Cánh cửa xứ Hollywood đang mở ra, và người châu Á đang mạnh mẽ giành lại quyền hiện diện của mình!
Sự xuất hiện mạnh mẽ của người Việt nói riêng và người châu Á nói chung trên màn ảnh Hollywood đánh dấu thành công sau bao nhiêu tranh đấu của cả một cộng đồng.
Xứ Hollywood hoa lệ là nơi mọi điều đều có khả năng trở thành hiện thực: từ những câu chuyện của người đẹp đem lòng yêu quái vật cho đến những cuộc phiêu lưu lên vũ trụ xa xôi, hay thậm chí là những biệt đội siêu anh hùng đại diện cho cái tốt, cái chính nghĩa ngày đêm giải cứu thế giới. Chỉ cần có người dám tưởng tượng, Hollywood đều sẵn sàng biến những suy nghĩ ấy thành hiện thực.
Ấy vậy mà vẫn còn những điều khiến nhiều người đau đáu: sự hiện diện quá bé nhỏ của người châu Á trên thị trường điện ảnh tầm cỡ nhất thế giới. Là do thiếu đi diễn viên đủ tài năng, hay những câu chuyện liên quan tới châu lục lớn nhất thế giới không đủ hấp dẫn? Suốt bao nhiêu năm, nhiều cô bé, cậu bé lớn lên trong sự ngưỡng mộ và ước ao được làm những siêu anh hùng da trắng và mắt xanh, chẳng bao giờ tưởng tượng một siêu nhân da vàng trông sẽ như thế nào. May mắn thay, có vẻ như mọi chuyện đang có xu hướng đổi chiều.
"Yellow face", rập khuôn hình ảnh hay sự thóa mạ vốn không được để ý
Theo trang báo Time, một cuộc nghiên cứu đã chỉ ra rằng mặc dù người Mỹ gốc Á chiếm tới 5,4% tổng dân số tại đất nước này, số nhân vật chính là người châu Á trong các bộ phim chỉ chiếm 1,4% vào năm 2014. Vào năm 2018, một báo cáo mới cho hay chỉ có 12% những vị trí sản xuất phim được đảm nhiệm bởi người châu Á. Chính vì bị lấn lướt một cách quá mạnh mẽ, "yellow face" tồn tại.
Ở Hollywood, thật khó khi muốn nói về sự công bằng. Những vai diễn về nhân vật gốc Á đã hiếm, đôi khi chúng còn chẳng được dành cho người châu Á thể hiện. Bộ phim nổi tiếng Breakfast At Tiffany’s có nhân vật Yunioshi người Nhật được thủ vai bởi Mickey Rooney người Mỹ, da trắng phau phau.
Emma Stone tóc vàng mắt xanh cũng dõng dạc thốt lên rằng mình "có gốc Trung Quốc" với nhân vật Allison Ng của bộ phim Aloha. Gây xôn xao gần đây nhất, chúng ta có nữ diễn viên tài năng Tilda Swinton đóng vai Thượng Giả Tôn Ẩn - một nhân vật (đáng lẽ ra) có gốc Tây Tạng trong Doctor Strange. Tuy nhiên, có vẻ như bàn cờ đang được xoay vòng.
"Yellow face" (dịch nghĩa đen là "mặt vàng") là một cụm từ để chỉ những trường hợp trên, khi diễn viên da trắng thể hiện một nhân vật da vàng. Giáo sư Xã Hội Học Nancy Wang Yuen tại Đại Học Biola cho hay, "Họ thường làm mắt híp đi bằng đồ hóa trang. Họ làm thế để biến nhân vật thành trò cười, biến người Trung Quốc hay người châu Á trông gian xảo, hài hước nhất có thể. Cách thể hiện ấy tạo ra những hình mẫu rập khuôn đang tồn tại rộng rãi trong xã hội."
Câu chuyện người châu Á bị xuất hiện rập khuôn trong những bộ phim Mỹ không còn là điều gì đó mới. Nam diễn viên Randall Park - một trong những người gốc Á hiếm hoi thành công trên đất Hollywood - đã phải đóng vai bác sĩ đến mòn cả mặt trong suốt sự nghiệp của mình, bao gồm những bộ phim như Curb Your Enthusiasm và The Bold and the Beautiful.
“Những vai như vậy cũng không thể gọi là đáng lên án hay gì cả, nhưng khi bạn nhìn lại và nhận ra bạn đã đóng bao nhiêu vai bác sĩ, bạn liền nghĩ rằng, OK, đấy là cách họ nhìn chúng ta.”
