Tin tức

Cần Thơ đưa bánh dân gian Nam bộ vào học đường

Trong năm đầu chính thức thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, tại các trường trên địa bàn Cần Thơ, nhất là các trường tiểu học đã có nhiều mô hình giáo dục mới được triển khai, tạo điều kiện cho giáo viên đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát huy sự sáng tạo của học sinh.

05/11/2020 09:20

Gần đây nhất, nhiều trường đã cho học sinh trải nghiệm tự tay làm và thưởng thức các loại bánh dân gian Nam bộ, thổi một “làn gió mới” vào các tiết học ngoại khóa.

Đến Trường Tiểu học Võ Trường Toản, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ vào một giờ học ngoại khóa trải nghiệm làm bánh dân gian, không gian “nhà bếp nhỏ” giữa sân trường nhộn nhịp với nhiều nhóm học sinh. Nhóm thì nhào bột, nhóm nặn bánh, nhóm nấu bánh… tất cả đều vui cười, làm bánh hăng say.

Cần Thơ đưa bánh dân gian Nam bộ vào học đường - Ảnh 1.

Gian "Bếp quê" của Trường Tiểu học Võ Trường Toản, quận Ninh Kiều, Cần Thơ nhộn nhịp trong tiết học trải nghiệm bánh dân gian

Các em học sinh được trực tiếp làm các loại bánh dân gian Nam bộ mang đậm hương vị ẩm thực quê hương như bánh bò, bánh canh, bánh bèo, bánh bột lọc... Bằng sự nỗ lực và sáng tạo của bản thân, các em đã tạo ra những chiếc bánh và háo hức chờ đợi được thưởng thức những sản phẩm của mình làm ra.

Cần Thơ đưa bánh dân gian Nam bộ vào học đường - Ảnh 2.

Các em học sinh tự tay nặn bánh bột lọc

Cần Thơ đưa bánh dân gian Nam bộ vào học đường - Ảnh 3.

Cô giáo cùng học sinh trải nghiệm cách nấu bánh canh

Em Nguyễn Ngọc Khánh Ngân, học sinh lớp 5a3, Trường Tiểu học Võ Trường Toản bày tỏ cảm xúc: "Hai năm liền em được tham gia buổi trải nghiệm làm bánh, em rất vui, em mong có thêm nhiều buổi để biết thêm nhiều loại bánh dân gian khác".

Cô Đoàn Thị Thu Thủy, giáo viên lớp 5, Trường Tiểu học Võ Trường Toàn chia sẻ: "Chương trình đổi mới đã mang lại nhiều sân chơi hơn cho các em học sinh. Tùy từng khối lớp nhà trường đưa ra nhiều hoạt động thiết thực. Riêng trải nghiệm làm bánh dân gian Nam bộ sẽ áp dụng từ khối 3 đến khối 5. Mỗi khối sẽ thực hành loại bánh khác nhau, từ đơn giản đến phức tạp. Mỗi buổi trải nghiệm đều mang lại tâm lý vui vẻ, thoải mái cho cả thầy và trò".

Cần Thơ đưa bánh dân gian Nam bộ vào học đường - Ảnh 4.

Nghệ nhân Trương Thị Chiều (Cô Chín bánh dân gian) hướng dẫn các em học sinh cách trang trí mâm bánh

Cũng như Trường Tiểu học Võ Trường Toản, học sinh Trường Tiểu học Mạc Đĩnh Chi, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ cũng rất mong đợi buổi trải nghiệm làm bánh dân gian Nam bộ. Tham gia hoạt động, các em thích thú khi được tận tay chạm vào các nguyên liệu, các vật dụng làm bánh thủ công, luôn chú ý lắng nghe nghệ nhân hướng dẫn và kiên nhẫn gói, đổ những chiếc bánh. Việc trải nghiệm làm bánh dân gian, vừa giúp các em thỏa sức sáng tạo, vừa để các em hiểu và yêu quý hơn những người làm nên “chiếc bánh quê hương.

Cần Thơ đưa bánh dân gian Nam bộ vào học đường - Ảnh 5.

Học sinh trường tiểu học Mạc Đĩnh Chi, quận Ninh Kiều, Cần Thơ, xem nghệ nhân làm xây bột, nướng bánh dân gian

Hoạt động được nhà trường thường xuyên tổ chức nhằm giáo dục trẻ biết đoàn kết, có tinh thần tập thể khi tham gia, trẻ biết chia nhóm, thảo luận và tự nhận xét kết quả làm của mình. Đồng thời, đây cũng là môi trường để các nghệ nhân làm bánh dân gian “truyền nghề” cho thế hệ trẻ, nhằm lưu giữ giá trị truyền thống văn hóa lâu đời của dân tộc.

Cần Thơ đưa bánh dân gian Nam bộ vào học đường - Ảnh 6.

Các nghệ nhân làm bánh dân gian Cần Thơ rất muốn "truyền nghề" thông qua các buổi hoạt động trải nghiệm của học sinh

Cần Thơ đưa bánh dân gian Nam bộ vào học đường - Ảnh 7.

Tự tay trải nghiệm làm bánh giúp học sinh thỏa niềm đam mê, hiểu hơn về món bánh quê hương

Bánh dân gian Nam bộ giúp gợi nhớ ký ức một thời cha ông mở cõi, do vậy việc đưa hoạt động trải nghiệm bánh dân gian vào trường học là cơ hội để các em học sinh tìm hiểu về văn hóa truyền thống dân tộc. Đây cũng là cơ hội tốt để giáo viên các trường chia sẻ, thảo luận, trau dồi kinh nghiệm cho bản thân trong quá trình giúp trẻ trải nghiệm thực tế. Qua đó, góp phần đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ./.

Ý kiến của bạn