Tin tức

Cần Thơ công bố Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghề làm bánh tráng Thuận Hưng

(VOVTV) - Ngày 19/5, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP. Cần Thơ phối hợp UBND quận Thốt Nốt tổ chức lễ công bố, trao, đón nhận quyết định, giấy chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghề làm bánh tráng Thuận Hưng (phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt), ở lĩnh vực nghề thủ công truyền thống.

Tác giả Hồng Phương/VOV ĐBSCL.
20/05/2023 05:26

Theo hồ sơ khoa học do Bảo tàng TP. Cần Thơ thực hiện, nghề làm bánh tráng truyền thống ở Thuận Hưng được hình thành khoảng giữa thế kỷ XIX và được trao truyền tiếp nối qua nhiều thế hệ. Trải qua hơn trăm năm tồn tại và phát triển, nghề làm bánh tráng ở Thuận Hưng vẫn còn lưu giữ những giá trị truyền thống mang tính văn hóa sâu sắc. Cho đến nay quy trình sản xuất của bánh tráng Thuận Hưng không có nhiều sự thay đổi, ngoại trừ người làm bánh tráng truyền thống có sử dụng thêm một số loại máy móc để hỗ trợ sức người như máy xay bột, máy nạo dừa.

Cần Thơ công bố Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghề làm bánh tráng Thuận Hưng - Ảnh 1.

Làng nghề bánh tráng Thuận Hưng hiện có 58 hộ sản xuất theo phương pháp thủ công truyền thống thường xuyên, với khoảng 250 người thực hành. Ngoài ra, còn khoảng 30 lò truyền thống chờ đến dịp Tết mới sản xuất.

Thống kê của UBND quận Thốt Nốt, cả 4 khu vực của phường Thuận Hưng đều có người làm nghề tráng bánh tráng, tập trung nhiều nhất ở khu vực Tân An và Tân Phú. Có 58 hộ sản xuất theo phương pháp thủ công truyền thống thường xuyên, với khoảng 250 người thực hành. Ngoài ra, còn khoảng 30 lò truyền thống chờ đến dịp Tết mới sản xuất. Sản phẩm chủ yếu của các lò thủ công truyền thống là bánh tráng nhúng, bánh tráng ngọt và bánh tráng dừa.

Với những giá trị văn hóa đặc sắc được bà con làng nghề hình thành và duy trì qua nhiều thế hệ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định đưa Nghề làm bánh tráng Thuận Hưng vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào ngày 6/3/2023.

Cần Thơ công bố Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghề làm bánh tráng Thuận Hưng - Ảnh 2.

Làng nghề bánh tráng Thuận Hưng hiện trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách, đặc biệt những người thích khám phá, tìm hiểu về những làng nghề truyền thống, ẩm thực, văn hóa Tây Nam bộ.

Ông Trà Ngọc Sính - Phó Chủ tịch UBND phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ cho biết dịp này, Ngân hàng Chính sách xã hội quận Thốt Nốt đã trao quyết định giải ngân cho 6 gia đình ở làng nghề bánh tráng Thuận Hưng vay vốn. Mỗi hộ được vay 100 triệu đồng, qua đó có thêm điều kiện đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm nguyên liệu để làm nghề.

"Địa phương và các phòng ban của quận sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hộ tráng bánh tiếp cận được nguồn vốn từ Ngân hàng chính sách để mở rộng quy mô sản xuất, mua sắm trang thiết bị công nghệ vào sản xuất bánh tráng. Đồng thời ở phường cũng hỗ trợ cho các hộ tham gia hội thi tay nghề tại Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ hằng năm và tại các điểm du lịch trên địa bàn thành phố; hướng dẫn cho các hộ hoàn thành các thủ tục đăng ký lại các sản phẩm OCOP", ông Trà Ngọc Sính cho biết.

Cần Thơ công bố Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghề làm bánh tráng Thuận Hưng - Ảnh 3.

Trải qua hơn trăm năm tồn tại và phát triển, nghề làm bánh tráng ở Thuận Hưng vẫn còn lưu giữ những giá trị truyền thống mang tính văn hóa sâu sắc.

Làng nghề bánh tráng Thuận Hưng hiện trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách, đặc biệt những người thích khám phá, tìm hiểu về những làng nghề truyền thống, ẩm thực, văn hóa Tây Nam bộ. Do vậy, lãnh đạo UBND TP. Cần Thơ đề nghị các sở, ngành có liên quan, đặc biệt quận Thốt Nốt nhanh chóng triển khai làm phim tài liệu về nghề bánh tráng và phổ biến trên các phương tiện truyền thông; hướng dẫn, hỗ trợ người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, chính sách hỗ trợ;… để các hộ dân yên tâm sản xuất, lực lượng lao động trẻ sẵn sàng kế thừa và phát huy nghề truyền thống địa phương./.

Ý kiến của bạn