Xã hội

Cao Bằng: Nhiều khó khăn trong việc thực hiện dự án đầu tư công

(VOVTV) - Năm 2022, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng được phân bổ tổng nguồn vốn đầu tư công gần 100 tỷ đồng để thực hiện các công trình sử dụng vốn đầu tư công trên địa bàn. Bên cạnh việc giải ngân nguồn vốn, UBND huyện cũng đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, các chủ đầu tư phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tháo gỡ vướng mắc liên quan đến việc thực hiện các dự án...

Tác giả Mùi Sơn - Lê Dung
28/02/2023 08:40

Huyện Bảo Lạc là huyện vùng cao biên giới nằm ở phía Tây của tỉnh Cao Bằng, cách trung tâm thành phố Cao Bằng 134km với tổng diện tích tự nhiên trên 91.000ha, gồm có 7 dân tộc (Tày, Nùng, Mông, Dao, Lô lô, Sán Chỉ, Kinh). Kinh tế còn gặp nhiều khó khăn do vị trí địa lý nằm ở khu vực nhiều đồi núi cao, dân số và nhận thức của người dân không đồng đều, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp.

Do đó, việc triển khai thực hiện đồng bộ 3 Chương trình mục tiêu quốc gia tại tỉnh Cao Bằng nói chung và huyện Bảo Lạc nói riêng là cấp bách. Với các chương trình, dự án, chính sách đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong giai đoạn mới có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng so với bình quân chung của cả nước; giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn; góp phần phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa… giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an ninh biên giới quốc gia; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.

Cao Bằng: Nhiều khó khăn trong việc thực hiện dự án đầu tư công - Ảnh 1.

Hệ thống đường GTNT đã và đang phát huy được hiệu quả góp phần phát triển kinh tế địa phương

Năm 2022, huyện Bảo Lạc được giao kế hoạch vốn đầu tư công gần 80 tỷ đồng để triển khai thực hiện trên 60 dự án (bao gồm cả các dự án chuyển tiếp). Để thực hiện có hiệu quả UBND huyện thành lập các đoàn công tác chỉ đạo việc giải ngân, thi công các công trình, dự án. Hàng tháng, các đoàn công tác kiểm tra tiến độ thi công từng dự án, trên cơ sở đánh giá điều kiện tình hình thực tế, yêu cầu các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ và cam kết thực hiện đúng thời gian quy định; các phòng, ban, đơn vị, địa phương, các chủ đầu tư nỗ lực triển khai thực hiện các giải pháp thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.

Là đơn vị được UBND huyện Bảo Lạc giao làm chủ đầu tư nhiều dự án đầu tư công trên địa bàn, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng huyện Bảo Lạc cùng các đơn vị, địa phương làm tốt việc giải phóng mặt bằng, nhanh chóng bàn giao cho đơn vị thi công triển khai thực hiện. Để làm tốt nhiệm vụ được giao Ban đã phân công cán bộ kỹ thuật giám sát tiến độ thi công các dự án; quản lý chặt chẽ vật tư, vật liệu đầu vào, bảo đảm tiến độ và chất lượng công trình. Sau khi kiểm tra, nghiệm thu khối lượng bảo đảm tiến độ, chất lượng dự án mới thực hiện việc giải ngân vốn, tạo sự đồng thuận trong triển khai.

Là một trong những đơn vị tiêu biểu trong thực hiện các dự án đầu tư công trên địa bàn huyện Bảo Lạc. Doanh nghiệp tư nhân Đức Tài (Khu 2, thị trấn Bảo Lạc, huyện Bảo Lạc) là đơn vị đã trúng 14 gói thầu trong 3 tháng (từ tháng 10 – 12/2022, trong đó 12 gói thầu độc lập, 2 gói thầu liên danh) thuộc các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công. Để thực hiện tốt các tiêu chí của chủ đầu tư và triển khai thi công có hiệu quả các dự án, bên cạnh các tiêu chí về kinh nghiệm, kỹ thuật, nhân sự, tài chính cũng như máy móc và biện pháp thi công… Để thực hiện đồng bộ các dự án đơn vị còn tăng cường thêm nhân công thực hiện nhiệm vụ theo hình thức "kiêm nhiệm" để đảm bảo công trình đúng tiến độ.

Theo chân Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng huyện Bảo Lạc đến thăm 02 công trình cải tạo, sửa chữa đường giao thông nông thôn thuộc xóm Nà Dường, thị trấn Bảo Lạc và công trình xóm Nà Dạn – Nà Viềng xã Thượng Hà, huyện Bảo Lạc do Doanh nghiệp tư nhân Đức Tài thực hiện. Trên công trường, hàng chục công nhân thi đua lao động, đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo hoàn thành khối lượng công việc.

