng như xuất phát từ mong muốn được góp sức trong việc quảng bá du lịch quê hương, tôi đã lên kế hoạch hiện thực hóa ý tưởng của mình.
Quá trình chuẩn bị, Thảo đến nơi khảo sát lựa chọn vườn phù hợp, sau đó đặt vấn đề, ký hợp đồng bao thuê với chủ vườn, thuê người cắt cỏ, dọn dẹp vườn sạch sẽ. Ngoài tham quan, chụp ảnh, vườn của Thảo còn có các dịch vụ kèm theo như xe đưa đón, cho thuê quần áo, phụ kiện, trang điểm, tự hái quả ở vườn (bán theo giá thị trường)…
Chị Phùng Thị Hồng Ngọc, phường Hợp Giang (TP. Cao Bằng) chia sẻ: Lần đầu tiên đặt chân đến vườn quýt, tôi và bạn bè đều cảm thấy thích thú. Ngắm nhìn bạt ngàn quýt chín vàng tươi trên nền cây lá xanh mướt, hít thở không khí trong lành, ai cũng muốn ở lại thật lâu. Các thành viên trong đoàn chụp rất nhiều ảnh làm kỷ niệm, hơn nữa mỗi người còn mua một túi quýt về làm quà.
Nằm ở xóm Bó Mạ, xã Hưng Đạo (TP. Cao Bằng), vườn nho Hạ đen của Công ty cổ phần đầu tư Công nghệ xanh CAB đang là điểm dừng chân lý tưởng cho du khách. Giờ đây, không cần phải vào Ninh Thuận xa xôi, những người đam mê khám phá có thể thỏa thích chiêm ngưỡng vườn nho lúc lỉu chín mọng, tha hồ chụp ảnh “sống ảo” đẹp như phim trường ngay tại Cao Bằng.
Vườn nho mở cửa đón khách miễn phí 2 ngày thứ Bảy, Chủ nhật và đóng cửa vào các ngày trong tuần để nhân viên cải tạo, chăm sóc vườn. Khi tham quan vườn, du khách được giới thiệu quá trình trồng nho, tự tay cắt những chùm nho tươi ngon và mua về thưởng thức nếu có nhu cầu (mức giá 150.000 đồng/kg). Bắt đầu mở cửa vườn từ cuối tháng 10/2020, trung bình mỗi ngày cuối tuần vườn nho đón khoảng 200 lượt khách và bán hơn 100 kg nho.
Anh Nông Quốc Tuấn, phường Tân Giang (TP. Cao Bằng) cho biết: Thấy mọi người chia sẻ trên facebook khá nhiều nên tôi đưa cả gia đình lên đây chơi. Hai cháu nhỏ nhà tôi rất hào hứng khi có cơ hội thử làm “bác nông dân” thu hoạch nho. Vườn nho rộng, thoáng mát, từng chùm nho trĩu quả, nhiều màu sắc tím đỏ, đen, xanh non là bối cảnh rất đẹp cho những bức ảnh kỷ niệm.
Du lịch nông nghiệp Cao Bằng ngày càng có sức hút đối với du khách, nhất là khách quốc tế và khách nội địa sống ở vùng đô thị muốn cảm nhận cuộc sống nông thôn. Những hành trình thú vị như: Khám phá vườn hạt dẻ Trùng Khánh, thu hoạch chè Kolia (Nguyên Bình), trải nghiệm gặt lúa, bắt cá tại làng du lịch cộng đồng Khuổi Ky… thực sự tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách.
Có thể nói, khai thác dịch vụ du lịch bằng tài nguyên nông nghiệp vừa giúp nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế, vừa tạo động lực duy trì và bảo tồn giá trị truyền thống cốt lõi, bản sắc văn hóa dân tộc.
Trong bối cảnh du lịch Cao Bằng luôn cần những sản phẩm mới lạ, thu hút du khách, phát triển du lịch nông nghiệp dựa trên lợi thế sẵn có được xác định là hướng đi mở ra nhiều kỳ vọng cho nền công nghiệp không khói của tỉnh./.