Tin tức

Căng thẳng Iran-phương Tây: Nguy cơ xung đột tiềm tàng tại vùng Vịnh

(VOVTV) - Căng thẳng giữa Iran và các nước phương Tây ngày càng tăng cao trong những ngày qua đang đẩy khu vực vùng Vịnh trước nguy cơ bất ổn.

Tác giả Ngọc Thạch / VOV Cairo
09/08/2021 10:18

Với cáo buộc Iran tấn công và cướp các tàu chở dầu khi đi qua vùng Vịnh, các nước phương Tây và Arab đã đe dọa sẽ có hành động quốc tế chung chống lại Iran, thậm chí Israel khẳng định có thể hành động cứng rắn để chống lại Iran. 

Trong khi đó, phía Iran liên tục bác bỏ các cáo buộc nhằm vào nước này, đồng thời cho rằng đây là một cuộc chiến tâm lý, diễn ra trong bối cảnh Iran vừa có Tổng thống mới. Phía Iran cũng cho biết các lực lượng vũ trang của nước này luôn sẵn sàng đáp trả mọi mối đe dọa. Những động thái cứng rắn của các bên đang đẩy vùng Vịnh vốn căng như dây đàn trước nguy cơ xung đột mới.

Căng thăng gia tăng giữa Iran và phương Tây

Iran luôn là điểm nóng ở khu vực Trung Đông với nhiều mâu thuẫn, xung đột đan xen chưa được giải quyết như vấn đề hạt nhân, sự thù địch với Israel... Những căng thẳng hiện nay bắt nguồn từ vụ một tàu chở dầu của Israel bị tấn công ở vùng biển Arab hồi tuần trước khiến hai thành viên thủy thủ đoàn thiệt mạng.

Israel và các nước phương Tây cáo buộc Iran chịu trách nhiệm về vụ tấn công tàu "Mercer Street" của Israel và nói rằng những gì Iran đang làm là một mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh quốc tế. Israel đe dọa sẽ tiến hành một cuộc tấn công trả đũa vào các tàu của Iran. Tuyên bố này của Israel đã được Mỹ và Anh bật đèn xanh.

Căng thẳng Iran-phương Tây: Nguy cơ xung đột tiềm tàng tại vùng Vịnh - Ảnh 1.

Iran phóng tên lửa. Ảnh: Tehran Times

Tuy nhiên, Iran đã phủ nhận các cáo buộc này và cũng ra tuyên bố đáp trả cứng rắn. Tư lệnh Lực lượng Không quân Vệ binh Cách mạng Iran, Chuẩn tướng Hajizadeh tuyên bố Iran có đủ sức mạnh và sẽ đáp trả nếu bị tấn công. Các bên đã triệu tập đại sự để lên án vụ tấn công tuy nhiên Iran cho rằng những cáo buộc này là vô căn cứ. Nghiêm trọng hơn khi căng thẳng này lan sang Lebanon khi Israel và phong trào Hezbollah đụng độ và có thể bùng phát thành một cuộc xung đột nếu không được kiềm chế.

Đáng chú ý, căng thẳng bùng phát khi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 đang được nối lại đàm phán và tiến triển dù Israel luôn phản đối thỏa thuận này cũng như cho rằng các dự án có thể được sử dụng để chế tạo bom hạt nhân của Iran.

Đã có một số cuộc tấn công trước đó trong năm nay nhằm vào các tàu chở hàng có liên quan đến Israel và tất cả các cuộc tấn công này đều được đổ lỗi cho Iran. Tuy nhiên Iran đều bác bỏ. Trước đó, Israel  được cho là đứng sau một vụ nổ bí ẩn trên tàu tiếp tế quân sự "Savez" của Iran hồi tháng 4 ở Biển Đỏ.

Các kịch bản sắp tới

Mọi kịch bản đều có thể xảy ra. Theo các chuyên gia cho rằng có 4 khả năng xảy ra trong những ngày tới. Có thể các bên sẽ tấn công quân sự hoặc áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế và quân sự mới hoặc buộc Tehran phải bồi thường hoặc thông qua nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc gây sức ép với Iran.

