Đời sống

Cần Thơ: Người phụ nữ trẻ suýt mất mạng vì bệnh tưởng chỉ có ở người cao tuổi

(VOVTV) - Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long vừa cấp cứu thành công người phụ nữ nhập viện trong tình trạng chỉ số đường huyết tăng cao 28 mmol/l - cao gấp nhiều lần người bình thường, đau bụng, nôn ói liên tục.

Tác giả Hồng Phương/VOV ĐBSCL.
08/05/2023 17:58

Ngày 01/5, chị N. H. X. P (27 tuổi), địa chỉ ở TP. Cần Thơ, nhập viện Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long với các triệu chứng đau bụng, nôn ói, mệt nhiều, ăn uống kém, môi khô, khát nước, tiểu nhiều, rối loạn tri giác, vật vã, đã uống thuốc điều trị 3 ngày nay nhưng không giảm. Gia đình bệnh nhân cho biết, khoảng 3 tháng trở lại đây, chị P. sụt 4 kg và có tiền sử hen phế quản.

Sau khi tiếp nhận, bệnh nhân được làm các xét nghiệm chẩn đoán xác định, kết quả cho thấy người bệnh mắc đái tháo đường type 1, nhiễm toan ceton, suy thận cấp, rối loạn lipid máu (Glucose máu: 512 mg/dL, HbA1c: 12,3 %, Cetone niệu 150 mg/dl; khí máu động mạch: pH: 7.1, HCO3: 5.1 mEq/L).

Cần Thơ: Người phụ nữ trẻ suýt mất mạng vì bệnh tưởng chỉ có ở người cao tuổi - Ảnh 1.

Bệnh nhân ổn định và được theo dõi, tái khám định kỳ sau khi xuất viện

Ngay sau đó, bệnh nhân được hội chẩn cấp 2 và nhanh chóng chuyển khoa Hồi sức tích cực & Chống độc (ICU) điều trị tích cực, bù dịch theo phác đồ, kiểm soát đường huyết bằng insulin qua bơm tiêm điện, bù bicarbonat, nâng tổng trạng, theo dõi đường huyết, nước tiểu và điện giải mỗi giờ. Sau 2 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân tỉnh táo, hết nôn ói, ăn uống được, giảm khát, tiểu nhiều, đường huyết dần ổn định và được chuyển lên Khoa Nội tiết điều trị tiếp.

Tại Khoa Nội tiết, người bệnh được chuyển từ insulin tĩnh mạch (bơm tiêm điện) sang tiêm dưới da, bù dịch, đánh giá tình trạng nhiễm ceton đã ổn định: chỉ số đường huyết <200 mg/dL, HCO3 > 18 mEq/L, pH máu > 7,3. Hiện người bệnh đã xuất viện và theo dõi tái khám định kỳ,

Ths.Bs. Nguyễn Mỹ An, Khoa Nội tiết, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long chia sẻ, đái tháo đường là nguyên nhân chính gây tử vong hàng đầu do các biến chứng nguy hiểm như: Biến chứng võng mạc đái tháo đường dẫn đến mất thị lực, gây mù lòa; Biến chứng thận dẫn đến suy thận giai đoạn cuối; Còn biến chứng bàn chân dẫn đến người bệnh phải cắt cụt chi…

Thời điểm trước, bệnh đái tháo đường thường gặp ở người cao tuổi, nhưng gần đây, tỷ lệ mắc bệnh ở nhóm người trẻ tuổi ngày càng tăng, đặc biệt là độ tuổi dưới 45. Vì vậy, để phòng tránh đái tháo đường, người dân cần có lối sống lành mạnh, kiểm soát chế độ ăn và cân nặng, thường xuyên đi kiểm tra đường huyết tối thiểu 6 tháng/lần, tránh gặp biến chứng nguy hiểm đến tính mạng./.

Ý kiến của bạn