Cảng hàng hóa lớn nhất châu Âu ‘ngập’ trong cocaine
Hàng triệu container hàng hóa được bốc dỡ tại Rotterdam mỗi tháng, biến nơi đây trở thành bến cảng lớn nhất châu Âu.
Tuy nhiên, thành phố cảng này của Hà Lan cũng đang phải xử lý khối lượng lớn hơn bao giờ hết một loại hàng hóa không được hoan nghênh. Đó là chất cocaine.
Ông Ger Scheringa, người đứng đầu một nhóm nhân viên hải quan có vũ trang tại cảng Rotterdam, cho biết trong năm 2021 họ đã chặn đứng gần 70 tấn ma túy đã bị chặn, tăng 74% so với một năm trước đó.
Cảng Rotterdam ở Hà Lan và cảng Antwerp ở nước láng giềng Bỉ là hai điểm trung chuyển cocaine chính của một “siêu đường dây” có trụ sở tại Dubai, cung cấp một phần ba lượng cocaine ở thị trường châu Âu. Cơ quan cảnh sát châu Âu Europol tuyên bố đã triệt phá được đường dây này vào tháng trước.
Theo hãng thông tấn AFP, các tổ chức tội phạm thường giấu cocaine lẫn trong các thùng chứa hàng, hoặc bên dưới các khe hở nằm bên dưới tàu biển. Sau đó, chúng sẽ được các thợ lặn thu hồi.
Ông Scheringa cho rằng việc xác định lý do khiến số vụ bắt giữ cocaine tăng vọt là một “câu hỏi tế nhị”. “Dường như có rất nhiều khách hàng ở châu Âu. Và nếu có cầu, ắt sẽ có cung”, ông nói ngắn gọn.
Giới chức Rotterdam đã thực hiện các biện pháp quan trọng để ngăn chặn chất bột trắng bị cấm này xâm nhập vào châu Âu, đặc biệt bằng cách tăng cường kiểm tra hải quan. Ông cho rằng số vụ bắt giữ ma túy của năm 2022 sẽ không phá kỷ lục năm ngoái, song thừa nhận vấn đề này không có giải pháp thực sự, chừng nào nhu cầu tiêu thụ cocaine vẫn tiếp diễn.
Mò kim đáy bể
Thị trưởng Rotterdam Ahmed Aboutaleb đã bày tỏ niềm tiếc nuối về việc thành phố cảng này đang “chìm trong cocaine”, đồng thời lên án vấn nạn bạo lực của những kẻ buôn bán ma túy.
Ông Aboutaleb muốn cơ quan quản lý bến cảng rà soát tất cả các container hàng hóa đến từ khu vực Mỹ Latinh. Nhưng quan chức hải quan Scheringa khẳng định thách thức lớn nhất là cân bằng giữa tốc độ xử lý hậu cần và kiểm tra mọi thứ.
Trong khi đó, chuyên gia ma túy tại cảng Rotterdam, bà Romilda Schaaf cho biết các băng đảng đã sử dụng các phương pháp tinh vi để gửi cocaine qua Rotterdam rồi lấy lại sau đó.
Với hàng chục nghìn thùng chứa chất đống tại nhiều kho hàng, các nhà điều tra cần có thông tin chỉ điểm chính xác để tìm ra ma túy cất giấu trong chúng. “Đó thực sự là một câu hỏi mò kim đáy bể”, bà nói với AFP.
Theo các công tố viên, những thanh niên, thường đến từ vùng phía Nam Rotterdam thiếu thốn, thậm chí sẽ trú ẩn vài đêm trong các “khách sạn container” được trang bị đủ thức ăn và chăn ấm, ở gần nơi có một thùng chứa cocaine. Sau đó, họ chuyển ma túy sang các thùng chứa khác nhau để ít có khả năng bị kiểm tra hơn, đặc biệt nếu chúng có nguồn gốc từ Nam Mỹ.
Ông Scheringa cho biết trong năm nay, cơ quan chức năng đã bắt giữ trên 70 người vì các tội liên quan đến buôn bán ma túy tại cảng Rotterdam, thậm chí có cả nhân viên cảng.
Mới đây, ngày 6/12, cảnh sát Hà Lan thông báo đã bắt một nữ cảnh sát 43 tuổi ở Rotterdam với cáo buộc tham nhũng và dính líu đến buôn bán ma túy. Ông Scheringa cho biết các băng đảng đã trả cho các nhân viên bến tàu và quan chức phụ trách cảng số tiền lên tới 100.000 euro cho mỗi lần giúp chúng vận chuyển những lô hàng lớn.
Các quan chức hải quan Hà Lan nhấn mạnh rằng duy trì mối quan hệ tốt với các quốc gia “nguồn” là điều kiện quan trọng để ngăn chặn cơn lũ cocaine đổ về đây. Ngoài ra, họ cũng nỗ lực giải quyết nạn tham nhũng của nhân viên cảng và tăng cường kiểm tra hàng hóa hơn nữa.
Một phần quan trọng trong công tác kiểm tra là đánh giá rủi ro. Các thùng chứa bị coi là đáng ngờ, thường là do thông tin từ nước ngoài, sẽ bị rà soát bằng máy quét, mở hàng hóa và khám xét bằng chó nghiệp vụ. Một số tàu cũng được các đội thợ lặn kiểm tra bất ngờ. Theo hai quan chức trên, việc tự động hóa một số bộ phận của cảng, và do đó loại bỏ yếu tố con người, cũng giúp hạn chế tham nhũng.
Vấn đề bạo lực liên quan đến buôn bán cocain gần đây cũng gây nhức nhối trong xã hội Hà Lan. Năm 2019 và năm 2021, một nhà báo nổi tiếng và một luật sư tham gia vào phiên tòa xét xử một trùm ma túy đã bị ám sát. Sự việc đã thôi thúc chính quyền phân bổ nhiều nguồn lực hơn để trấn áp tội phạm ma túy.
Tin nổi bật
Tin Video