Kịch bản tấn công quân sự là rất cao nhưng không phải là trực tiếp hay quy mô lớn mà có giới hạn khi Mỹ và Anh bật đèn xanh cho Tel Aviv đáp trả. Thứ nhất là để ngăn chặn Iran sự can dự vào tình hình ở Syria, Lebanon và là gửi một thông điệp đến tân tổng thống Iran Ibrahim Raisi. Đây có thể là một cuộc tấn công mạng hoặc tình báo và leo thang ở các nhân vật, mục tiêu quân sự của Iran ở Syria, Lebanon, Iraq. 

Chắc chắn các nước đó muốn trừng phạt Iran và thể hiện sức mạnh cứng rắn, nhưng đồng thời họ không tìm cách châm ngòi cho một cuộc chiến tranh toàn cầu và khu vực mới. Phương Tây, đặc biệt là Washington sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Iran, nhất là xuất khẩu dầu của nước này và các biện pháp trừng phạt mới đối với các chương trình máy bay không người lái và tên lửa của Tehran.

Kịch bản bồi thường được xem là kịch bản nhẹ nhất trong số các kịch bản và Mỹ hay châu Âu có thể áp đặt bồi thường và ngăn chặn Iran lặp lại các cuộc tấn công. Còn kịch bản thứ tư là Israel sẽ cố gắng thuyết phục Hội đồng Bảo an lên án Iran và kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động quyết liệt chống lại nước này. Tuy nhiên, điều này có thể vấp phải sự phản đối của Nga và Trung Quốc, hai thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an.

Vẫn còn nhiều bàn cãi về nguyên nhân và phản ứng của các bên. Nhưng giới phân tích cho rằng nếu đúng là Iran tấn công thì đây là một sai lầm khi lôi kéo Anh và Phương Tây vào căng thẳng trực tiếp. Nhưng cuộc tấn công này, có thể Tehran muốn buộc Washington rời Iraq, Syria và Afghanistan hoặc tuyên bố muốn chấm dứt đàm phán hạt nhân với phương Tây.

Tác động lên thỏa thuận hạt nhân Iran

Thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 với Mỹ và các nước phương Tây đang tiến triển tích cực sau nhiều vòng đàm phán ở Vienna, Áo. Dù vẫn còn khoảng trống đáng kể trong các cuộc đàm phán và chưa xác định khi nào các cuộc đàm phán sẽ nối lại nhưng những căng thẳng liên quan tới vụ tấn công tàu chở dầu của Israel chắc chắn sẽ là cản trở lớn. Vụ tấn công khiến Iran đang leo thang căng thẳng với Israel, Mỹ và cả phương Tây và nguy hiểm khi 2 người thiệt mạng là công dân Anh và Romania.

Iran mạnh mẽ bác bỏ các cáo buộc liên quan tới vụ tấn công tàu chở dầu của Israel, lên án mạnh mẽ tuyên bố vô căn cứ và cam kết đảm bảo an toàn cho tuyến đường thủy ở Vịnh Ba Tư. Iran cho rằng vụ tấn công là một kịch bản của Israel vài ngày trước lễ nhậm chức của tổng thống mới ở Iran.

Nhưng nếu cuộc tấn công là chủ ý của Iran thì điều đó mang tuyên bố muốn chấm dứt đàm phán hạt nhân với phương Tây và là thông điệp răn đe mạnh mẽ với Israel – nước luôn cản trở cuộc đàm phán hạt nhân. 

Cuộc tấn công cũng có thể là thông điệp của chính quyền mới ở Iran nhằm tìm cách sắp xếp lại cán cân sức mạnh hải quân theo hướng có lợi cho mình và tăng cường mở rộng khu vực, thứ hai là thông điệp của Lực lượng Vệ binh Cách mạng thường không muốn quay trở lại thỏa thuận hạt nhân mà chỉ coi việc mở rộng ảnh hưởng trong khu vực là một trong những nhiệm vụ chính.

Ý kiến của bạn