Cao Bằng: Huyện nghèo Trùng Khánh nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục
(VOVTV) - Xác định công tác giáo dục - đào tạo là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, huyện Trùng Khánh đã chủ động xây dựng chương trình hành động cụ thể, sát thực; chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học...
Huyện Trùng Khánh là một trong những huyện có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo thuộc "top" cua tỉnh Cao Bằng, giao thông đi lại còn gặp nhiều khó khăn, đời sống kinh tế của nhân dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp, trình độ dân trí và mật độ dân số phân bố không đồng đều… Vì thế lại là một trong những "điều kiện" cho phát triển kinh tế - xã hội gặp rất nhiều khó khăn, nhất là hệ thống giáo dục của toàn huyện. Với quyết tâm đưa ngành giáo dục - đào tạo của huyện vượt lên, phát triển khá so với các địa phương trong tỉnh, Trùng Khánh đã tập trung chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trong tất cả các nhà trường; quan tâm đến chất lượng các kỳ thi, hội thi; mở rộng và tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh vùng dân tộc thiểu số; chú trọng rà soát, duyệt kế hoạch, quy hoạch của các nhà trường trên địa bàn...
Công tác phổ cập giáo dục, xoá mù chữ được các cấp, các ngành quan tâm. Phòng GD&ĐT làm tốt vai trò tham mưu UBND huyện kiện toàn Ban chỉ đạo Phổ cập giáo dục cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Tham mưu xây dựng kế hoạch và chỉ đạo thực hiện phổ cập giáo dục các cấp học đúng theo kế hoạch. Tổ chức triển khai, quán triệt chủ trương của Đảng và Nhà nước về thực hiện duy trì Phổ cập giáo dục, xóa mù chữ đến các cấp uỷ Đảng, các ban ngành, tổ chức đoàn thể và nhân dân địa phương, từ đó nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa và sự cần thiết phải duy trì Phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Tham mưu kiện toàn Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục, xóa mù chữ giai đoạn 2021- 2025 thực hiện tốt công tác huy động trẻ ra lớp, làm tốt công tác điều tra; cập nhật số liệu và hoàn thiện hồ sơ để công nhận duy trì phổ cập giáo dục, xóa mù chữ đảm bảo đúng tiến độ.
Năm 2022, toàn huyện duy trì Phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi, duy trì Phổ cập GDTH mức độ 3, Phổ cập THCS mức độ 2 và duy trì tiêu chuẩn Phổ cập xóa mù chữ mức độ 2.
Mạng lưới trường lớp được duy trì, củng cố và phát triển phù hợp với đặc điểm tự nhiên và điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng được nhu cầu học tập của mọi người dân. Đến thời điểm báo cáo toàn huyện hiện có 72 trường học và 1 trung tâm, trong đó 5 trường THPT; 2 trường PTDT Nội Trú; 27 trường mầm non; 20 trường tiểu học; 8 trường TH&THCS; 10 trường THCS và 1 Trung tâm GDNN-GDTX. Tổng số học sinh toàn huyện năm học 2022- 2023 là 16.821 em, trong đó khối Mầm non 4.188 cháu; tiểu học 5.956; THCS 4.082 (gồm cả PTDTNT);THPT 2410; TTGDNN- GDTX 185 học viên.
Để công tác dậy và học được triển khai đồng bộ có hiệu quả, Phòng GD&ĐT đã tham mưu cho huyện huy động nhiều nguồn vốn để tăng cường đầu tư xây dựng trường, lớp học theo hướng kiên cố hóa trường lớp học. Các cơ sở giáo dục đang từng bước đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, kiên cố hoá giảm một phần phòng học xuống cấp, đảm bảo yêu cầu tối thiểu cho hoạt động dạy và học. Đến nay, toàn huyện có 78,7% phòng học kiên cố, 21,2% phòng học bán kiên cố và 0,2% phòng tạm. Số phòng học hiện có đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh và tổ chức dạy học 2 buổi/ ngày. Phòng GD&ĐT hướng dẫn các trường tổ chức rà soát cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; căn cứ vào danh mục thiết bị dạy học tối thiểu để đề xuất mua sắm bổ sung thiết bị dạy học thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục mầm non tiếp tục tăng cường các điều kiện để nâng cao chất lượng thực hiện chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm"; thực hiện phát triển chương trình phù hợp với sự phát triển của trẻ và điều kiện của địa phương; tăng cường tổ chức các hoạt động giáo dục theo phương châm "Học thông qua vui chơi, trải nghiệm" gắn kết với việc quan sát, theo dõi và đánh giá trẻ để lập kế hoạch và tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp. Thực hiện linh hoạt các hoạt động Tăng cường tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số; Việc nuôi dưỡng, chăm sóc bảo vệ sức khỏe, phòng, chống tai nạn thương tích, phòng dịch bệnh cho trẻ được chỉ đạo thực hiện nghiêm túc; chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ được nâng lên, tổng số trẻ được khám sức khỏe định kỳ và theo dõi trên biểu đồ tăng trưởng đạt 100%.
Tiếp tục đẩy mạnh việc vận dụng dạy học giải quyết vấn đề, dạy học theo tình huống; áp dụng những phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh theo định hướng phát triển năng lực người học, rèn luyện phương pháp tự học; bảo đảm cân đối giữa trang bị kiến thức, kỹ năng; thực hiện hiệu quả các phương pháp kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực của học sinh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá; đẩy mạnh triển khai giáo dục STEM trong giáo dục trung học. Triển khai có hiệu quả trong công tác chuẩn bị kiến thức, kĩ năng cho học sinh tham gia các kỳ thi tuyển sinh lớp 10, thi tốt nghiệp THPT.
Bà Lã Thị Phương, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Trùng Khánh cho biết thêm: Những năm gần đây, ngành Giáo dục - Đào tạo huyện luôn chú trọng bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và công tác tổ chức cán bộ; thành lập các cụm chuyên môn, tổ chức các hội thảo theo chuyên đề, nhằm củng cố phương pháp và rèn luyện kỹ năng thực hiện chương trình giáo dục, Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi và các chuyên đề giáo dục tại địa phương. Chất lượng giáo dục, bậc học mầm non, số trẻ phát triển cân nặng, chiều cao luôn đạt trên 90%; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, thấp còi giảm đều từng năm. Tiểu học, số học sinh được đánh giá hoàn thành chương trình tiểu học đạt 90% trở lên.
Những kết quả trong sự nghiệp giáo dục - đào tạo của huyện vùng cao đặc biệt khó khăn Trùng Khánh đã tạo bước đệm cho việc phấn đấu hoàn thành mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tập trung đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, phục vụ yêu cầu phát triển KT-XH của địa phương.