Cảnh báo rủi ro từ mô hình cho vay ngang hàng
(VOVTV) - Vài năm trước đây, hình thức cho vay ngang hàng hay còn gọi peer to peer lending bắt đầu hình thành. Qua một thời gian, ngày càng nhiều các tổ chức được lập nên, hoạt động không quá rầm rộ nhưng cũng thu hút được một bộ phận nhà đầu tư. Sau sự việc CEO của VO247 đề xuất xin phá sản, những cảnh báo rủi ro liên quan mô hình cho vay ngang hàng lại được nhắc đến.
Trước tiên, cần biết cho vay ngang hàng hay peer to peer lending là gì? Hiểu nôm na đó là một dạng ứng dụng công nghệ, kiểu như Uber hay Grab. Mô hình cho vay ngang hàng hoạt động trên nền tảng công nghệ số, kết nối trực tiếp giữa người có nhu cầu vay với người có tiền cho vay. Trong đó, các giao dịch không cần thông qua bất cứ một tổ chức tín dụng hay ngân hàng truyền thống nào, việc lựa chọn đầu tư phụ thuộc vào chủ sở hữu trang web hay ứng dụng cho vay ngang hàng.
Vậy thì vai trò của các chủ sở hữu ứng dụng, trang web peer to peer lending như thế nào? Câu trả lời là, các đơn vị này chịu trách nhiệm tìm kiếm, đánh giá, thẩm định các hồ sơ vay. Đồng thời cũng có trách nhiệm thu hồi khoản vay khi đến kỳ hạn, đảm bảo lãi và gốc cho nhà đầu tư.
Quay trở lại với sự việc xảy ra gần đây khi vayonline 247.vn và VO247 thuộc sở hữu của Công ty cổ phần Công nghệ tài chính VO247, với tổng số nợ chênh lệch lên đến 30 tỷ đồng, ban lãnh đạo doanh nghiệp này bất ngờ công bố ý định xin phá sản, gây hoang mang cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ, với các khoản đầu tư không cao quá 50 triệu đồng, hầu hết sắp đến hạn thanh toán cả gốc lẫn lãi.
Hiện nay, mô hình cho vay ngang hàng vẫn chưa chính thức được cấp phép hoạt động, hoạt động cho vay kiểu này cũng không chịu sự điều chỉnh của các quy định pháp luật. Mức độ chịu trách nhiệm của chủ sở hữu ứng dụng hay trang web cho vay ngang hàng tương đối thấp. Ví dụ như việc thẩm định hồ sơ của người cho nhu cầu vay vốn. Theo như lời của một nhân viên sale trước đây thì họ hoàn toàn có thể lách được
Cho vay ngang hàng (P2P Lending) là hình thức được kỳ vọng sẽ là giải pháp đáp ứng nhu cầu vay tiêu dùng của người dân, giúp kiểm soát tín dụng đen. Từ năm 2019, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xây dựng phương án thí điểm cho vay ngang hàng, dự kiến đưa loại hình kinh doanh này vào nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, tới nay, vẫn chưa có quy định chính thức nào về hoạt động này. Các nhà đầu tư cần tỉnh táo trước những lời quảng cáo thông tin thiếu minh bạch Việc lựa chọn kênh đầu tư không chỉ qua đánh giá dựa trên biên độ lợi nhuận mà còn liên quan đến hệ thống quản lý rủi ro, minh bạch, uy tín, qua đó giảm thiểu tối đa rủi ro, đảm bảo quyền lợi đầu tư.
Bài 2: Cho vay ngang hàng – Cần sớm có quy định về pháp lý
Tuy Ngân hàng Nhà nước đã hai lần lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo nghị định quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng, song tới nay, chưa có cơ chế chính thức nào được ban hành...