Tin tức

Canada thả 'Công chúa Huawei': Chưa rõ kẻ thắng người thua!

(VOVTV) - Mặc dù sự kiện bà Mạnh Vãn Chu, Giám đốc Tài chính toàn cầu của Tập đoàn công nghệ Huawei được thả tự do và trở về Trung Quốc đã khép lại, nhưng dư âm của nó vẫn còn đọng lại và chắc chắn sẽ còn được nhắc đến nhiều trên truyền thông Trung Quốc.

Tác giả Bích Thuận / VOV Bắc Kinh
29/09/2021 11:13

Những ngày này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngập trong biển hoa chúc mừng, đến mức Văn phòng Người phát ngôn của bộ này phải nhắn trên tài khoản WeChat chính thức, đề nghị người dân không gửi thêm hoa, mà chỉ để lại lời nhắn. 

Tuy nhiên, trong men say chiến thắng, có lẽ vẫn cần tỉnh táo để hiểu rằng, việc bà Mạnh không nhận tội, không đồng nghĩa với việc Huawei sẽ giành chiến thắng trong các vụ kiện tiếp theo tại Mỹ và với Canada quyết định này không hẳn là “thua cuộc”.

Đằng sau vụ việc Canada thả 'Công chúa Huawei' - Ảnh 1.

Bà Mạnh Vãn Chu. Ảnh: Reuters

Trung Quốc ngây ngất trong niềm vui chiến thắng

Việc bà Mạnh Vãn Chu được thả tự do và trở về Trung Quốc đã trở thành sự kiện “chiếm sóng” nhiều nhất những ngày cuối tuần qua ở nước này. Buổi tường thuật trực tiếp sự kiện bà đáp xuống sân bay Bảo An ở thành phố Thâm Quyến - nơi được mệnh danh là Thung lũng Silicon của Trung Quốc và cũng là nơi đặt trụ sở chính của Huawei - của truyền hình Trung Quốc đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân nước này.

Theo số liệu do Bộ Ngoại giao Trung Quốc cung cấp hôm 27/9, riêng tối thứ Bảy (25/9), thông tin “Công chúa Huawei” trở về nhà an toàn đã nhận được 400 triệu lượt thích trên phương tiện truyền thông mới của Đài Phát thanh Truyền hình Trung ương Trung Quốc, nhiều hơn cả tổng số dân của Mỹ và Canada.

Cũng trong ngày 27/9, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khi chính thức lên tiếng về vụ việc này đã tái khẳng định, vụ án Mạnh Vãn Chu là “một vụ gài bẫy và bức hại chính trị” đối với công dân Trung Quốc, với mục đích đàn áp các công ty công nghệ cao của nước này mà Huawei là một đại diện. Đồng thời cho biết vụ việc này đã nhận được sự quan tâm của Đảng, chính phủ và đích thân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Trước đó, trong rất nhiều diễn đàn với Mỹ, Bắc Kinh đều nhắc đến vụ việc này. Ngay cả trong cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và ông Tập hồi đầu tháng, số phận của bà Mạnh cũng đã được đề cập đến. Trong số 2 danh sách liệt kê các quan ngại và vụ việc cụ thể mà Trung Quốc yêu cầu Mỹ giải quyết đưa ra tại hội đàm Thiên Tân hồi tháng 7 vừa qua cũng bao gồm vụ án dẫn độ Mạnh Vãn Chu.

Nguồn thạo tin ẩn danh của tờ Financial Times thậm chí còn cho biết, giới ngoại giao Mỹ và Trung Quốc đã đạt được đồng thuận từ hồi tháng 7 trong khuôn khổ chuyến thăm của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman tới Thiên Tân. Theo đó, hai bên đồng ý thiết lập một nhóm công tác chuyên xử lý các vụ việc đơn nhất, ví như liên quan đến bà Mạnh Vãn Chu cùng hai công dân người Canada là Kovrig and Spavor – hai người bị bắt tại Trung Quốc và cũng được thả tự do ít giờ sau khi bà Mạnh Vãn Chu có quyết định rời Canada và không bị truy tố.

Rõ ràng, với Bắc Kinh, đây không còn là một vụ án tư pháp đơn thuần của một công dân Trung Quốc. Đằng sau bà Mạnh là Tập đoàn Huawei – niềm tự hào của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ cao, một trong không nhiều lĩnh vực mà Bắc Kinh có thể cạnh tranh sòng phẳng với Washington; là cuộc đấu tranh ngoại giao và chính trị giữa Trung Quốc với Mỹ và Canada, cao hơn là sự “trỗi dậy” của Trung Quốc trước sự chèn ép của phương Tây.

Cùng với sự “phục hưng” của dân tộc Trung Hoa, theo như cách nói của nước này và trên con đường trở thành “cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại”, Bắc Kinh đã xác định sẽ còn phải đối đầu với nhiều cuộc cạnh tranh gay gắt, cam go và lâu dài, do vậy sự kiện bà Mạnh về nước là “chiến thắng” mang ý nghĩa biểu tượng to lớn đối với Trung Quốc, là biểu hiện cho sức mạnh Trung Quốc và niềm tự hào của dân tộc Trung Hoa.

Nói như tờ “Nhân dân Nhật báo” – cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, vụ việc Mạnh Vãn Chu là “hình ảnh thu nhỏ của những thay đổi lớn chưa từng thấy trong cả trăm năm (cách nói của ông Tập - PV).” Việc bà Mạnh về nước là kết quả của sự lãnh đạo mạnh mẽ của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, nỗ lực không ngừng của Chính phủ Trung Quốc và sự ủng hộ của toàn thể nhân dân Trung Quốc, là thắng lợi lớn của “nhân dân Trung Quốc”.

