Cần tăng lương từ 1/7 để ổn định thị trường lao động
(VOVTV) - “Cần tăng lương từ ngày 1/7 để ổn định thị trường lao động và phát triển sản xuất, kinh doanh” là ý kiến đồng thuận của nhiều chuyên gia lao động việc làm tại hội thảo khoa học diễn ra chiều 26/4 do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tổ chức. Nếu tiếp tục kéo dài, lần lữa việc tăng lương, doanh nghiệp không chỉ khó tuyển nhân lực làm việc mà còn kéo theo những bất ổn cho thị trường lao động.
Báo cáo tình hình lao động, tiền lương, thu nhập, chi tiêu và đời sống của CNLĐ năm 2022 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện trong tháng 3 vừa rồi cho thấy: Nếu không làm thêm giờ, tiền lương cơ bản của công nhân lao động chỉ ở mức trung bình 4.920.000VNĐ mỗi tháng. Thế nhưng, dù phải liên tục làm việc với cường độ cao, thời gian kéo dài (công nhân ngành dệt may, điện tử, da giày, chế biến thuỷ hải sản, sản xuất gỗ… làm thêm 60-70 giờ/ tháng) thì lương và thu nhập vẫn không đáp ứng được mức sống tối thiểu.
Theo PGS.TS Vũ Quang Thọ, chuyên gia kinh tế lao động, Nguyên Viện trưởng Viện công nhân công đoàn, vì mức lương quá thấp nên doanh nghiệp mới khó tuyển lao động: "Doanh nghiệp nói rằng rất thiếu kinh phí, họ rất cần nguồn lực. Vậy thì tại sao giờ doanh nghiệp muốn thuê lao động mà không có lao động để thuê? Tại sao thế? Vì lao động cũng là nguồn tạo ra sức sống của các doanh nghiệp. Mà sức sống của các doanh nghiệp chính là lợi nhuận. Cho nên chính người lao động là nguồn tạo ra lợi nhuận cho nên các doanh nghiệp rất cần thuê lao động. Đấy là một cái rất chéo ngoe ở Việt Nam. Lẽ ra ở nhiều thị trường các nước khác, khi thị trường lên cao như thế này thì giá nhân công lao động phải lên. Mà giờ giá nhân công của chúng ta mới chỉ có 5 triệu rưỡi – 6 triệu rưỡi 1 tháng thôi".
Hơn 2 năm dịch bệnh kéo dài khiến cuộc sống người lao động càng thêm khó khăn, chầy chật. Khảo sát của Viện công nhân công đoàn cho thấy, có 34% người lao động chỉ dám ăn thịt cá 3 lần trong 1 tuần và 41% người lao động chỉ đủ tiền để mua một số loại thuốc cơ bản.
TS Nguyễn Thị Thanh Hương, Viện Nghiên cứu và Phát triển bền vững cho rằng, nếu doanh nghiệp vẫn lần lữa kéo dài việc tăng lương thì sẽ khó có thể ổn định sản xuất: "Với mức lương như vậy và tình hình hiện nay như vậy, tăng giá xăng và tăng tất cả các điều kiện sống thì người lao động hiện nay buộc phải lựa chọn có ở lại hay không ở lại, tiếp tục hay không tiếp tục. Nếu không tăng lương thì họ sẽ tiếp tục sống như thế nào? Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ việc tăng lương cho người lao động để ổn định thị trường lao động và đảm bảo đời sống cho người lao động".
Mức tăng 6% lương tối thiểu mà Hội đồng tiền lương Quốc gia đã thống nhất chỉ tương ứng với hơn 200.00 đồng. Số tiền không nhiều nhưng thể hiện sự chia sẻ của người sử dụng lao động với những khó khăn người lao động đang gặp phải.
Do đó, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam mong muốn các Hiệp hội đã đề xuất hoãn thời điểm tăng lương 1/7 tới đây sẽ cân nhắc lại: "Khi chúng ta đầu tư cho người lao động chính là đầu tư cho tài sản quý giá nhất. Tiền được đầu tư để nó đẻ ra tiền, và có thêm lợi nhuận cho doanh nghiệp nhất là trong lúc người lao động đang rất khó khăn. Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Hơn lúc nào hết sự nghĩa hiệp đó của người sử dụng lao động sẽ trở thành yếu tố tạo động lực, động viên tinh thần, giúp người lao động làm việc với năng suất cao, chất lượng tốt và gắn bó sẻ chia hơn với doanh nghiệp".
Chỉ khi tiền lương được quan tâm và tương xứng với năng suất, sự cống hiến của người lao động thì mới động viên và yêu cầu họ làm việc với năng suất, chất lượng, hiệu quả, mang lại doanh thu và lợi nhuận lớn hơn cho doanh nghiệp, cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Tin nổi bật
Tin Video