Cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy
(VOVTV) - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại nhiều khu vực trên cả nước.
Mưa lớn, lũ đầu nguồn ở miền Bắc
Trận mưa lớn kéo dài nhiều giờ đồng hồ trong đêm 2/8 khiến thành phố Điện Biên Phủ xảy ra ngập úng cục bộ. Nhiều tuyến phố ngập sâu đến 1 mét khiến giao thông và đời sống người dân ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo cảnh báo của Đài khí tượng thủy văn tỉnh Điện Biên trong 3 giờ liên tục (từ 19 giờ đến 22 giờ ngày 2/8), tỉnh Điện Biên có mưa rào rải rác, có nơi mưa vừa, mưa to, mưa rất to như: tại trạm Khí tượng Điện Biên 45mm; điểm đo mưa tự động Chi cục Thủy lợi tỉnh 94mm, Thanh Nưa 82mm, Hua Thanh 59mm, Mường Pồn 50mm, Mường Tùng 44mm, Pa Ham 41mm. Cảnh báo mưa trong 6 giờ tiếp theo, tỉnh Điện Biên tiếp tục có mưa rào rải rác, cục bộ có nơi mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến từ 20 - 40mm/6 giờ, có nơi trên 60mm/6 giờ. Cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ cao tại các huyện: Mường Chà, Điện Biên, Điện Biên Đông và thành phố Điện Biên Phủ và thị xã Mường Lay.
Điện Biên: Mưa lớn, thành phố Điện Biên Phủ ngập sâu trong biển nước
Thông tin từ Công ty Cổ quản lý phần đường bộ 1 Lai Châu cho biết, từ đêm qua đến sáng nay (3/8) tại khu vực đầu nguồn sông Đà, thuộc huyện Mường Tè xuất hiện mưa lớn, gây lũ lớn. Nước suối Nậm Ma, một nhánh của dòng chính sông Đà liên tục tăng cao, chảy xiết. Sáng nay nước lũ đã làm sạt quốc lộ 4H tại km 198+289, thuộc địa phận bản Tè Xá, xã Mù Cả, huyện Mường Tè làm sạt lở vai đường và 1/2 mặt nhựa dài khoảng 45m, gây cản trở và nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Vì vậy, trên lưu vực sông Đà và các vùng lân cận cần đề phòng khả năng xảy ra sạt lở đất và ngập úng ở nơi trũng. Các khu dân cư, thôn, bản ven sông Nậm Bum, người dân lưu thông qua các ngầm, cầu tràn… trên địa bàn cần lưu ý phòng tránh nước dâng và sạt lở bờ sông.
Lũ đầu nguồn sông Đà gây sạt lở quốc lộ 4H ở Lai Châu
Miền Trung nước lũ tràn về
Sáng nay (3/8), lượng nước từ thượng nguồn đổ về, dâng cao gây ngập đập tràn bản Ka Ai, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình làm khu vực này bị chia cắt cục bộ, người dân không thể qua lại.
Những ngày qua, tại tỉnh Quảng Bình có mưa liên tục làm lượng nước ở thượng nguồn đổ về nhiều. Đập tràn bản Ka Ai, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa đang thi công chưa hoàn thành, nước lũ tràn qua gây ngập khoảng nửa mét, nước chảy xiết, người dân và phương tiện không thể đi lại được.
Bộ đội Biên phòng, chính quyền địa phương đã cắm biển cảnh báo, bố trí lực lượng tại khu vực đập tràn bản Ka Ai để nhắc nhở, ngăn không cho người dân đi qua để đảm bảo an toàn. Ông Đinh Văn Chinh, Chủ tịch UBND xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình cho biết, chỉ cần mưa lớn trong vài giờ đồng hồ hoặc mưa cả ngày, nước lũ sẽ kéo về gây ngập cục bộ tại các ngầm tràn, làm chia cắt một số thôn bản.
Tây Nguyên sụt lún nghiêm trọng
Ngày 30/7, do tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, mưa lớn kéo dài gây ra nhiều điểm sạt lở trên đèo Bảo Lộc và dọc tuyến QL20. Vào lúc 14h30, trong khi đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra, phần luồng giao thông và tham gia khắc phục các điểm sạt lở nhằm đảm bảo an toàn giao thông đi lại, bất ngờ xảy ra vụ sạt lở đất nghiêm trọng tại km103+100 trên QL20 khiến 3 chiến sĩ CSGT của Trạm CSGT Mađaguôi (thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Lâm Đồng đóng trên địa bàn huyện Đạ Huoai) gồm thiếu tá Nguyễn Khắc Thường (SN1981), thượng úy Lê Ánh Sáng (SN 1990), thượng úy Lê Quang Thành (SN 1977) và một người dân bị vùi lấp.
Vụ sạt lở trên đèo Bảo Lộc khiến 4 người tử vong
Hiện tượng sụt lún, nguy cơ sạt lở đất cũng xảy ra tại xã biên giới Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông. Các vết nứt, sụt lún mới dài khoảng 120m và có dấu hiệu ngày càng kéo dài, mở rộng khi trời tiếp tục có mưa kéo dài. Đến trưa ngày 2/8, lực lượng chức năng đã di dời 11 hộ dân với 48 nhân khẩu ở bon Bu Prăng 1A đến địa điểm an toàn là trường THCS của xã. Như vậy, tổng cộng xã Quảng Trực đã di dời khẩn cấp 56 hộ dân với 200 nhân khẩu của 2 bon Bu Krắk và Bu Prăng 1A ra khỏi khu vực có các vết nứt, sụt lún, nguy cơ sạt lở cao. UBND huyện Tuy Đức đã đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Nông và các ngành chức năng liên quan khảo sát hiện tượng nứt gãy tại xã Quảng Trực, có khuyến cáo để kịp thời ổn định đời sống nhân dân.
