Tin tức

Căng thẳng Nga - Ukraine gây thêm bất ổn cho nền kinh tế châu Á

(VOVTV) - Căng thẳng Nga - Ukraine đang gây thêm bất ổn cho nền kinh tế châu Á, vốn đã phải đối mặt với sự gia tăng số ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron lây lan mạnh và phải hứng chịu các điều kiện tài chính thắt chặt hơn.

25/03/2022 09:01

Trong một cuộc phỏng vấn với Tân Hoa xã mới đây, ông Changyong Rhee, Giám đốc Vụ Châu Á và Thái Bình Dương thuộc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), cho biết hiện thể chế tài chính này đang xác định tác động của căng thẳng Nga - Ukraine qua nhiều kênh khác nhau nhưng vẫn chưa có con số chính xác. 

Ông lưu ý rằng kênh quan trọng nhất có sức tác động đến nền kinh tế châu Á là giá hàng hóa, đặc biệt là giá dầu. Xung đột Nga - Ukraine càng kéo dài càng khiến giá dầu biến động. Với sự biến động của giá dầu, tác động đến nền kinh tế châu Á có thể thay đổi “khá nhiều”.

Căng thẳng Nga - Ukraine gây thêm bất ổn cho nền kinh tế châu Á - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Reuters

Theo ông Rhee, Indonesia, quốc gia xuất khẩu nhiều mặt hàng, sẽ ít bị ảnh hưởng vì cuộc khủng hoảng hiện nay, trong khi Hàn Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ vốn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu dầu sẽ chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Ông kêu gọi chính phủ các nước châu Á giảm trợ cấp nhiên liệu, vốn dường như mang lại lợi ích cho những người có thu nhập cao hơn khi họ tiêu thụ nhiều năng lượng hơn, cũng như áp dụng các chính sách tài khóa có mục tiêu để hỗ trợ các hộ gia đình nghèo - những người cũng phải đối phó với giá lương thực cao hơn trong bối cảnh khủng hoảng.

Ông Rhee cũng lưu ý ngoài cuộc xung đột tại Ukraine, sự lây lan mạnh mẽ của biến thể Omicron trên khắp châu Á và lãi suất cao hơn do Mỹ bình thường hóa chính sách tiền tệ cũng là những trở ngại đối với tăng trưởng kinh tế của khu vực. Việc Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất có thể thúc đẩy làn sóng rút vốn và tăng chi phí tài chính, làm trầm trọng thêm vấn đề nợ của châu Á, vốn hiện chiếm gần 40% tổng nợ toàn cầu. Nợ tăng lên khá nhiều và lãi suất cao chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chi phí đi vay và chi phí tài chính, thậm chí có thể làm đình trệ nền kinh tế.

Dự đoán về tác động tiềm tàng của xung đột tại Ukraine đối với quá trình toàn cầu hóa, ông Rhee, cùng với các đồng nghiệp của mình, đã viết trong một trang blog của IMF gần đây rằng điều này có thể làm thay đổi cơ bản trật tự kinh tế và địa chính trị toàn cầu nếu trao đổi thương mại trong lĩnh vực năng lượng có sự chuyển dịch, chuỗi cung ứng được sắp xếp lại, mạng lưới thanh toán bị phân mảnh và các quốc gia xem xét lại việc dự trữ ngoại hối. Theo bài viết, căng thẳng địa chính trị gia tăng làm tăng thêm rủi ro về kinh tế bị phân mảnh, đặc biệt là đối với thương mại và công nghệ. 

Ông Rhee bày tỏ hy vọng tình hình sẽ không diễn ra theo hướng đó, nhấn mạnh Nga và Ukraine phải giải quyết căng thẳng hiện nay một cách nhanh chóng, đảm bảo quá trình toàn cầu hóa có thể tiếp tục. Lưu ý rằng sự thụt lùi đối với toàn cầu hóa sẽ đồng nghĩa với chi phí cao hơn và dòng chảy thương mại bị thu hẹp hơn, ông Rhee nhấn mạnh rằng thương mại là một động lực tuyệt vời cho tăng trưởng, bởi lẽ “càng nhiều người trao đổi, giao dịch thì càng có nhiều ý tưởng và công nghệ được phát triển”.

Dòng sự kiện
Ý kiến của bạn