Thả “Công chúa Huawei” – sự giải thoát đối với Canada

Chính quyền của Thủ tướng Justin Trudeau đã toan tính kỹ trước khi quyết định khép lại cuộc tranh cãi kéo dài giữa Canada và Trung Quốc liên quan tới việc giam giữ công dân của nhau. Cũng không nên phủ nhận “nhân tố Mỹ” trong động thái mới nhất của cả Canada và Trung Quốc.

Trong cuộc bầu cử tổ chức trước thời hạn một tháng vào tuần trước, cử tri Canada vẫn tiếp tục lựa chọn ông Trudeau làm thủ tướng nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp. Tuy nhiên, đảng Tự Do của ông Trudeau đã không thể giành đủ 170 ghế cần thiết để nắm quyền kiểm soát Quốc hội như kỳ vọng. Để lãnh đạo đất nước trong nhiệm kỳ mới, Thủ tướng Trudeau sẽ phải dựa vào ít nhất một đảng đối lập, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của cử tri Canada trong các quyết định cả về đối nội và đối ngoại.

Cần lưu ý, ngay sau khi đắc cử chức thủ tướng Canada lần đầu năm 2015, ông Trudeau đã cam kết cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Nhưng khi còn chưa kịp thực hiện cam kết đó, Canada đã bị đẩy vào tình thế mắc kẹt trong cuộc cạnh tranh cả về địa chính trị chiến lược và địa kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc. Hệ quả là Canada đã bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu theo yêu cầu dẫn độ của Mỹ, trong khi Trung Quốc bắt giữ hai công dân Canada như một biện pháp trả đũa mặc dù Trung Quốc luôn phủ nhận bất kỳ mối liên hệ nào giữa trường hợp của bà Mạnh Vãn Chu với việc giam giữ hai công dân Canada. 

Trong cuộc họp báo ngày 27/9, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cũng tuyên bố không có bất kỳ mối liên hệ nào. Bà Psaki nói rằng Mỹ có Bộ Tư pháp độc lập đưa ra các quyết định độc lập và đó là những quyết định thực thi pháp luật. Trong khi đó, phát biểu trên Đài CBC ngày 26/9, Ngoại trưởng Canada Marc Garneau thừa nhận việc hai công dân Canada trở về ngay lập tức có liên hệ trực tiếp với vụ việc của bà Mạnh Vãn Chu được trả tự do.

Do vậy, có thể nhìn nhận quyết định trả tự do cho bà Mạnh Vãn Chu của Chính phủ Canada là cách để thực hiện cam kết với cử tri và là món quà mừng ông Trudeau tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba. Thỏa thuận trả tự do cho bà Mạnh Vãn Chu cũng được coi là sự giải thoát đối với cả Canada, Trung Quốc và Mỹ sau ba năm căng thẳng leo thang. Thực tế là Canada đã phải nếm trái đắng về kinh tế - thương mại do căng thẳng quan hệ với Trung Quốc trong gần ba năm vừa qua và giờ là lúc cần phải dọn đường để tập trung phục hồi kinh tế thời kỳ hậu đại dịch Covid-19.

Sự trở về của bà Mạnh Vãn Chu và số phận Huawei ở Mỹ

Việc bà Mạnh Vãn Chu về nước có thể coi là “thắng lợi” của Trung Quốc trên mặt trận ngoại giao, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc Huawei sẽ giành chiến thắng trong các vụ kiện ở Mỹ trong tương lai.

Bà Mạnh không nhận tội, không phải thụ án và không phải trả tiền phạt, nhưng đã thừa nhận đưa ra tuyên bố không đúng sự thật về hoạt động của Huawei ở Iran. Điều đó đồng nghĩa với việc, Mỹ đã có trong tay bằng chứng nhất định cho thấy Huawei đã vi phạm luật tài phán dài hạn của Mỹ, mở đường cho việc Washington tiếp tục đàn áp tập đoàn này. Giới chức Mỹ cũng chưa hề có ý định dỡ bỏ các cáo buộc nhằm vào Huawei, do vậy cuộc chiến giữa Washington với tập đoàn này sẽ còn rất phức tạp.

Trong một thông cáo phát đi hôm 25/9 khi Giám đốc tài chính Mạnh Vãn Chu trở về nước sau hơn 1.000 ngày bị giữ lại ở Canada, Huawei cũng cho biết “sẽ tiếp tục tự bảo vệ mình trước những cáo buộc của tòa án quận Đông New York”.

Tất nhiên, đây vẫn là một “chiến thắng” mang tính biểu tượng, do vậy nó sẽ khiến các công ty Trung Quốc, đặc biệt là những công ty đã và đang bị chính phủ Mỹ trừng phạt hoặc trong danh sách đen cảm thấy vững tâm hơn, rằng chính phủ Trung Quốc sẽ không để doanh nghiệp của mình phải chịu sự chèn ép mang động cơ chính trị của Mỹ.

Nhưng vụ việc này cũng là một lời nhắc nhở đối với doanh nghiệp Trung Quốc, rằng sự trở về của bà Mạnh không phải là dấu chấm hết cho cuộc chiến của các công ty Trung Quốc ở nước ngoài, sự đàn áp của chính phủ Mỹ có thể sẽ còn tiếp tục gia tăng. Bởi sở dĩ chính phủ Mỹ quyết định giải quyết vụ bà Mạnh Vãn Chu với Trung Quốc là vì mục tiêu chính của họ không phải là bà Mạnh, mà là Huawei.

Ý kiến của bạn