Người châu Á đã nỗ lực giành lại quyền kể câu chuyện của mình
Cách đây rất lâu, khán giả quốc tế đã từng nể phục với những cái tên đến từ điện ảnh châu Á như Ngọa Hổ Tàng Long hay The Last Emperor - bộ phim chiến thắng cả giải Oscar dựa vào sử tích Trung Hoa.
Thế nhưng thành công vang dội ấy cũng không trở thành bàn thắng dứt khoát cho một cộng đồng. Cũng từ đó đến nay, sự hiện diện của con người và tài năng châu Á lại trở nên im ắng, tựa như chúng ta vừa bước qua một khoảng lặng chết chóc của bình quyền trong điện ảnh.
Một vài năm trở lại đây, cuộc đấu tranh về quyền bình đẳng sắc tộc trở nên dữ dội hơn bao giờ hết, đặc biệt là ở các nước phương Tây nơi nhiều người da màu thuộc các cộng đồng thiểu số vẫn bị soi xét với cái nhìn đầy định kiến và thiếu tôn trọng. Những tiếng nói mạnh mẽ được ủng hộ này đã tạo ra động lực và sức ép để Hollywood - vốn luôn là kẻ dẫn đầu - phải thay đổi trước khi trở nên cổ hủ, lạc hậu và độc hại.
Những bộ phim như Get Out hay Black Panther cũng góp phần đẩy cánh cửa nặng nề, mở ra những suy nghĩ rằng bom tấn đâu cần người da trắng để có thể thành công. Nói về cộng đồng người châu Á, có thể thấy cơ hội đang bắt đầu xuất hiện. Điều này cũng khiến nhiều người thay đổi góc nhìn, sẵn sàng đón nhận những làn gió mới, tài năng mới.
Đáng bất ngờ nhất, chính là chiến thắng đầy vinh quang và thuyết phục của Parasite - bom tấn xứ Hàn tại mùa giải Oscar vừa rồi khiến cả thế giới phải ngỡ ngàng trước điều chưa có tiền lệ. Parasite giống như một lời khẳng định chắc nịch về sự hiện diện, về sự cường thịnh của một nền điện ảnh cũng như những tài năng châu Á.
Người châu Á đang nỗ lực giành lại "quyền" được kể câu chuyện của riêng mình. Fresh Off The Boat - bộ phim sitcom hài hước của kênh ABC kể về một gia đình nhập cư người Mỹ từ Trung Quốc khi mới khởi chiếu đã thu hút không ít sự chú ý.
Mặc dù được đánh giá là có nội dung hấp dẫn, đa phần mọi người đều cho rằng series này sẽ rất "kén khách" và chỉ người châu Á mới thích xem, do đó kết luận Fresh Off The Boat sẽ "chết yểu" sớm mà thôi. Trái ngược với lời phỏng đoán đó, bộ phim đã có 6 năm rực rỡ với 6 mùa phim dài hơi, nhận về rất nhiều đề cử và giải thưởng đáng giá.
Năm 2018 và 2019, khán giả thế giới lại được nhìn thấy những góc rất khác biệt của châu Á trong Crazy Rich Asians và The Farewell. Crazy Rich Asians gặt hái được thành công vang dội trên toàn cầu, còn The Farewell cũng có thể tự hào khi đại thắng vô vàn giải thưởng lớn nhỏ (bao gồm 1 Quả Cầu Vàng) và thu về 22,5 triệu đô với số vốn ít ỏi chỉ 3 triệu đô.
Thừa thắng xông lên, hãng A24 - nhà sản xuất của The Farewell cũng đã thực hiện tác phẩm mới nhất về một gia đình người Hàn nhập cư mang tên Minari, đã thắng hai giải tại Liên hoan phim Sundance và dự kiến ra mắt trong thời gian tới.
Điểm chung của những cái tên kể trên chính là việc chúng đều được sản xuất bởi đạo diễn và dàn diễn viên gốc Á, người Á. Chúng ta hoàn toàn thừa sức mà, phải không?
Những tài năng và câu chuyện nơi đất Á đang được chú ý hơn cả
Điện ảnh thế giới đang chứng kiến sự xuất hiện liên tục và mạnh mẽ của những tác phẩm chất lượng đến từ châu Á, cũng như những tài năng gốc Á đang để lại dấu ấn riêng tại Hollywood rộng lớn - vốn là nơi người da trắng chiếm vị thế độc tôn bấy lâu nay.
