Thời sự

Cần tăng cường truyền thông phòng chống đuối nước trẻ em

(VOVTV) - Sáng 15/12, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội thảo “Tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống đuối nước cho trẻ em”.

Tác giả Vương Cảnh / VOVTV
16/12/2020 05:12

Đuối nước, tai nạn thương tích là vấn đề cấp thiết và thu hút sự quan tâm của nhiều người trên toàn cầu. Đáng lo ngại, hơn 50% số ca tử vong là người dưới 25 tuổi, trẻ em dưới 5 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất; 90% sống ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Khu vực Tây Thái Bình dương có tỷ lệ trẻ em đuối nước cao nhất, cao gấp 2 lần so với con số trung bình trên toàn cầu.

Tại Việt Nam, tỷ lệ tử vong do đuối nước rất cao, ở khu vực nông thôn cao gấp 4 lần so với khu vực thành thị. Đuối nước chủ yếu xảy ra tại cộng đồng, chiếm tới 77,6% (ao, hồ, sông, suối, biển, ngã xuống hố ga, hồ xây dựng, 15,8% xảy ra tại gia đình và 6,6% tại nơi khác). Đuối nước xảy ra chủ yếu vào những tháng học sinh nghỉ hè.

day_boi_phong_chong_duoi_nuoc.jpg

Bên cạnh những thành công vẫn còn nhiều thách thức đối với Việt Nam để chúng ta có thể hoàn thành mục tiêu của Chính phủ vào năm 2020. Đó là nhận thức và hiểu biết chung về đuối nước trẻ em còn thấp. Nhiều trường hợp đuối nước trẻ em xảy ra do thiếu kiến thức của người lớn, bản thân trẻ thiếu các kỹ năng an toàn, nhiều trẻ em không biết bơi, mới có 30% trẻ em từ 6 - 14 tuổi biết bơi nhưng không có kỹ năng an toàn trong môi trường nước, sự sao nhãng, vô ý, bất cẩn của các bậc cha mẹ. 

Trên 50% các trường hợp chết đuối xảy ra ngoài trời khi trẻ tắm ở ao, hồ, sông suối và tắm biển không có người lớn đi cùng. Môi trường sống tại gia đình và ngoài cộng đồng chưa an toàn, tiềm ẩn nguy cơ gây đuối nước trẻ em.

Cần tăng cường truyền thông phòng chống đuối nước trẻ em  - Ảnh 2.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết, Hội thảo có ý nghĩa quan trọng khi Việt Nam và cộng đồng quốc tế đã triển khai hơn 30 năm thực hiện công ước Quốc tế quyền trẻ em. Việt Nam đã cam kết thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có mục tiêu 3 “bảo đảm cuộc sống khỏe mạnh và nâng cao phúc lợi cho tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi”. 

Việt Nam đang triển khai xây dựng các chương trình, đề án chuẩn bị thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 và 5 năm giai đoạn 2021-2025. Để giảm thiểu tử vong do đuối nước ở trẻ em đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, đoàn thể sự vào cuộc của cộng đồng.

Để giảm thiểu số vụ tai nạn đuối nước ở trẻ em, các cấp, ngành cũng cần tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức của gia đình và cộng đồng, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân về phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em; tập huấn chương trình bơi an toàn, cũng như các kỹ năng cứu đuối cho cán bộ các ban, ngành, đoàn thể có tham gia công tác phòng, chống đuối nước trẻ em; đồng thời đẩy mạnh phối hợp liên ngành, thanh tra, kiểm tra việc thực thi các quy định về phòng, chống đuối nước trẻ em.

Ý kiến của bạn