Lo ngại nhất tại Đắk Nông hiện nay là tình trạng xói lở trạm biến áp của Nhà máy thủy điện Đắk Nông 2 (công suất 15,75MW, trên suối Đắk Nông, thuộc phường Nghĩa Tân, Thành phố Gia Nghĩa). Trạm biến áp đã bị xói lở móng, một số chân đế bị nước cuốn trôi hoặc xô đổ, nhiều thiết bị ngập nước, hư hỏng. Từ ngày 31/7, Thủy điện Đắk Nông 2 đã buộc phải cắt điện, ngừng hoạt động. Các công nhân đang gấp rút tháo dỡ một số hạng mục tại trạm biến áp để giảm thiểu thiệt hại. Còn tại Nhà máy thủy điện Đắk R’tih bậc trên (thuộc Dự án thủy điện Đắk R’tih, tổng công suất 148MW) trên suối Đắk R’tik, xã Đắk Rmoan, Thành phố Gia Nghĩa, cũng đang bị nước suối xói lở mạnh. Một đoạn dài khuôn viên nhà máy (khoảng 200m2) đã bị cuốn trôi theo dòng nước. Còn tại Nhà máy thủy điện Đắk R’tih bậc trên (thuộc Dự án thủy điện Đắk R’tih, tổng công suất 148MW) trên suối Đắk R’tik, xã Đắk Rmoan, Thành phố Gia Nghĩa, cũng đang bị nước suối xói lở mạnh. Một đoạn dài khuôn viên nhà máy (khoảng 200m2) đã bị cuốn trôi theo dòng nước.
Sạt lở đe dọa 2 công trình thủy điện ở Đắk Nông
Trước tình hình mưa lũ, lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông đã trực tiếp đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống thiên tai ở các điểm sạt lở, ngập lụt nặng. UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành văn bản hỏa tốc chỉ đạo các đơn vị, địa phương và người dân chủ động các biện pháp ứng phó với thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”; triển khai lực lượng xung kích di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm; rà soát, kiểm tra các khu vực nguy cơ cao; đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng, tài sản của người dân.
Miền Nam sạt lở, ngập nước do mưa lớn
Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang, ven sông Ba Rài thuộc xã Hội Xuân là một trong những khu vực nóng về sạt lở của tỉnh. UBND tỉnh đã cho chủ trương làm bờ kè khắc phục khẩn cấp tình hình sạt lở tại đây. Riêng trong năm nay, tỉnh Tiền Giang đã có kế hoạch khắc phục cấp bách 69 điểm sạt lở vừa và nhỏ với nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương là 164 tỷ đồng. Ngoài ra tỉnh Tiền Giang kiến nghị Trung ương hỗ trợ 3.151 tỷ đồng để xử lý khẩn cấp 11 điểm sạt lở lớn. Cụ thể, vào lúc 0h ngày 3/8, xưởng cơ khí của ông Lê Tấn Nhựt, ở Tổ Nhân dân tự quản số 04, ấp Hội Nhơn, xã Hội Xuân bỗng dưng bị sụp xuống dòng sông Ba Rài. Tại thời điểm này, trong cơ sở không có người, chủ yếu thiệt hại về tài sản. Trước nguy cơ sạt lở, chính quyền vận động người dân từng bước di dời nhà đến nơi ở an toàn.
Tiền Giang: Sạt lở tiếp diễn, một cơ sở sản xuất sụp xuống dòng nước
Mưa lớn kéo dài nhiều ngày, nước ngập cao khoảng 1 mét, lại không chủ động được việc bơm tát nước nên một số hộ dân làm lúa Hè Thu ở xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau chịu thiệt hại nặng. Một phần diện tích lúa Hè Thu ở huyện Trần Văn Thời, Cà Mau đã đến kỳ thu hoạch. Tuy nhiên, do ảnh hưởng mưa lớn kéo dài những ngày qua đã gây ngập nặng, máy gặt không thể vào, người thì bỏ cả vụ mùa, người đạt năng suất thì ngâm nước vớt từng ngọn lúa.
Người dân Cà Mau ngâm nước, vớt từng bông lúa ngập
Trước tác động tiêu cực của thời tiết, một số hộ bị thiệt hại nặng, xác định thu hoạch sẽ thua lỗ đã bán lúa ruộng với giá 250.000 đồng/công cho những người nuôi vịt chạy đồng. Bên cạnh đó, một số hộ dân vẫn tiến hành thu hoạch lúa bằng hình thức cắt tay. Tuy nhiên, mực nước ngập ngang người đã gây nhiều khó khăn cho công tác thu hoạch. Vụ Hè Thu này bà con đầu tư chi phí khoảng 1,2 triệu đồng/công, các nông hộ chịu thiệt hại ở xã Khánh Bình Đông đều chịu thua lỗ.
Lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếptính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tớiquá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinhtế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế- xã hội.
Người dân cần đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp. Đề phòng mưa với cường độ lớn trong một thời gian ngắn gây ngập úng tại các khu đô thị. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, và gió giật mạnh.
Tin nổi bật
Tin Video