Chia sẻ với phóng viên, ông Bế Văn Luận, Chỉ huy trưởng công trình của 02 dự án trên cho biết: Ngay khi trúng thầu, công ty chúng tôi đã tập trung tối đa nhân lực và máy móc để triển khai thi công. Mặc dù từ đầu năm đến nay có gặp một số khó khăn đặc biệt là về vật tư, vật liệu thi công, bên cạnh việc giám sát và triển khai thi công thì đơn vị cũng được hỗ trợ từ chủ đầu tư trong việc tìm nguồn vật liệu đảm bảo chất lượng để đưa vào công trình. Hơn nữa do thực hiện 2 công trình cùng một thời điểm cho nên cần phải chỉ huy cả 2 nơi một lúc. Đến nay, cả 2 công trình đã dần hoàn thiện 90% khối lượng xây dựng (trong đó công trình thuộc xóm Nà Dường đã hoàn thiện và chờ nghiệm thu).

Cùng chung "nỗi niềm", Công ty TNHH Xây dựng Đại Phong 69 (Tổ dân phố 10, thị trấn Bảo Lạc, huyện Bảo Lạc) đã trúng 5 dự án tại địa bàn huyện, tiêu biểu là dự án thi công công trình đường giao thông cải tạo, sửa chữa đường giao thông nông thôn Nà Roà – Khuổi Duồng và công trình đường GTNT Cốc Chòm, xã Bảo Toàn, huyện Bảo Lạc do Công ty TNHH Xây dựng Đại Phong 69 thi công, ông Nguyễn Văn Tuấn, Chỉ huy trưởng công trình chia sẻ: Đơn vị chúng tôi thực hiện thi công công trình thuộc thôn Nà Roà – Khuổi Duồng từ tháng 12/2022 với chiều dài gần 3km, trong quá trình thực hiện cũng gặp một số vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng do các hộ dân không chấp thuận. Tuy nhiên, được sự giúp đỡ của xã cũng như chủ đầu tư, người dân đã nhận thức được tầm quan trọng của tuyến đường nên đã phối hợp bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Do đặc thù 2 dự án gần nhau và cùng một công ty nên tôi được Ban giám đốc phân công nên được phép hỗ trợ chỉ huy 2 công trình.

Cao Bằng: Nhiều khó khăn trong việc thực hiện dự án đầu tư công - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc chia sẻ khó khăn với VOVTV

Nói về những khó khăn của huyện Bảo Lạc, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng cho biết: Huyện Bảo Lạc là huyện nghèo của tỉnh Cao Bằng với đặc thù xa trung tâm và tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo trên 60%, trình độ dân trí còn rất thấp vì vậy nhu cầu đầu tư để nâng cao đời sống nhân dân cũng như thúc đẩy kinh tế xã hội là cấp thiết. Năm qua được sự quan tâm của các cấp từ trung ương đến tỉnh, tuy nhiên nguồn vốn đầu tư cho Chương trình mục tiêu quốc gia đến năm 2022 mới được phân bổ, do nguồn vốn phân bổ chậm nên công tác triển khai gặp nhiều khó khăn.

Do nhu cầu thực tế của địa phương nhằm phát triển kinh tế - xã hội, huyện cũng đã rà soát và đề xuất để trình UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư các danh mục công trình hạ tầng nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về hạ tầng giao thông để kết nối liên kết vùng để phát triển kinh tế.

Năm 2022, huyện Bảo Lạc thực hiện trên 60 dự án với tổng số vốn gần 100 tỷ đồng, tuy nhiên do nguồn vốn phân bổ muộn vì vậy công tác chuẩn bị đầu tư gặp khó khăn, hầu hết các công trình đều phải chuyển tiếp sang 2023. Huyện Bảo Lạc khó khăn hơn nhiều so với huyện khác bởi đường giao thông đi lại xa vì thế mà giá nguyên, vật liệu đắt hơn nơi khác nên dẫn đến việc đội số vốn lên gây ảnh hưởng đến giảm giá trị của xuất đầu tư.

Để các dự án đảm bảo tiến độ UBND huyện đã chủ động, tích cực vận động, tuyên truyền với nhân dân. Đồng thời, phối hợp với chủ đầu tư, nhà thầu thi công khắc phục những khó khăn để triển khai các dự án đảm bảo theo yêu cầu của chủ đầu tư. Hiện nay, tất cả các dự án đầu tư công triển khai trên địa bàn huyện cơ bản đã được thực hiện thi công đúng tiến độ.

Ý kiến của bạn