Cẩn trọng khi giao dịch trái phiếu doanh nghiệp
Trái phiếu doanh nghiệp là loại chứng khoán có kỳ hạn từ 1 năm trở lên do doanh nghiệp phát hành, xác nhận nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi và các nghĩa vụ khác của doanh nghiệp đối với nhà đầu tư. Hiện, đây là kênh đầu tư hấp dẫn với mức sinh lời tương đối cao, nên việc giao dịch cũng có các quy định nghiêm ngặt để ổn định thị trường, hạn chế thấp nhất rủi ro cho nhà đầu tư.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, trên thị trường xuất hiện hiện tượng “lách luật”, khi một số công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại chào mời, phân phối trái phiếu doanh nghiệp không đúng đối tượng.
Theo quy định tại Điều 11 Luật Chứng khoán 2019 cũng như các quy định hiện hành liên quan, chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được mua và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp. Quy định này là để bảo vệ các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, không có kinh nghiệm.
Bởi, việc mua trái phiếu riêng lẻ nhưng không đủ năng lực đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; không phân tích được rủi ro; không nắm rõ điều kiện, điều khoản của trái phiếu (nhầm tưởng là được công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại bảo lãnh, trong khi các tổ chức này chỉ cung cấp và hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành trái phiếu)... sẽ gây ra rủi ro cho nhà đầu tư.
Để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể huy động vốn trên thị trường, Bộ Tài chính mới đây đã có khuyến cáo chủ thể tham gia thị trường này cần cẩn trọng và tuyệt đối tuân thủ quy định pháp luật.
Đặc biệt, các nhà đầu tư nhỏ lẻ lưu ý không “lách” quy định để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, tham gia giao dịch thị trường trái phiếu doanh nghiệp, vì vừa vi phạm các quy định của pháp luật, vừa gây rủi ro cho khoản đầu tư của mình.