Chỉ cần kể sơ qua, chúng ta đã có Awkwafina, Lana Condor, Naomi Scott, Thành Long… đang từng bước chinh phục thị hiếu khán giả phương Tây qua năng lực và các sản phẩm của mình.
Nữ diễn viên Awkwafina chia sẻ "Rất nhiều thứ đã thay đổi" khi nói về sự nghiệp của mình trước và sau thành công của Crazy Rich Asians. "Những diễn viên Mỹ gốc Á đã đến với tôi và nói trước đây họ chẳng khi nào được để ý, còn bây giờ thì đang đi thử vai hằng ngày!".
Những nhà sản xuất phim lớn như Netflix cũng đang mở rộng cánh cửa cho những bộ phim với diễn viên chính là người châu Á, điển hình là To All The Boys I’ve Loved Before, Never Have I Ever hay Always Be My Maybe đều được nhiều người chú ý.
Một trong những phim lớn nhất của Disney năm 2020 chính là phiên bản live-action của nữ anh hùng Trung Hoa - Mulan. Bộ phim với mức đầu tư lên tới 200 triệu đô trở thành bom tấn đầu tiên có dàn diễn viên hoàn toàn là người châu Á, dẫn đầu bởi Lưu Diệc Phi sánh vai cùng Chân Tử Đan, Củng Lợi.
Phim vấp phải nhiều chỉ trích liên quan tới diễn xuất của nữ chính cũng như sự diễn tả sai lệch về văn hóa, tín ngưỡng Trung Quốc nhưng vẫn nhận được sự ủng hộ của phần đông khán giả phương Tây, trở thành một bước tiến lớn cho sự hiện diện của châu Á trên màn ảnh. Trong tương lai, khán giả cũng có thể ngóng chờ bom tấn tiếp theo về siêu anh hùng châu Á là Shang-Chi And The Legend Of The Ten Rings - một mảnh ghép của vũ trụ Marvel.
Không chỉ dừng lại ở đó, các ekip làm phim cũng như các nghệ sĩ sau khi đã đạt được thành tựu nhất định tại quê nhà giờ đây đều nuôi tham vọng chinh phục đấu trường thế giới đầy khắc nghiệt nhưng cũng còn hoang sơ, điển hình như Trung Quốc thì có Lưu Diệc Phi, Phạm Băng Băng hay Việt Nam thì không thể không nhắc đến đả nữ Ngô Thanh Vân.
Từ Việt Nam vươn ra biển lớn
Khán giả Việt đã từng phổng mũi khi thấy Ngô Thanh Vân trong những phút đầu của Star Wars, hay mới đây nhất là khi chị trở thành người bạn đồng hành của nữ minh tinh Charlize Theron trong bộ phim The Old Guard đình đám của Netflix (cô thậm chí còn yêu cầu đổi nguồn gốc nhân vật sang người Việt).
Marie Kelly Tran - cô gái gốc Việt xuất hiện trong loạt phim Star Wars mặc dù là nạn nhân của vấn nạn phân biệt chủng tộc của fan quốc tế, cũng hiên ngang đứng thẳng và tự hào vì đã góp phần cho sự thay đổi, trở thành người Mỹ gốc Á đầu tiên xuất hiện trong vũ trụ Star Wars.
Nỗ lực vươn ra biển lớn của các nghệ sĩ không chỉ là để phục vụ mục đích cá nhân nhằm phát triển hơn trong sự nghiệp. Nói rộng hơn, những cánh cửa họ đang chật vật mở ra sẽ giúp sức cho biết bao thế hệ đi sau tiếp tục tranh đấu, để lại dấu ấn cho người Việt Nam nói riêng và người châu Á nói chung tại sân chơi quốc tế.
Bởi lẽ sẽ không có thành công, thay đổi đáng giá nào xảy ra nếu không có sự kiên trì đấu tranh và dai dẳng của chúng ta.
Những tài năng như Ngô Thanh Vân, Marie Kelly Tran hay Maggie Q, Levy Trần... đang ngày ngày xóa đi rào cản tưởng như bất khuất giữa tài năng Việt Nam và điện ảnh thế giới, tô hồng thêm cho khát khao chinh phục của thế hệ trẻ hơn.
Người lớn có thể tự hào rằng đất nước, con người Việt Nam chẳng thua kém gì cường quốc khác tại Hollywood, và các em nhỏ giờ đây cũng có thể thấy mình trong một thiên hà xa xôi, cũng sẽ tin vào một chiến binh người Việt dũng mãnh, kiên cường bất khuất...
Tin nổi bật
Tin Video